MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Nielsen Việt Nam: Không nắm bắt Gen Z, doanh nghiệp đánh mất tương lai

18-12-2020 - 08:58 AM | Doanh nghiệp

Nguồn: Forbes Việt Nam

Nguồn: Forbes Việt Nam

Tầm quan trọng của Gen Z đã lên đến 1/3 và trong vòng 5 năm năm nữa sẽ là phần đông người tiêu dùng. Người tiêu dùng Gen Z có nhiều cách tiếp cận nhưng đặc tính ngẫu hứng và ít trung thành với sản phẩm.

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu thời Covid-19”, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Retail Intelligence Nielsen Việt Nam chia sẻ Gen Z (sinh năm 1996-2010), là nhóm nhân khẩu học kế tiếp sau thế hệ Millennials (thế hệ Y – 1980-1995) và trước Thế hệ Alpha (sinh sau 2010), đang dần trở thành một trở thành nhóm khách hàng quan trọng trong tương lai.

Trên thế giới có khoảng 2 tỷ người thuộc nhóm Gen Z, ước tính đóng góp 27% lực lượng lao động thế giới. Nhóm này được nhắc đến là thế hệ kết nối hoặc những đứa con của thời đại "dot com" bởi khi họ lớn lên thì kỹ thuật số, công nghệ, điện thoại thông minh đã đầy đủ. Dến 2025, Việt Nam có khoảng 14,7 triệu người thuộc Gen Z, đóng góp 21% vào lực lượng lao động và chiếm 30% người tiêu dùng.

Tuy Gen Z mới ở độ tuổi 20-22, chưa đi làm và chưa có thu nhập nhưng họ là nhóm dẫn dắt xu hướng tiêu dùng tương lai. Họ không có tiền nhưng có có tầm ảnh hưởng đến bậc phụ huynh về tiêu dùng. Gen Z tiếp cận công nghệ từ sớm và có thể tư vấn cho bậc phụ huynh trong việc đến nhà hàng nào ăn, đi chơi chỗ nào và nên mua đồ ở đâu…

Do vậy, lãnh đạo Nielsen Việt Nam cho rằng đầu tư về nhóm khách hàng không bao giờ là quá sớm. Thế hệ này đã chiếm 1/3 và trong vòng 5 năm năm nữa là phần đông người tiêu dùng.

Gen Z sống ở môi trường cởi mở hơn, điều kiện kinh tế tốt hơn nên họ hiểu rõ họ là ai, có thể làm gì, muốn là một phần của giải pháp, tỉnh tảo, thực tế, trưởng thành và kỳ vọng cao hơn. Trong khi nhóm Millennials phải đi tìm “tôi là ai, tại sao tôi ở đây, điều gì giành cho tôi…”.

Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội của thế hệ tiêu dùng tương lai là 46% cao hơn nhiều thế hệ trước nhưng không chỉ trung thành ở 1 ứng dụng và cách sử dụng cũng rất khác. Thế hệ này ngoài dùng mạng xã hội để kết nối bạn bè, gia đình thì còn muốn thể hiện quan điểm cá nhân, khoe các hoạt động. Tuy nhiên, Gen Z cũng “sống thật”, tỷ lệ gặp gỡ bạn bè, đến các hàng quán trà sữa, rạp chiếu phim, tỷ lệ mua hàng ở siêu thị rất cao.

Theo thống kê của Nielsen Việt Nam, tỷ lệ có thần tượng của Gen Z là 41%, cao hơn thế hệ Y (24%), và chịu ảnh hưởng bởi thần tượng. Nói cách khác, nhóm chịu ảnh hưởng của người đại diện thương hiệu. Chính vì vậy, họ chọn sản phẩm vì người đại diện thương hiệu. Ngoài ra, xu hướng check-in hiện nay cũng mở ra hàng loạt điểm chạm mới (cách tiếp cận), những địa điểm đẹp, độc đáo luôn thu hút nhiều bạn trẻ đến check-in và cũng tạo hiệu ứng truyền thông rất tốt.

Như vậy, có rất nhiều cách để tiếp cận Gen Z như mạng xã hội, chơi game trên điện thoại di động, rạp chiếu phim, siêu thị, hàng quán, địa điểm đẹp, người có ảnh hưởng… Tuy nhiên, để nắm bắt không phải là điều đơn giản và họ cũng không trung thành với 1 sản phẩm. “Gen Z chỉ cho 1 cơ hội để nắm bắt, nhưng không nắm bắt họ thì doanh nghiệp đánh mất tương lai”, ông Dũng nói.

Người tiêu dùng Gen Z đòi hỏi sáng tạo, kết nối, đầy đủ thông tin, quan tâm đến môi trường, trách nhiệm xã hội và bình đẳng giới. Đồng thời, Gen Z có nhu cầu cá nhân hóa cao và cái khó là phải tạo ra cái gì riêng biệt cho họ.

Do vậy, theo ông Dũng, doanh nghiệp để tiếp cận và nắm giữ thế hệ tiêu dùng tương lai cần hiểu biết về hành vi, lối sống, cách xử dụng và thái độ hướng đến; tạo sự gắn kết với Gen Z trước, trong và sau khi mua hàng; đón nhận Gen Z tham gia vào dự án kinh doanh từ việc tạo ra ý tưởng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm, thậm chí quảng cáo; cuối cùng là đo lường mức ảnh hưởng từ việc đầu tư lên kỹ thuật số - cách nhóm này cảm nhận và gắn kết với thương hiệu trực tuyến.

Theo Ngọc Điểm

Người đồng hành

Trở lên trên