MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19

Trao đổi với Trí thức trẻ, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, lợi thế nhân công giá rẻ ở Việt Nam hiện nay sẽ dần mất đi. “Chúng ta phải chấp nhận thực tế, giá nhân công sẽ tăng dần. Mà giá nhân công tăng, thì đồng thời năng suất lao động cũng phải tăng”, ông chia sẻ.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Với nền kinh tế có số lượng doanh nghiệp gia đình lớn như Việt Nam, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, tác động của nó khác gì đối với nền kinh tế có cấu trúc thông thường?

Doanh nghiệp hộ gia đình là đặc tính rất đặc biệt của bất kỳ nền kinh tế thị trường nào. Ở châu Âu, châu Mỹ hay các quốc gia châu Á, các công ty gia đình đều là những trụ cột quan trọng của nền kinh tế tư nhân nói riêng, và của nền kinh tế nói chung.

Có những doanh nghiệp gia đình đã tồn tại đến hàng trăm năm ở châu Mỹ hay những nước châu Âu. Ở châu Á, chúng ta cũng có những gia đình tồn tại ở mức trung bình 50 – 70 năm. Còn ở Việt Nam, do đặc thù kinh tế, nên sự hình thành của những doanh nghiệp gia đình cũng ngắn hơn nhiều. Dài nhất cũng chỉ khoảng hơn 30 năm.

Với lịch sử phát triển như vậy, thông thường những công ty gia đình có kinh nghiệm, cũng như truyền thống hoạt động nhiều hơn so với phần còn lại của doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng có lịch sử, cũng như quá trình trải qua nhiều cơn bão tố hơn.

Bên cạnh đó, họ luôn luôn có cam kết về tương lai. Bởi vì họ luôn nghĩ đến thế hệ tương lai. Điều đó là khiến cho các doanh nghiệp gia đình thường có những cách thức hoạt động cẩn trọng hơn và có những biện pháp, cách thức quản trị rủi ro cũng khác với lại so với phần còn lại của các doanh nghiệp khác.

Điều này tạo ra sự khác biệt về cái khả năng chống chọi của nhiều những doanh nghiệp gia đình, so với những cái doanh nghiệp khác, trong quá trình nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thời gian qua.

Tác động dịch bệnh thì giống nhau đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp gia đình hay là doanh nghiệp không theo mô hình gia đình, những doanh nghiệp cổ phần đại chúng và những doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán…

Tuy nhiên, sức chống chọi và chuẩn bị thì có thể khác nhau. Có thể chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, nhưng khả năng quản lý của họ đã được vun đắp, hun đúc vào một quá trình dài, thậm chí còn được thừa hưởng từ những thế hệ cha ông trước nữa.

Như vậy, họ cũng có nhiều kinh nghiệm hơn trong quá trình xử lý khủng hoảng.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nhiều người thường cho rằng khi đại dịch xuất hiện, doanh nghiệp sản xuất ít bị tác động hơn doanh nghiệp dịch vụ. Theo ông, điều này có đúng không với làn sóng dịch bệnh lần thứ 4?

Khi làn sóng dịch đầu tiên xuất hiện, Việt Nam khống chế rất tốt, còn được đánh giá là ngôi sao sáng ở Đông Nam Á, cũng như ở châu Á.

Nên sau năm đầu, quan niệm vẫn đang là ngành sản xuất sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Các doanh nghiệp sản xuất khi ấy vẫn duy trì được hoạt động, công nhân vẫn có công ăn việc làm.

Song, quan niệm này lập tức bị phá vỡ, khi làn sóng dịch thứ 4 diễn ra. Những doanh nghiệp tưởng chừng như có khả năng chống chọi rất tốt, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường tiêu dùng rất lớn - hơn 90 triệu dân của Việt Nam, hay những thị trường xuất khẩu vững chắc như vậy, lại bị ảnh hưởng.

Thời gian qua chúng ta thấy rằng, dịch bệnh sẽ không từ bất kỳ một loại hình doanh nghiệp nào cả.

Đứng trước dịch bệnh, đứng trước những cái cuộc khủng hoảng như vậy, bất kỳ là doanh nghiệp ở trong ngành nào: sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, xây dựng, bán lẻ… không nên coi mình được miễn nhiễm.

Sự khác biệt ở chỗ, thường những cái doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị tốt hơn, thì thường chịu tác động thấp hơn. Chuẩn bị ở đây có thể về thị trường, về những biện pháp quản lý trong quá trình sản xuất, quản lý rủi ro, hỗ trợ người lao động, khả năng thanh khoản về mặt tài chính, duy trì bạn hàng…

Nền kinh tế của chúng ta có liên thông với nhau, là một khối thống nhất, nên không ngành nào được miễn nhiễm trước những cái khó khăn như vậy cả.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Chúng ta chứng kiến làn sóng lao động từ quê và vẫn chưa quay trở lại thành phố để làm việc. Và thậm chí đến thời điểm hiện tại thì có báo cáo cho rằng, doanh nghiệp sẵn sàng trả 10%, 20% tăng mức lương, nhưng họ vẫn không sẵn sàng để quay lại thành phố. Theo ông, xu hướng này sẽ lâu dài hay chỉ là tạm thời?

Thứ nhất, lợi thế nhân công giá rẻ ở Việt Nam hiện nay sẽ dần mất đi. Chúng ta phải chấp nhận thực tế, giá nhân công sẽ tăng dần. Mà giá nhân công tăng, thì đồng thời năng suất lao động cũng phải tăng.

Trong bối cảnh hiện tại, có rất nhiều doanh nghiệp sẽ sử dụng tiền lương là yếu tố duy nhất để thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Điều đó cũng sẽ có tác động tích cực trực tiếp đối với một số doanh nghiệp.

Tuy nhiên, yếu tố tiền lương hiện không phải yếu tố duy nhất để các doanh nghiệp quay trở lại, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhìn chung, biện pháp "kéo" người lao động về bằng cách tăng lương chỉ có thể tác động nhất thời, nhưng sẽ không phải là xu hướng bền vững trong thị trường lao động hiện nay.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Nếu tăng lương cũng không phải yếu tố duy nhất để thu hút lao động quay trở lại, thì yếu tố nào là quan trọng nhất?

Hiện nay, người lao động rất quan tâm đến môi trường làm việc của họ sẽ như thế nào. Đầu tiên nhất phải là an toàn cho họ trước dịch bệnh. Thứ hai là sự quan tâm, cam kết của doanh nghiệp, từ cán bộ cấp cao, cấp trung, đến những người quản lý trực tiếp.

Điều này để thể hiện với họ sự đồng lòng và sẵn sàng chia sẻ của công ty trong lúc khó khăn nhất, như hỗ trợ, tạo môi trường an toàn. Ngoài vấn đề tiền lương, họ cũng quan tâm đến những yếu tố như bảo hiểm xã hội, những vấn đề về an sinh xã hội khác nữa mà họ được hưởng khi làm việc tại doanh nghiệp.

Bởi vậy, doanh nghiệp không nên chỉ dựa vào một cái yếu tố duy nhất là tiền lương để thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 5.

Trên khía cạnh chuyên gia kinh tế, "bình thường mới" với ông là gì?

Bình thường mới đối với tôi nghĩ là chúng ta phải chấp nhận một thực tế là COVID nó sẽ không từ bỏ cái thế giới này một cách dễ dàng. Nó sẽ ở lại với chúng ta năm 2022, 2023, có thể trong nhiều năm tới.

Trước thực tế như vậy, chúng ta phải chấp nhận COVID-19 sẽ trở thành một phần cuộc sống của chúng ta, mặc dù phần này của cuộc sống chúng ta không mong muốn một chút nào.

Và chúng ta phải xem rằng chúng ta phải sống với nó như thế nào? Thích nghi với nó như thế nào? Chúng ta phải nâng khả năng tự chống chịu của chính chúng ta lên. "Chúng ta" ở đây là cả xã hội, một nền kinh tế, trong đó có nhiều chủ thể khác nhau, trong đó có thể là nhà nước, trong đó có thể là doanh nghiệp, có thể là người dân, người tiêu dùng.

Điều này còn một hàm ý nữa là đối với mỗi chủ thể sẽ cần phải nỗ lực gấp đôi, sáng tạo gấp đôi, và bên cạnh đó phải hi sinh gấp đôi, chia sẻ gấp đôi, thậm chí gấp 3 gấp 4 để có thể thực sự thích nghi với lại cái bình thường mới này.

Đối với tôi đó là cái quan niệm về bình thường mới trong những năm tiếp theo.

Như ông vừa đề cập, bình thường sẽ là chấp nhận COVID có thể ở với chúng ta năm 2022, 2023 và thậm chí lâu hơn nữa. Vậy khi nhìn lại, Việt Nam đã ở trạng thái bình thường mới hay chưa?

Tôi nghĩ đối với Việt Nam, chúng ta đang ở giai đoạn dịch chuyển vào bình thường mới. Rất khó có thể ngay lập tức, trong một thời gian ngắn tạo ra một Việt Nam bình thường mới.

Bởi vì đại dịch vẫn đang diễn ra và tiến triển ở mức độ khó lường. Cách tốt nhất là luôn luôn quan sát và có những cái biện pháp hành xử tương ứng. Chúng ta đã có những biện pháp rất tốt để dẫn đến bình thường mới. Về chủ trương, sự bao phủ vaccine hiện đã rất rộng. Đó là thành tựu của Chính phủ, của chính quyền và của người dân. Đó là những bước rất là quan trọng để đi vào cái thường kỳ bình thường mới.

Giám đốc Economica Việt Nam lý giải chuyện công ty gia đình chống chịu tốt với đại dịch Covid-19 - Ảnh 6.

Theo ông, thách thức lớn nhất của công ty gia đình trong cả dịch vụ cả sản xuất ở thời điểm "bình thường mới" là gì?

Ngoài các điểm mạnh, thì các công ty gia đình đương nhiên cũng có nhiều thách thức. Một trong những thách thức của công ty gia đình hiện nay ở Việt Nam, cũng như trên toàn thế giới, là phần lớn chủ yếu tập trung sở hữu vào một số cá nhân ở trong gia đình.

Cách thức quản trị cũng sẽ phải được thiết kế, dù hiện đại hay như thế nào đi nữa vẫn phải phù hợp với cái mô hình công ty gia đình.

Đứng trước những yêu cầu về phát triển, cần phải có những khoản đầu tư lớn. Rõ ràng, các công ty rất cần những nguồn lực từ bên ngoài. Nguồn lực có thể là về mặt tài chính, hoặc công nghệ, hay những người quản lý gọi là "know-how".

Các công ty gia đình có thể có một số khó khăn trong việc cởi mở để huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài, hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng, phục hồi ở sau đại dịch.

Đặc biệt, những vấn đề như chuyển đổi số đòi hỏi sự thay đổi rất lớn về mặt tư duy của người lãnh đạo cao nhất. Đó là những người chủ gia đình và có truyền thống làm doanh nghiệp rất lâu, và nhiều khi sẽ cần rất nhiều thời gian để thuyết phục thay đổi hoàn toàn cách thức quản trị. Điều đó cũng là một thách thức đối với công ty gia đình ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng đặt ra những nhiều những cách thức cho quá trình chuyển giao thế hệ giữa những cá doanh nghiệp và những người chủ doanh nghiệp lớn.

Cảm ơn ông!


https://cafef.vn/giam-doc-economica-viet-nam-ly-giai-chuyen-cong-ty-gia-dinh-chong-chiu-tot-voi-dai-dich-covid-19-20220215084051872.chn

Quỳnh Lê

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên