MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện 'thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II'

24-05-2022 - 15:17 PM | Tài chính quốc tế

Giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện 'thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II'

Bà Kristalina Georgieva nhận định nền kinh tế toàn cầu đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế mang quan điểm thiếu lạc quan về bối cảnh hiện tại.

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2”.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF, cho biết việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine “đang phá hủy cuộc sống của hàng triệu người dân, kéo giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát”. Nhưng, bà cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn có cơ hội tránh được viễn cảnh suy thoái.

Giám đốc IMF: Kinh tế toàn cầu đối diện thách thức lớn nhất kể từ Thế chiến II - Ảnh 1.

Bà Kristalina Georgiev phát biểu trong phiên thảo luận nhóm thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Bloomberg.

Triển vọng kinh tế u ám đã bao phủ các thị trường tài chính trong vài tháng trở lại đây. Nhiều chuyên gia phân tích, doanh nhân và chính trị gia cho rằng những dữ liệu kinh tế tích cực sẽ xuất hiện ít hơn trong thời gian tới.

Một khảo sát đối với các kinh tế trưởng tại nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế thực hiện bởi WEF cho thấy tâm lý chung của họ đã chuyển sang bi quan trong vòng nửa năm trở lại đây. Hoạt động kinh tế tại Mỹ, Trung Quốc và phần lớn các nền kinh tế mới nổi sẽ ở mức cầm chừng. “Triển vọng kinh tế ảm đạm tại châu Âu, liên quan tới xung đột Ukraine, là điều được nhiều người dự báo. Lạm phát sẽ duy trì ở mức cao bên ngoài châu Á, dẫn tới thu nhập thực tế của người dân giảm sút trong bối cảnh bất ổn định an ninh lương thực và chi phí năng lượng cao.

Tác động của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng và lãi suất tăng càng trở nên rõ nét trong bối cảnh xung đột Ukraine nổ ra, đe dọa tới thành tựu phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch. 

Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng thế giới đang "trượt" vào suy thoái. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm xuống trong bối cảnh nhiều thành phố, trong đó có Thượng Hải, áp dụng lệnh phong tỏa chặt nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh. Tại châu Âu  một cuộc khủng hoảng mức sống nghiêm trọng đang nổ ra. Bên kia Đại Tây Dương, nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo sẽ rơi vào suy thoái, và các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối diện với tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm.

Robert Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết: “Tôi lo sợ rằng nền kinh tế thế sẽ rơi vào suy thoái, gây ra tác động lớn tới không chỉ khí hậu mà còn là sự ổn định toàn cầu”.

Jane Fraser, Giám đốc điều hành của Citi, nhận định một giai đoạn suy thoái sẽ hiện diện tại châu Âu, trong khi nền kinh tế những quốc còn lại đều giảm tốc.

Bà Georgieva cho biết tình hình đã xấu đi rất nhiều kể từ khi IMF đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,6%cho năm 2022 trong tháng 4 vừa qua. Những hệ quả từ cuộc khủng hoảng Ukraine là không hề nhỏ, buộc nhiều quốc gia phải đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng USD liên tục tăng giá và nền kinh tế Trung Quốc thì tăng trưởng chậm lại”.

“2022 sẽ là một năm đầy khó khăn”, với suy thoái sẽ xảy ra tại một số quốc gia, bà nói.

Quan điểm một số nền kinh tế toàn cầu vẫn còn dư địa tăng trưởng của bà Georgieva được ủng hộ bởi Jonas Prising, Giám đốc điều hành Manpower Group.

“Nhu cầu lao động vẫn tương đối mạnh mẽ”, ông nói. “Các doanh nghiệp rất quan tâm tới công tác tuyển dụng… và người lao động cũng đã nhận ra được tầm quan trọng của mình”.

Tuy nhiên, thị trường lao động “khỏe” sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động. Đây chính là áp lực đè nặng lên các ngân hàng trung ương, buộc họ phải quyết liệt tăng lãi suất nhằm kéo giảm lạm phát.

Bà Georgieva kêu gọi hạ thấp hoặc gỡ bỏ các rào cản thương mại, tăng cường hỗ trợ các quốc gia có tỷ lệ nợ cao và hiện đại hóa các hệ thống thanh toán xuyên biên giới. Chính phủ các nước không nên “đầu hàng trước những tác động từ quá trình phân tách địa lý kinh tế vì điều đó sẽ khiến thế giới của chúng ta trở nên đói nghèo và nguy hiểm hơn" dù bà thừa nhận rằng không có một giải pháp dễ dàng nào cho tình hình hiện tại.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên