Quản lý IT của ngân hàng Singapore nhiễm Covid-19 kể về chuỗi ngày dài vô tận trong phòng ICU: Các bác sĩ buộc phải "trói" tôi lại, đau đớn, tồi tệ và đáng sợ nhất cuộc đời
"Đầu óc tôi lúc đó hoàn toàn trống rỗng. Lo lắng và sợ hãi. Tôi nghĩ về bản thân mình. Phòng ICU là nơi chỉ khi con người ta ở vào tình trạng nguy cấp thì mới được đưa vào. Điều gì sẽ xảy đến với tôi? Liệu tôi có thể gặp lại vợ mình nữa hay không?", ông Raymond Koh, 47 tuổi, quản lý công nghệ thông tin của ngân hàng OCBC cho hay.
- 02-04-2020Những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục, họ cảm thấy như thế nào?
- 02-04-2020Nam bệnh nhân người Pháp nhiễm Covid-19 trong ngày khỏi bệnh: "Tôi cảm kích tấm lòng của các bác sĩ Việt Nam"
- 02-04-2020Xúc động những tấm lòng vàng ủng hộ từ quả trứng, mớ rau đến chỉ vàng dưỡng già để chống dịch Covid-19: "Tôi chết tiền không mang theo được"
Thời gian như kéo dài vô tận. Dù Raymond Koh nhìn lên chiếc đồng hồ ở bức tường phía đối diện bao nhiêu lần thì tay của ông vẫn không thể cử động nổi. Điều tồi tệ hơn là ông còn không thể tự di chuyển thân mình, bởi để ngăn ông giật các ống ở mũi, miệng và hai tay trong lúc mê man, các y bác sĩ đã "trói" ông vào giường bệnh.
Chia sẻ với trang The Straits Times, Raymond nhận định, một tuần nằm đau đớn trên giường bệnh vì Covid-19 là những ngày tồi tệ và đáng sợ nhất đời ông.
Ngày 10/3, Raymond được phát hiện dương tính với virus Corona. Một ngày sau đó, lượng oxy trong máu ông bắt đầu giảm. Phim chụp X-quang đã cho thấy những vết đốm trong phổi của ông. Nhiệt độ cơ thể lên xuống bất thường. Và rồi, các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Sengkang nói với Raymond rằng ông sẽ được đưa vào Phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) ngay lập tức.
"Đầu óc tôi lúc đó hoàn toàn trống rỗng. Lo lắng và sợ hãi. Tôi nghĩ về bản thân mình. Phòng ICU là nơi chỉ khi con người ta ở vào tình trạng nguy cấp thì mới được đưa vào. Điều gì sẽ xảy đến với tôi? Liệu tôi có thể gặp lại vợ mình nữa hay không?", quản lý công nghệ thông tin của ngân hàng OCBC nhớ lại.
Raymond thực sự lo sợ khi nghĩ về tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra. 8 năm trước, cha ông cũng từng ốm nặng và qua đời trong phòng ICU.
Raymond bắt đầu phát sốt vào ngày 1/3. Ngày hôm sau, ông tới khám tại một bệnh viện ở Buangkok và tái khám tại đây vào ngày 5/3. Tuy nhiên, cơn sốt không hề thuyên giảm mà còn tăng cao hơn vào tối ngày 8/3. Thấy vậy, bạn đời đã đưa ông tới khám ở một bệnh viện khác ở Punggol.
Lúc đầu, ông Koh chỉ cho rằng cơn sốt dai dẳng này là dấu hiệu của bệnh Sốt xuất huyết dengue, nhưng bác sĩ đã phát hiện ra những điều bất thường trong phổi của ông và quyết định gọi xe cứu thương. Ông được đưa tới Khoa Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Sengkang. Kết quả kiểm tra cho thấy, ông đã nhiễm Covid-19. Đó thực sự là một tin sốc với Raymond.
"Tôi nghĩ nếu tôi dương tính với virus Corona, vậy thì nhiều người khác cũng có thể bị lây nhiễm. Tôi nghĩ về gia đình và các đồng nghiệp của mình, thậm chí là những người từng ngồi trên một chuyến tàu với tôi," ông chia sẻ.
Ông Raymond Koh, người đã trải qua 5 ngày dài đằng đẵng trong phòng ICU vì Covid-19: "Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ nhiễm Covid-19".
Ngay tối hôm Raymond được phát hiện nhiễm nCoV, nhóm theo dõi liên lạc đã gọi điện để nói chuyện riêng với ông. "Họ hỏi xem tôi đã gặp ai và làm gì trong 3 tuần vừa rồi. Nhưng tôi nói với họ rằng lịch trình mỗi ngày của tôi đều giống nhau.
Tôi đi tàu tới Raffles Place để làm việc mỗi sáng. Sau đó, tôi tới trung tâm ẩm thực Hong Lim Hawker Center để ăn trưa và thỉnh thoảng ăn tối luôn ở đó. Vào buổi tối, tôi lên tàu để trở về nhà. Và tôi chưa từng gặp bất cứ ai có triệu chứng rõ ràng của Covid-19 cả".
Cuộc thử thách đầy gian khổ
Ông Koh cho biết ngày cuối cùng ông tới văn phòng trước khi phát bệnh là vào thứ sáu, 28/2. Tuần sau đó, ông xin nghỉ phép 5 ngày vì bị sốt. Khi ông được được xác định nhiễm nCoV, vợ cùng con trai ông được đưa đi cách ly trong 2 tuần. Ông cho hay, mọi thứ diễn ra quá nhanh kể từ sau khi ông được chẩn đoán mắc bệnh.
"Ngay trước khi được đưa vào phòng ICU, tôi vội nhắn tin cho vợ mình nói rằng tôi yêu cô ấy và cả con của chúng tôi. Trong phòng ICU, tôi được trích thuốc an thần nhằm giúp quá trình luồn ống diễn ra thuận lợi để có thể kết nối với máy thở.
Hôm sau, tôi thức dậy và phát hiện 6 chiếc ống được gắn vào người mình. Miệng, mũi, cổ, mỗi nơi một chiếc. Ba chiếc còn lại được gắn vào hai tay tôi. Tôi không thể nói một từ nào. Viết là cách duy nhất để tôi nói chuyện được với các bác sĩ và y tá. Tôi đã được đưa một chiếc bút và giấy để giao tiếp với họ", ông nói.
"Bao giờ thì tình trạng này sẽ chấm dứt?" ông Koh viết.
"Anh nên giữ tinh thần lạc quan", bác sĩ trả lời.
Tối hôm đó, ngày 12/3, tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn. Sự đau đớn ở ngực như thể virus đang lan rộng và bắt đầu quá trình "tấn công" bên trong cơ thể ông.
"Tôi đang cố gắng chịu đựng và ở trong một tư thế không hề thoải mái với hai tay bị cột chặt vào giường bệnh, không thể di chuyển. Lúc nào tôi cũng nhìn chằm chằm vào chiếc đồng hồ trước mặt.
11 giờ đêm, tôi tự nói với bản thân rằng hãy ngủ đi. Tôi nghĩ mình sẽ ngủ một giấc dài nhưng khi tôi mở mắt, chỉ mới trôi qua 10 phút.
Tôi nằm đó và thao thức tới tận sáng hôm sau", ông kể lại.
5 ngày dần trôi qua, cuối cùng tình trạng phổi của ông đã có tiến triển tốt và ông nhận được thông tin rằng ống đưa oxy vào phổi của mình sẽ sớm được tháo ra.
Vào ngày thứ 6, ông Koh được nói chuyện với gia đình thông qua cuộc gọi video.
Ông chia sẻ: "Dù không thể nói vì một chiếc ống vẫn còn luồn trong cổ họng nhưng tôi cảm thấy bớt căng thẳng hơn khi nhìn thấy vợ con mình. Tôi ra hiệu đồng ý bằng ngón tay cái hướng lên để nói với họ rằng tôi đang ổn.
Vợ gửi nhiều lời nhắn nhủ cho tôi. Tôi cũng cảm thấy được an ủi nhiều hơn khi thấy được sự hỗ trợ và động viên của các sếp cùng đồng nghiệp đối với vợ con mình".
Cuộc gọi video ấy diễn ra chỉ trong 10 phút ngắn ngủi với đầy nước mắt.
Samuel Tsien, CEO của Tập đoàn OCBC, đã gọi cho vợ ông để nói rằng bà là "một phần của đại gia đình OCBC". Không chỉ vậy, họ còn cung cấp hàng tạp hóa và đề nghị sẽ đưa đồ ăn mỗi ngày cho bà trong thời gian cách ly.
Vợ ông Koh hiện 44 tuổi và từ chối cho biết tên. Bà chia sẻ, "bạn bè gửi tới tôi hàng trăm tin nhắn lời cầu nguyện của họ qua điện thoại di động. Tôi đã lo lắng rất nhiều, nhất là khi con trai và tôi phải cách ly, tôi lại không thể tới bệnh viện chăm chồng được.
Mọi người tới và để đồ ăn ở ngoài của vì chúng tôi không thể ra ngoài. Chính sự hỗ trợ tới từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp đã giúp tôi vượt qua được 2 tuần ấy".
Sau 5 ngày nằm trong phòng ICU, ông Koh được chuyển tới khu cách ly và ở đó cho tới khi ra viện vào ngày 19/3 sau 2 lần xét nghiệm âm tính với nCoV.
"Trải nghiệm này đã cho tôi thấy tận mắt được các nhân viên y tế đang mạo hiểm thân mình để cứu mạng bệnh nhân ra sao. Mỗi ngày luôn có ai đó nói với tôi rằng bạn cần phải sớm bình phục để có thể trở về với gia đình. Họ rất lạc quan và những lời khích lệ của họ đã giúp tôi sống sót và vượt qua được thử thách này.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhiễm Covid-19 vì tôi không tới các địa điểm giải trí hay tham gia các hoạt động sau giờ làm việc. Vì thế, đừng cho rằng bạn an toàn. Bất cứ ai cũng có thể nhiễm virus ở bất cứ nơi đâu", ông kết luận.
Vậy mới thấy, mỗi người nên tự có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và mọi người, chủ động thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn để phòng, chống dịch. Đồng thời hãy luôn nhớ rằng, "mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch", và tinh thần đoàn kết sẽ giúp đánh bại "giặc" Covid-19.