MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc VCBF: Nhà đầu tư không nên trading nhiều, chỉ cần mua cổ phiếu tốt và chờ đợi

Giám đốc VCBF: Nhà đầu tư không nên trading nhiều, chỉ cần mua cổ phiếu tốt và chờ đợi

Theo ông Nguyễn Duy Anh, nếu chứng khoán được Việt Nam được nâng hạng theo MSCI, dòng tiền vào có thể lên đến 4-5 tỷ USD, sẽ là một luồng gió rất mạnh đối với thị trường Việt Nam.

Trong công bố mới nhất, FTSE Russell đã ghi nhận sự hỗ trợ liên tục của chính phủ Việt Nam cho các cải cách thị trường chứng khoán, đồng thời cho rằng việc duy trì tốc độ thay đổi là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn được nâng hạng vào năm 2025.

Như vậy, nếu Việt Nam duy trì được tốc độ thay đổi như hiện nay và thực tế cơ quan quản lý cùng các thành viên trên thị trường đang nỗ lực cải thiện đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thì khả năng việc Việt Nam được nâng hạng vào năm 2025 là rất lớn.

Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

BTV Mùi Khánh Ly: FTSE vẫn giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng nhưng đánh giá rằng, việc duy trì tốc độ thay đổi là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn được nậng hạng vào năm 202 5, ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

Việc chưa được nâng hạng cũng không phải vấn đề bất ngờ. Vấn đề lớn nhất trong việc đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của FTSE là liên quan đến non pre-funding, nghĩa là các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài được giao dịch chứng khoán mà không cần phải có tiền mặt trước. Thông tư 68 quy định vấn đề này vừa ra nhưng đến ngày mùng 2/11 mới bắt đầu áp dụng.

Như vậy, trong quá trình đánh giá lại lần tới, FTSE họ sẽ làm một việc quan trọng trong quy trình xét duyệt là khảo sát ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc sử dụng các dịch vụ này. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm dịch vụ non pre-funding đánh giá là tích cực, cùng những tiêu chí khác được hoàn thiện thì việc nâng hạng sẽ được được thông qua.

Chúng tôi kỳ vọng nhiều là đến năm 2025, thị trường chứng khoán của chúng ta sẽ được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE Russell.

 Vậy nếu Việt Nam duy trì tốc độ thay đổi như hiện có, khả năng nâng hạng trong 2025 đang hiện hữu. Thông thường đối với các thị trường mà được FTSE công bố như vậy sẽ có diễn biến như thế nào?

Trên thế giới, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hàng ngày vẫn đang tìm kiếm các cơ hội ở vòng quanh thế giới và cũng có nhiều nhà đầu tư cũng muốn đón đầu cơ hội nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Dự kiến sẽ có những quỹ gọi là quỹ đầu tư passive hay là quỹ đầu tư thụ động của nước ngoài, khi họ đầu tư theo các chỉ số, mà chúng ta lại được thêm vào danh sách chỉ số đấy thì chắc chắn họ sẽ phải mua theo. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đi trước việc việc nâng hạng và sẽ đến Việt Nam trước để đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam trước.

Chúng tôi kỳ vọng cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta có thể thấy được các dòng tiền đó và làm sôi động thêm cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu chúng ta được thêm vào FTSE, bên chúng tôi đánh giá, dòng tiền vào sẽ tầm 500 - 600 triệu USD đầu tư vào Việt Nam theo dạng đầu tư chỉ số gọi là thụ động, chưa tính đến các quỹ đầu tư chủ động và nó đủ mang thêm luồng gió mới đến với thị trường.

Còn nhìn xa hơn, chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn vào việc được nâng hạng dưới tiêu chuẩn của MSCI. Nếu MSCI họ nhìn thấy FTSE đã nâng hạng cho Việt Nam rồi và những khách hàng của FTSE họ hài long thì MSCI có thể sẽ đẩy nhanh quá trình nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu thị trường chứng khoán được Việt Nam được nâng hạng theo MSCI, dòng tiền vào có thể lên đến 4-5 tỷ USD, sẽ là một luồng gió rất mạnh đối với thị trường Việt Nam.

Với bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam hiện nay thì liệu có tạo thêm đà tích cực cho thị trường trong bối cảnh chuẩn bị được nâng hạng không?

Giai đoạn hiện tại nếu nhìn các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, chúng ta thấy tương đối tốt. Nếu so sánh với các nước trong khu vực có thể thấy Việt Nam gần như là một ngôi sao sáng, tăng trưởng cao và ít nước có thể đạt được tăng trưởng GDP cao như vậy.

Bên cạnh đấy, những rủi ro về lạm phát mà các các nước như Mỹ hay châu Âu đang phải đối mặt, các chỉ số liên quan đến CPI của chúng ta đều tương đối tốt. Vì vậy, Việt Nam vẫn là một địa điểm được nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, có một yếu tố trong năm nay hơi bất lợi đối với Việt Nam, đó là chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất giảm để kích thích nền kinh tế, song ở Mỹ, FED lại giữ lãi suất tương đối cao, nên có sự rút ròng của dòng vốn ngoại. Nhưng hiện tại, FED đã bắt đầu quá trình giảm lãi suất nên chúng tôi kỳ vọng đến năm sau áp lực lên dòng vốn ngoại sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đấy, khi chúng ta được nâng hạng, sẽ có dòng tiền các quỹ thụ động vào, sau đó các quỹ đầu tư chủ động họ cũng sẽ vào tìm kiếm các cơ hội trên thị trường Việt Nam, khi đấy cổ phiếu Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm định giá mới tương đương với khu vực.

Theo ông, nhà đầu tư và các thành viên thị trường nên chuẩn bị những gì đón cơ hội nâng hạng của Việt Nam?

Trên cương vị là một nhà đầu tư tổ chức chuẩn bị cho việc thị trường chứng khoán được nâng hạng thì có thể nói chúng tôi không phải chuẩn bị nhiều, bởi vì cuối cùng vẫn là phải luôn luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tốt, mua và nắm giữ cơ hội, một nguyên tắc mà chúng tôi vẫn thực hiện bấy lâu nay.

Và đó cũng là lời chia sẻ đến các nhà đầu tư cá nhân, không cần phải giao dịch quá nhiều, mua được một cổ phiếu tốt rồi nắm giữ và chờ cổ phiếu tăng trưởng. Đúng đây là giai đoạn “vàng” để đầu tư, chờ dòng vốn mới vào, khi đó định giá của cổ phiếu sẽ ở một mức khác.

Vậy những nhóm ngành nào sẽ tiềm năng để đầu tư đón sóng nâng hạng theo ông?

Về bản chất, ngoài các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, đáp ứng tiêu chí vào rổ chỉ số của FTSE hay MSCI, các ngành liên quan đến tiêu dùng, bán lẻ hoàn toàn có thể được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng.

Bên cạnh đấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam rất lớn do vậy các bất động sản khu công nghiệp, hoặc các ngành nghề liên quan như công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ là các cơ hội đầu tư trên thị trường.

Nhiều nhà đầu tư từ tổ chức đến cá nhân sẽ tìm đến và không chỉ những công ty vốn hóa lớn, mà những công ty vốn hóa nhỏ nhưng có tiềm năng tăng trưởng sẽ vẫn được quan tâm.

Ngọc Ly

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên