“Giám đốc tài chính cần biến tài chính thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó có thực thi các chiến lược về thuế”
Đó là những giải pháp mà các chuyên gia đến từ CFO Việt Nam và EY Consulting VN đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và chính sách thuế có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế trong nước.
- 09-11-2023Việt Nam nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
- 09-11-2023Chốt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% năm 2024
- 09-11-2023Hà Nội: Sau gần 1 năm thi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6 giờ thế nào?
Tại Hội thảo Tax Symposium 2023 với chủ đề "Nắm bắt xu thế để thay đổi" sáng 11/9, hàng loạt chuyên gia từ Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) và Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting VN) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng xu thế số hoá nền kinh tế, đang tạo ra nhiều dạng mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là những mô hình trong đó công nghệ số. Theo đó, hoạt động mở rộng đầu tư, dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang diễn ra sôi nổi, cùng lúc với việc xuất hiện ngày càng phổ biến các loại hình giao dịch kinh tế mới như thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Trước những diễn biến mới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Bộ trưởng Tài chính các nước đã kêu gọi các quốc gia xây dựng các kế hoạch hành động, các chính sách thuế mới, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia nhằm chống thất thu thuế.
Cụ thể, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang xây dựng các chính sách theo Chương trình chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) 2.0 của OECD như Thuế tối thiểu toàn cầu theo các quy tắc của Trụ cột 2; hay các Quy tắc đối với các hoạt động dịch vụ xuyên biên giới, trong đó có hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số theo Trụ cột 1.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, tỷ trọng kinh tế số trên GDP của Việt Nam năm 2022 ước tính khoảng 14%. Việt Nam đứng thứ 5 trong số 37 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế, thông tin từ Fitch Solutions. Với những đặc điểm như vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế của thế giới và buộc phải xây dựng những chính sách mới, trong đó có các chính sách về thuế, một cách phù hợp và hiệu quả.
Cùng với sự phát triển và tiến bộ của các chính sách thuế quốc tế, các chính sách thuế nội địa cũng cần có sự chuyển mình để thích nghi trong bối cảnh mới. Ngoài việc xem xét đề xuất sửa đổi về chính sách thuế, hải quan, và giao dịch liên kết (GDLK) để xử lý các giao dịch qua biên giới, các luật thuế nội địa như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân đều đang có những đề xuất sửa đổi và trình Quốc hội có ý kiến và thông qua trong các kỳ họp thứ 8 và thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Những thay đổi trong chính sách thuế này nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với bối cảnh hiện nay và giúp ngành thuế Việt Nam tiệm cận hơn với các quy định thuế quốc tế. Ví dụ, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến sẽ bổ sung nội dung về Thuế tối thiểu toàn cầu hiện đang được đề xuất dưới hình thức Nghị quyết thí điểm. Một ví dụ khác, các chính sách về thuế giá trị gia tăng, hóa đơn chứng từ cũng cần có những thay đổi khi khả năng đáp ứng của doanh nghiệp và năng lực quản lý của các cơ quan thuế đều tăng lên đối với các giao dịch điện tử. Hay những đề xuất về chính sách hải quan, xóa bỏ giao dịch xuất nhập khẩu tại chỗ và quy về các giao dịch xuất nhập khẩu thông thường đúng với bản chất, nhằm đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và tránh những rủi ro lợi dụng chính sách và thất thu thuế.
Đại diện EY cho biết, ở bối cảnh đó, các doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi các chính sách mới ban hành nhìn chung sẽ phát sinh các yêu cầu mới về tuân thủ và có thể phát sinh thêm chi phí thuế; trong khi một doanh nghiệp đi vào hoạt động, chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định như về môi trường, đầu tư, xây dựng, lao động,... Lấy ví dụ như Thuế tối thiểu toàn cầu theo Trụ cột 2. Đây là quy định được thiết kế rất phức tạp để phù hợp với mức độ phức tạp của các hoạt động đầu tư, kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Nhằm đảm bảo tuân thủ, doanh nghiệp phải hiểu được các quy tắc này và phải có sự phối hợp chặt chẽ với công ty mẹ để cung cấp đầy đủ các thông tin cho mục đích tính toán thuế suất hiệu quả và xác định nghĩa vụ thuế bổ sung.
Bàn về giải pháp, tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bách, Chủ tịch CFO Việt Nam nhấn mạnh: "Những diễn biến của nền kinh tế toàn cầu nói chung, chính sách thuế nói riêng đang có những tác động nhiều mặt tới nền kinh tế trong nước, đòi hỏi các nhà chính sách và doanh nghiệp phải “khẩn trương” và “tăng tốc” mới theo kịp những thay đổi này.
Các giám đốc tài chính cũng không thể đứng ngoài cuộc mà cần có một tâm thế sẵn sàng bằng việc chuẩn bị về kiến thức mới nhất, cập nhật thực tiễn tốt nhất trên thế giới, để kịp thời đưa ra những giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp. Các giám đốc tài chính cần phải biến tài chính trở thành một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp."
Đồng quan điểm, Bà Hương Vũ, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho hay: “Giám đốc tài chính đóng có vai trò rất quan trọng trong việc xác lập và thực thi các chiến lược về thuế để đảm bảo các giao dịch và các kế hoạch kinh doanh được thực hiện với hiệu quả tối ưu về thuế. Họ cần chủ động trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức mới và cập nhật thường xuyên về những thay đổi trong chính sách thuế và hải quan quốc tế và trong nước để có những xem xét kỹ lưỡng trước khi xác lập và thực thi các mô hình giao dịch.”
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023, được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 5/10/2023, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát để trình Quốc hội việc kéo dài thời gian giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) thêm 6 tháng, tức đến giữa năm 2024 nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Sau đó, Bộ Tài chính cho biết đang lấy ý kiến góp ý về việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trong 6 tháng đầu năm 2024.
Nhịp sống thị trường