Giám đốc Chiến lược VPBankS: "Hiệu ứng tháng Giêng" sẽ sớm xuất hiện, nhịp chỉnh là cơ hội gom cổ phiếu
Theo chuyên gia, cường độ bán ròng của NĐTNN đang giảm dần khi kỳ nghỉ lễ năm mới 2024 đang đến, dòng vốn qua kênh ETF đang dương trở lại trong tuần qua là tín hiệu tích cực sớm.
Sau giai đoạn giằng co, VN-Index xuất hiện tín hiệu hồi phục tích cực. VN-Index giữ được xu hướng đi ngang với vùng dao động trong biên từ 1.080 – 1.125 điểm. Vùng hỗ trợ Fibonacci 50% tại 1.092 phát huy hiệu quả tích cực trong những tuần gần đây khi mặc dù điều chỉnh rung lắc nhưng vẫn giữ trên hỗ trợ này.
"Hiệu ứng tháng Giêng" sẽ sớm xuất hiện
Trong buổi livetream do Chứng khoán VPBank (VPBankS) tổ chức, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS nhìn nhận chỉ số VN-Index đang thu hẹp dần dao động nhất là khi dải Bollinger Bands đang co lại cho thấy vùng tích lũy đang hình thành một cách rõ nét. Dải lower band đang đóng vai trò vùng hỗ trợ trong khi đó dải Upper band đang đóng vai trò là vùng kháng cự.
Điểm tích cực là chỉ số VN-Index đã lấy lại được MA50 ngày và đang chờ kiểm nghiệm lại kháng cự MA20 (1.108 điểm) và MA 200 (1.122 điểm). Các chỉ báo kỹ thuật như Fear & Greed và MACD đang phát đi tín hiệu phục hồi sớm và đang dần xuất hiện trong tuần cuối cùng của năm 2023.
Đặc biệt, sau khi áp lực chốt lời diễn ra ở nhóm Midcap và Smallcap, tín hiệu phục hồi dần xuất hiện trở lại trong tuần này giúp giá của nhiều nhóm ngành tăng trở lại. Diễn biến phục hồi cũng diễn ra ở nhóm vốn hóa lớn như VN30 nhưng đà hồi phục vẫn còn khá yếu trước áp lực bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu ở đây.
Một số cổ phiếu đang tích lũy ở nền giá đáy như GAS, VNM, SAB, VIC, VHM, VRE,… chỉ chờ tín hiệu giảm bán của NĐTNN để có nhịp hồi phục kỹ thuật trở lại. Do đó, khi khối ngoại giảm bán và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn phục hồi, tín hiệu "đồng pha" sẽ trở nên rõ nét hơn có thể giúp thị trường sớm tích cực trở lại.
Về diễn biến khối ngoại, dòng vốn quốc tế tiếp tục duy tri rút vốn tại Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Srilanka trong tuần qua, ngược lại họ mua ròng tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Cường độ bán ròng của NĐTNN đang giảm dần khi kỳ nghỉ lễ lớn Noel và năm mới 2024 đang đến, dòng vốn qua kênh ETF đang dương trở lại trong tuần qua là tín hiệu tích cực sớm.
Sau thời gian tích lũy nén chặt trước đà bán ròng kịch liệt của khối ngoại, thị trường khả năng sẽ có một nhịp bật mạnh để lấy lại MA200 khi nhà đầu tư ngoại giảm bán ròng.
"Theo quan sát, thị trường thường đón nhận những đợt "sóng ăn Tết" trong tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch. Nếu khối ngoại giảm bán ròng và dòng tiền lớn quay trở lại, tôi cho rằng "hiệu ứng tháng Giêng" sẽ sớm xuất hiện. Thông thường, sau mỗi vùng đáy kỹ thuật của chỉ số, thanh khoản có thể sẽ cải thiện", chuyên gia VPBankS nhận định.
Nhà đầu tư tận dụng cơ hội trading
Dự báo về xu hướng thị trường, khả năng VN-Index có thể tiến tới kiểm nghiệm MA200/EMA144 tại 1.122 – 1.125 điểm. Xu hướng đi ngang trong kênh 1.080 – 1.125 tiếp tục được duy trì cho đến khi thế đi ngang bị phá vỡ.
Trong kịch bản thận trọng khi vùng hỗ trợ 1.076-1.082 điểm bị phá vỡ, khả năng chỉ số sẽ kiểm nghiệm lại nền giá tại vùng đáy kỹ thuật xác lập trong thời điểm đầu tháng 11 xoay quanh 1.028 – 1.050 điểm.
Với dự báo thị trường tiếp tục hồi phục, ông Trần Hoàng Sơn khuyến nghị nhà đầu tư nên canh mua trong những nhịp điều chỉnh, trading tại hai vùng hỗ trợ gần nhất là 1.082 – 1.092, ưu tiên có dòng tiền tham gia tích cực, đã điều chỉnh về nền giá hợp lý như Ngân hàng, Chứng khoán, Thép, BĐS, BĐS KCN, Hạ tầng, Dầu khí,…
Trong trường hợp khối ngoại giảm bán ròng và nhóm Largecap phục hồi có thể để ý đến nhóm vốn hóa lớn đang ở vùng đáy của năm như VNM, GAS và VCB.