MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc đầu tư Dragon Capital: Kỳ vọng ra mắt các sản phẩm T+0, bán khống sau khi hệ thống giao dịch mới hoạt động

Giám đốc đầu tư Dragon Capital: Kỳ vọng ra mắt các sản phẩm T+0, bán khống sau khi hệ thống giao dịch mới hoạt động

Giám đốc đầu tư Dragon Capital Vũ Hữu Điền cho rằng các nhà đầu tư cần đặt lệnh có trách nhiệm trong thời điểm hiện tại để thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, chờ đến lúc hệ thống mới của FPT đi vào hoạt động.

Chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp" do CLB Nhà báo tổ chức cuối tuần qua, Giám đốc đầu tư Dragon Capital Vũ Hữu Điền cho biết ông "hoàn toàn hiểu và thông cảm cho những áp lực mà lãnh đạo Sở GDCK TP.HCM cũng như cơ quan quản lý phải trải qua giai đoạn này, bởi các công cụ để hỗ trợ giao dịch hiện nay là không có nhiều".

Ông Điền nhấn mạnh, tất cả nhà đầu tư khi tham gia giao dịch mà hệ thống không thông suốt đều bức xúc, điều này gây áp lực lên cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. 

Tuy nhiên cần phải nhìn lại bối cảnh TTCK Việt Nam khi sơ khởi, hệ thống giao dịch Thái Lan hỗ trợ chúng ta cách đây 20 năm, nhưng thực tế công nghệ này có cách đây hơn 30 năm. Nhớ lại những ngày đầu giao dịch cuối năm 2000, nhà đầu tư phải trực tiếp đến CTCK để viết phiếu lệnh trực tiếp để các môi giới nhập vào hệ thống.

Trong 21 năm qua, TTCK Việt Nam đã phát triển vượt bậc với quy mô 280 tỷ USD, chiếm hơn 80% GDP. Số tài khoản mở mới trong 18 tháng qua bằng gần 20 năm trước cộng lại, các CTCK cũng nâng cao năng lực và giao dịch bằng robot. Covid xảy ra giúp chúng ta cải tiến để giúp nhà đầu tư giao dịch thuận tiện hơn như cho phép mở tài khoản online, nhận diện ekyc (định danh khách hàng trực tuyến) điều này đã cho phép nhiều nhà đầu tư F0 tham gia giao dịch khiến các tài khoản mở mới quá đông. 

"Nếu ngày trước nhà đầu tư tổ chức chiếm 20% giao dịch toàn thị trường thì hiện giờ họ chỉ chiếm 7,5%, số NĐT nhỏ lẻ tham gia cũng khiến các lệnh chia nhỏ tăng lên", ông Điền đưa ra một trong các lý do khiến thị trường nghẽn lệnh.

Theo Giám đốc đầu tư của Dragon Capital, thời điểm bắt đầu nghẽn lệnh tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 14.000-15.000 tỷ, bằng nhiều biện pháp như nâng lô, khuyến cáo hạn chế sửa huỷ lệnh làm tổng giao dịch toàn thị trường có phiên lên đến 24.000-25.000 tỷ, tương đương 1 tỷ USD/phiên là con số rất lớn.

"Theo tôi hệ thống cũng giống như con đường, 10 làn, 20 làn, siêu tốc…Đường càng rộng càng nhiều xe lưu thông nhưng mọi người phải theo luật giao thông, nếu không theo quy định thì việc kẹt xe sẽ diễn ra. Do đó trong tình trạng hệ thống chưa đáp ứng được nhu cầu vì quy mô thị trường tăng quá nhanh thì tất cả thành viên tham gia thị trường cả NĐT, CTCK phải chung tay có trách nhiệm. Các NĐT nên đặt lệnh có trách nhiệm hơn một chút, các hoạt động đầu cơ hay giao dịch bằng máy nên hạn chế thời gian này để thị trường vượt qua thời điểm khó khăn này trong chúc chờ hệ thống FPT", ông Điền kêu gọi. 

Theo ông Điền, trong một vài tuần qua sự hợp tác của thành viên thị trường với hệ thống Hose là tương đối tốt. Khi tổng cho vay margin các CTCK đạt mức cao và các CTCK lớn không cho vay thêm được thì các NĐT đã mở thêm tài khoản tại CTCK khác, điều này giúp tăng số lệnh chia nhỏ ở nhiều nơi. 

"Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho Sở GDCK và cơ quan quản lý, công cụ để thực hiện, thay đổi hỗ trợ giao dịch là không có nhiều. Các giải pháp như nâng lô thì NĐT tổ chức không vấn đề gì vì lệnh của họ lớn hơn lô 1000 rất nhiều, điều này chỉ ảnh hưởng nhiều nhất đến NĐT cá nhân. Rất khó để chọn ra một giải pháp vừa có tính khả thi vừa được các NĐT ủng hộ. Do đó cần nhìn lại những cố gắng của Sở GDCK, UBCK và các NĐT đã giao dịch có trách nhiệm để hỗ trợ cho hệ thống. 

Tôi thực sự bất ngờ khi hệ thống trục trặc 6 tháng qua nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu tương đối để chờ hệ thống của FPT. Kể từ khi Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính vào cuộc, FPT tuyên bố 100 ngày vận hành hệ thống mới đã rất là nhanh rồi. Rôi không thấy nhiều hệ thống trên thế giới có thể lắp đặt trong 100 ngày nên đó là một sự hợp tác đáng kể, FPT là một công ty rất có trách nhiệm để tham gia hỗ trợ Sở GDCK TP.HCM", ông Điền chia sẻ.

Bên cạnh đó, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho rằng sau khi hệ thống giao dịch chứng khoán được nâng cấp thành công, các nhà đầu tư nước ngoài rất mong mỏi TTCK Việt Nam sẽ phát triển lên một tầm cao mới và tham gia vào các chuẩn quốc tế, nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market). 

Việc hợp nhất hai Sở cần được đẩy nhanh, sau khi hệ thống giao dịch của FPT được đưa vào hoạt động với quy mô lệnh lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày (gấp 3-5 lần hiện tại), chúng ta có thể kỳ vọng áp dụng sản phẩm T+0 (day-trading), nếu được thanh khoản thị trường có thể tăng 50%, bên cạnh đó có sản phẩm bán khống hay cho vay cổ phiếu. Ông Điền kỳ vọng, các nền tảng giao dịch mới có thể đáp ứng để đưa ra các sản phẩm mới.

Ngoài ra, chúng ta không nên quên mục tiêu nâng hạng để vào MSCI thời gian tới. Theo ông Điền, phần lớn các yêu cầu đã được giải quyết xong, các vấn đề lớn như room ngoại có thể giải quyết bằng mở room hay NVDR. "Chúng ta cũng cần giải quyết hệ thống thanh toán bù trừ độc lập để đáp ứng tiêu chí vào MSCI. Tôi mong các CTCK nâng cao năng lực xây dựng các platform online để đáp ứng nhu cầu giao dịch của các nhà đầu tư cũng như các sản phẩm mới để tăng mức độ hấp dẫn cho thị trường", ông Điền chia sẻ. 

Ngoài ra, Giám đốc đầu tư DC kỳ vọng UBCK và Sở GDCK sẽ kiểm soát chặt chẽ tình trạng thao túng thị trường và các hoạt động chứng khoán phái sinh hay hoạt động abitrage, "nếu quá đáng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và gây mất niềm tin cho nhà đầu tư".

Cuối cùng, xu hướng đầu tư hiện nay là ESG (Environmental, Social and corporate Governance) chỉ nhóm các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty. Các nhà đầu tư tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, đặc biệt ở Châu Âu họ quan tâm đến ESG, trong đó thị trường Việt Nam phần quản trị công ty chúng ta đã có nghị định hướng dẫn và có báo cáo 6 tháng về quản trị công ty nên có nhiều thông tin để các nhà đầu tư tham khảo. Trong khi đó, các thông tin về môi trường và xã hội chúng ta chưa có chuẩn, đại diện DC đề xuất nên yêu cầu ban hành báo cáo ESG để các công ty niêm yết, đặc biệt các công ty lớn tích hợp vào báo cáo thường niên. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có thêm thông tin để đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Châu Cao

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên