Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành: "Nghe nhiều về gói vay ưu đãi nhà ở xã hội nhưng...chưa thấy đâu"
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho hay, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12% - mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội.
- 28-03-2023Tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai được tính thế nào từ 1/4?
- 28-03-2023Thành viên độc lập HĐQT Hưng Thịnh Incons (HTN) xin từ nhiệm
- 28-03-2023Lợi nhuận Hải Phát Land giảm mạnh trong năm 2022, nợ phải trả cao gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu
Sáng 28/3, hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" do báo Người lao động tổ chức đã diễn ra. Tại hội thảo, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cùng các doanh nghiệp, người dân đã trao đổi, đóng góp về nhiều vấn đề, một trong số đó là nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.
Tại hội thảo, chị Lê Thị Hằng, công nhân một công ty trên địa bàn quận 7, TP.HCM cho biết: "Với mức lương 8 triệu đồng/tháng, không tăng ca và tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội ngày càng khó".
Do đó, chị mong nguồn vay dễ tiếp cận, lãi suất rẻ hơn, thời gian trả kéo dài hơn… Công nhân mong muốn mua căn hộ 45 - 50 m2, giá cả khoảng một tỷ đồng. "Chúng tôi mong muốn trả trước 20% và giá trả mỗi tháng 3 - 4 triệu đồng”, chị Hằng cho biết.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9%-10%, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8%-5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà, không thì chỉ là thuê.
"Nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi với lãi suất thương mại. Cho nên, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Họ phải được ưu tiên mới giữ được nhà. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải mạnh hơn, tổ chức của người lao động phải có tiếng nói mạnh hơn như gói vay 4,8% cho công nhân.
Cũng nói về câu chuyện vốn, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành - là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội cho hay: "Tôi nghe nhiều, nhiều lắm về gói vay ưu đãi này, ưu đãi kia nhưng toàn nghe trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội".
Nhận định về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP HCM cũng cho rằng, gói tín dụng thời gian qua không đủ để nhà đầu tư kéo giá thành xuống.
Trước nhiều ý kiến về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, quả thật trong thời gian qua có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn, người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ để cho chủ đầu tư và người dân vay.
Thực tế sau khi kết thúc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.
Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác nên đứt gãy nguồn vốn vay cho chủ đầu tư và người dân. Việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Bộ cũng đã đề xuất lên cấp cao hơn.
Về cơ chế chính sách, nguồn vốn, thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình Nghị quyết thí điểm về phát triển nhà cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn Luật Nhà ở.
Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3/2023 để có cơ sở thực hiện.
Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.
Nhịp sống thị trường