MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo: "Tài nguyên dữ liệu quý hơn tài nguyên thiên nhiên"

"Phát triển tài nguyên dữ liệu có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước" là đánh giá của ông Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trong hội thảo công bố sách “Internet vạn vật - Từ truyền thông đến hiện thực”.

Ông Thắng nhận định, giờ đây, dữ liệu là tài nguyên quan trọng hơn đất đai, tài sản. Như trong quý III năm vừa rồi, những tập đoàn công nghệ như Amazon, Google, Facebook là những công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới, hay ở châu Á là Alibaba, Tencent với mức vốn hóa hàng trăm tỷ USD, đều hoạt động trong lĩnh vực công nghệ. Lý do đằng sau là nguồn tài nguyên dữ liệu, và các nhà đầu tư thường xem tập đoàn nào nắm giữ nhiều tài nguyên dữ liệu hơn thì sẽ phát triển hơn.

IOT (Internet of things) là cụm từ để chỉ sự số hóa mọi vật, mọi vật có thể kết nối được với nhau dựa trên một nền tảng số hóa, không chỉ giữa người với người, mà còn giữa vật và người, vật với vật. Ông Thắng cho rằng: Phát triển IOT không chỉ giúp một đất nước xây dựng các thành phố, giao thông thông minh, mà nó còn ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế như hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Chuyên gia này cho rằng: Những báo cáo tài chính thường công bố chậm và được làm "đẹp" hơn bản chất của doanh nghiệp, IOT có thể thu thập dữ liệu về doanh nghiệp gọi là "dấu vết số" (Digital forensis), giúp ngân hàng nhanh chóng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp và đánh giá khả năng trả nợ một cách khách quan nhất.

Ông Thắng nhận định: "Tập đoàn nào, quốc gia nào nắm được tài nguyên này sẽ bứt phá được. Việt Nam cần bảo vệ tài nguyên số của quốc gia, chính phủ cần hỗ trợ doanh nhiệp trong việc tìm cách bảo vệ được nguồn tài nguyên này. Việt Nam là thị trường lớn với gần 94 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang bùng nổ nên tài nguyên dữ liệu là vô cùng lớn và tiềm năng".

Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo cũng đưa ra lời khuyên cho việc phát triển ứng dụng IOT phù hợp với Việt Nam: Trong chiến lược thử nghiệm IOT mới, nên áp dụng thử nghệm các thành phố nhỏ, vì nếu thất bại sẽ gây ra hậu quả lớn. 

Chính phủ cần giải quyết 2 bài toán, đó là sự tương xứng giữa công nghệ và kỹ năng; sự tương xứng giữa công nghệ và thể chế. Nếu công nghệ đi nhanh hơn sự thay đổi về thể chế thì sẽ gây ra thất bại, điển hình như sự việc xác định Uber là doanh nghiệp vận tải hay công nghệ. Nếu công nghệ đi nhanh hơn kỹ năng thì sẽ gây ra thất nghiệp, hay kỹ năng đi trước công nghệ thì mua công nghệ sẽ lãng phí. 

Thêm vào đó, ông Thắng cho rằng Nhà nước cần tạo ra khuôn khổ, hành lang pháp lý phù hợp, xây dựng hệ sinh thái, kết nối được 3 thành phần xã hội: Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan nghiên cứu. Trong hệ sinh thái này, các thành phần hợp tác cộng sinh, tất cả cùng có lợi, cùng nhau phát triển.

Phạm Tâm Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên