MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Nhà Tốt: Thời gian trung bình để một người Việt Nam chuyển từ thuê nhà sang mua nhà là 7 năm

12-03-2023 - 08:20 AM | Doanh nghiệp

Giám đốc Nhà Tốt: Thời gian trung bình để một người Việt Nam chuyển từ thuê nhà sang mua nhà là 7 năm

Trong đó, độ tuổi mua nhà đang dần trẻ hoá, phổ biến nhất là từ 25-35 tuổi với tỷ lệ lên đến 50% tổng nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam. Mặt khác, chân dung người có nhu cầu thực đến 78% là người đã kết hôn, 60% người có tổng thu nhập trên 30 triệu/tháng.

Bất động sản là một trong những ngành đóng góp lớn vào GDP cả nước và cũng là ngành liên quan trực tiếp đến 40 lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, ngành bất động sản đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt bình quân 15%. Quy mô thị trường bất động sản ước tính đạt 1.232 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 22% tổng tài sản của toàn nền kinh tế, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Dù bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, siết chặt tín dụng, lãi suất tăng cùng những sự kiện thị trường trái phiếu thời gian qua, song bất động sản vẫn là thị trường rất tiềm năng. Cơ cấu dân số trẻ, thu nhập tăng… nhu cầu thực về việc sở hữu nhà của người Việt dự báo tiếp đà tăng thời gian tới.

Nghiên cứu của Nhà Tốt mới đây cho biết, trung bình 7 năm là thời gian một người chuyển từ thuê nhà qua mua nhà. Trong đó, độ tuổi mua nhà đang dần trẻ hoá, phổ biến nhất là từ 25-35 tuổi với tỷ lệ lên đến 50% tổng nhu cầu sở hữu nhà tại Việt Nam. Mặt khác, chân dung người có nhu cầu thực đến 78% là người đã kết hôn, 60% người có tổng thu nhập trên 30 triệu/tháng.

Được biết, Nhà Tốt là nền tảng proptech chuyên về bất động sản của Chợ Tốt. Công ty theo giới thiệu đang sở hữu dữ liệu lớn từ hơn 21.000 tỷ điểm dữ liệu về hành vi người dùng và 28 triệu bất động sản trên khắp 63 tỉnh thành được xây dựng trong suốt 10 năm. Trong đó, Chợ Tốt trực thuộc tập đoàn Carousell Group, là trang mua bán sản phẩm đồ cũ với hơn 12 triệu người dùng hàng tháng. Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản cũng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kép trung bình 40% trong những năm qua của Nhà Tốt.

Tuy nhiên, hiện lĩnh vực bất động sản Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi doanh nghiệp đối mặt với bài toán tối ưu chi phí vận hành, quản lý và tiếp cận khách hàng. Trong khi đó, người mua lại gặp khó khăn với tình trạng thông tin nhiễu, thị trường kém minh bạch về giá dẫn đến lòng tin suy giảm và khó tiếp cận được nhà ở phù hợp với năng lực tài chính.

“Có một thực tế, ngày nay người mua bất động sản thích tự tìm hiểu thông tin và ra quyết định. Do đó, người môi giới lúc này chỉ là người làm dịch vụ, không còn như xưa được nữa rằng “cứ tiếp cận càng nhiều người càng tốt”, theo chia sẻ của Uyên Trần - Giám Đốc Nhà Tốt. Tức, thị trường bấy giờ người mua thì mất lòng tin, trong khi người bán thì ảnh hưởng bởi hoạt động kinh doanh và khó khăn trong việc tiếp cận người mua thực, có nhu cầu thực.

Và bài toán đặt ra, “một doanh nghiệp nhà đất đang có quy mô 10 người, mỗi tháng có 3-4 giao dịch. Vậy muốn mỗi tháng có 30-40 giao dịch, phải chăng phải tăng quy mô lên 100 người?”.

Theo bà Uyên, cách này không khả thi, vì bộ máy sẽ cồng kềnh và tăng quy mô nhân sự lên như vậy doanh thu có tăng nhưng chi phí cũng đội lên rất nhiều. Doanh nghiệp lúc này có thể thay thế bằng việc tăng độ phủ thông qua các nền tảng protech. Bởi vì, xu hướng hiện nay, người có nhu cầu thật sẽ tự tìm đến kênh có chất lượng rổ nhà tốt, và doanh nghiệp chỉ cần cải thiện thông tin, dịch vụ cũng như nâng cao năng lực tư vấn thì sẽ kinh doanh tốt.

Thực tế, protech là sân chơi cực kỳ sôi động tại thị trường Việt Nam từ năm 2019, dù vậy theo thời gian, áp lực đầu tư và cạnh tranh khiến nhiều bên chậm lại.

Theo báo cáo của JLL và Tech in Asia, proptech Việt Nam là thị trường giàu triển vọng trong làn sóng đầu tư vào Startup công nghệ tại Đông Nam Á và toàn khu vực Châu Á. Số liệu đến năm 2021, các startup proptech Việt Nam đã gây sốt trên thị trường với thương vụ trị giá 30 triệu USD của Homebase và khoản đầu tư trị giá 10,2 triệu USD của công ty Rever. Trước đó, Propzy cũng đã kêu gọi vốn thành công với số vốn lên đến 25 triệu USD.

Việc thu hút được nguồn vốn đầu tư là minh chứng cho sự sôi động của thị trường. Song, với một thị trường non trẻ mà việc chuyển đổi số đang ở trong những bước đầu tiên, chịu chi tiền đầu tư và công nghệ là chưa đủ. Nhìn vào tổng thể bức tranh proptech Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường này mới chỉ đang trong giai đoạn chớm phát triển, vẫn còn khá sơ khai và phân mảnh.

Bài toán cần giải đáp chủ yếu xoay quanh cách thức vận hành “đốt tiền” quá nhiều trong khi khả năng tạo ra nguồn lợi nhuận trên cuộc đua đường dài vẫn chưa chắc chắn… Đây là những điểm yếu chung khiến nhiều proptech phải dừng cuộc chơi chỉ sau một thời ngắn tham gia thị trường.

Trong chia sẻ trước đó, đại diện Savills Việt Nam còn đưa ra góc nhìn khác, rằng trong một quãng thời gian dài, với chi phí vận hành là rất cao và luôn phải làm mới, tối ưu hóa công nghệ... việc này sẽ làm cho các công ty đối diện với những mặt rủi ro về chiến lược cũng như nguồn lực.

Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay, thị trường bất động sản thứ cấp có sự đóng góp rất lớn vào số lượng các giao dịch mua bán. Do đó, sự phức tạp của cách thức giao dịch truyền thống này, cộng với tính rõ ràng, minh bạch của thị trường bất động sản còn hạn chế là thách thức to lớn cho các proptech.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên