MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Sở giao thông Hà Nội: Năm 2030 sẽ đủ điều kiện để cấm xe máy

30-06-2017 - 13:35 PM | Xã hội

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết thời điểm 2030 đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.

Vừa qua, thông tin Hà Nội cấm xe máy vào năm 2030 đã nhận được những luồng ý kiến trái chiều của dư luận. Nhiều ý kiến phản đối song cũng không ít người ủng hộ đề án này.

Tại buổi toạ đàm “Hà Nội hạn chế xe cá nhân - Những lo lắng của người dân” do báo Giao thông tổ chức sáng 30/6, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội Vũ Văn Viện đã có những thông tin làm rõ hơn về lộ trình này.

Một câu hỏi đặt ra, sau rất nhiều lần đặt ra mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân nhưng Hà Nội chưa thực hiện được như mong muốn, vì sao gần đây, TP. Hà Nội lại quyết tâm đặt ra mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030.

Làm rõ băn khoăn này, ông Vũ Văn Viện cho biết, trong nhiều năm qua, được sự chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, TP. Hà Nội đã và đang nỗ lực tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông.

“So với các tỉnh, thành khác, có thể nói TP. Hà Nội đầu tư hạ tầng khá tốt về các tuyến đường kết nối, đường vành đai, đường xuyên tâm.

Tuy nhiên, dù được đầu tư lớn, nhưng tình hình ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp và đáng báo động, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, vào các dịp lễ, tết tại các cửa ngõ thủ đô, các tuyến đường vành đai”, ông Viện nói.

Ông Viện nhấn mạnh, tình hình ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã quá tiêu chuẩn cho phép. Môi trường không khí của Hà Nội đang rất ô nhiễm.

Trước tình hình đó, ông Viện cho biết, để giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, mới đây Thủ tướng giao TP. Hà Nội xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông.

Ngay đầu nhiệm kỳ HĐND 2015-2020, TP. Hà Nội đã ban hành chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và giao UBND Thành phố xây dựng và ban hành đề án quản lý phương tiện giao thông.

Hai căn cứ quan trọng để xây dựng đề án là thực tế của TP. Hà Nội và văn bản chỉ đạo của các cấp đặt ra mục tiêu phải xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông cho phù hợp với kết cấu hạ tầng, đảm bảo sự đi lại của người dân một cách bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.

“Trong giai đoạn đầu, khi nghiên cứu kinh nghiệm của các đô thị khi dừng phương tiện xe máy, ở một số nơi như Trung Quốc, Myanmar người ta đưa ra lộ trình chỉ từ 3-6 năm. Ban đầu, Sở Giao thông vận tải cùng Viện chiến lược đưa ra mốc 2025, nhưng khi đưa ra hội thảo lấy ý kiến, các chuyên gia cho rằng, mốc từ 2016-2025, tức là khoảng 8-9 năm thì mốc thời gian ấy chưa đủ”, ông Viện cho biết.

Sau khi xem xét lại tất cả các điều kiện, ông Viện cho hay đã nhận được chủ trương nghiên cứu làm sao đảm bảo cứu mốc thời gian đảm bảo nhu cầu đi lại của dân.

Sau khi cân đối tất cả các điều kiện, Sở Giao thông và Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nhận thấy, thời điểm 2030 chúng ta đã đầu tư tương đối đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, cũng như phát triển hệ thống giao thông công cộng, đủ điều kiện để dừng hoạt động của xe máy.

“Đề án cũng đề cập đến việc mở dần vùng hạn chế phương tiện xe máy để phù hợp với cơ sở hạ tầng và mạng lưới vận tải hành khách công cộng”, ông Viện thông tin.

“Chúng tôi đưa ra mốc này để định hướng các chương trình hành động, cũng là để người dân, doanh nghiệp có điều kiện thay đổi thói quen đi lại, phục vụ mục tiêu là đảm bảo nhu cầu đi lại của dân phù hợp với cơ sở hạ tầng”, ông Viện nhấn mạnh.

Theo N.Mạnh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên