MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc VCBS: Kỷ lục vốn ngoại sẽ khơi thông dòng tiền vào chứng khoán Việt

Quý 1/2019 khối ngoại mua ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE và Việt Nam cũng đón nhận 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký - mức cao nhất 3 năm trở lại đây...

Ðề án Cơ cấu lại Thị trường chứng khoán 2020 - 2025 mới đây đã đưa ra mục tiêu tới 2020 quy mô của thị trường chứng khoán đạt 100%GDP và 120% GDP vào năm 2025. Mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào năm 2025.

Bàn luận sâu hơn về những mục tiêu cũng như diễn biến thị trường chứng khoán những tháng cuối năm 2019, VnEconomy có cuộc trò truyện với ông Lê Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS).

Việt Nam vừa trải qua năm 2018 thành công khi nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Trên nền tảng vững chắc đó, ông đánh giá như thế nào về kinh tế vĩ mô năm 2019?

Năm 2018 tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08% mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội được đặt ra cho năm 2019 cũng cho thấy những kỳ vọng tốt hơn cũng như sự tự tin các cơ quan quản lý, điều hành: GDP tăng từ 6,6 đến 6,8%, CPI khoảng 4%... Nỗ lực cải cách của các cơ quan quản lý đang ngày càng thể hiện hoàn thiện, sát sao hơn, trở thành yếu tố then chốt trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong quý 1/2019, GDP ước tăng 6,79% so với cùng kỳ. Với kết quả này, tôi kỳ vọng năm 2019 sẽ là một năm thành công nữa của nền kinh tế Việt Nam trên cả phương diện tăng trưởng và sự ổn định.

Ông vừa nói kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng năm 2019, vậy chứng khoán những tháng còn lại năm 2019 sẽ được hưởng lợi ra sao?

Năm 2019 tôi kỳ vọng quy mô thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Với những tập đoàn lớn trong nước đang và sẽ tiếp tục thoái vốn như VEAM, Lilama, Viglacera…, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nguồn tiền lớn sẽ quay lại thị trường trong năm 2019. Việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các FTA khác sẽ thúc đẩy xuất khẩu da giày, thủy sản, dệt may,…

Dù thế giới luôn bất định, khó lường nhưng tôi vẫn nhìn thấy những điểm sáng đối với thị trường Việt Nam xét trên nhiều khía cạnh như số lượng, chất lượng sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư.

Với việc quyết tâm đẩy mạnh nâng cao tính minh bạch thông tin, và giới hạn sở hữu nước ngoài có thể Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng thị trường mới nổi trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang cho thấy một tiềm năng và sức hút hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều năm qua, dòng vốn nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam, và triển vọng Việt Nam có thể được nâng hạng thị trường, ông dự báo thế nào về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2019?

Quý 1/2019, thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ, khối ngoại mua ròng tới 5.200 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt đối với thị trường thể hiện sực lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Số liệu mới nhất được Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, FDI quý 1 đạt kỷ lục cao nhất trong hơn 3 năm trở lại đây khi vốn đăng ký vượt 10 tỷ USD (quý 1/2016 đạt 4,03 tỷ USD, quý 1/2017 đạt 7,71 tỷ USD và quý 1/2018 đạt 5,8 tỷ USD).

Về dài hạn, Chính phủ định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh đang là điểm cộng đáng kể cho Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với thị trường chứng khoán, mục tiêu then chốt là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với trọng tâm là thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp trong huy động vốn, nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.

Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tiếp tục là điểm đến đầu tư được lựa chọn.

Năm 2018, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành thị trường IPO lớn nhất khu vực Đông Nam Á. VCBS - đơn vị đứng sau loạt các thương vụ M&A, IPO và thoái vốn của nhà nước, ông có thể chia sẻ bí quyết chốt được các hợp đồng nổi bật này không?

Đầu năm 2018 VCBS đã phối hợp cùng Vietcombank đóng góp vào việc Bộ Công Thương thực hiện thành công thương vụ thoái vốn tại Sabeco với giá trị 5 tỷ USD. Đây là thương vụ thoái vốn giữ kỷ lục về số tiền thu được từ trước đến nay của Chính phủ và có tầm vóc trong khu vực.

Ngoài ra còn thương vụ bán vốn nhà nước tại Vinaconex với tổng giá trị 7.366 tỷ đồng; Tư vấn nhà đầu tư nước ngoài thực hiện M&A ở Vinatex (10%), Thép Việt Ý (45%), Tập đoàn PAN (8,97%)… và tư vấn và bảo lãnh phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp...

Ngay từ khi thành lập, VCBS đã định hướng sẽ trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu trên thị trường Việt Nam. Là đơn vị thành viên 100% của Vietcombank, VCBS được kế thừa danh tiếng, bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, hệ thống công nghệ hiện đại và mạng lưới khách hàng cũng như đối tác từ ngân hàng mẹ.

Để trở thành một ngân hàng đầu tư phát triển độc lập và mạnh mẽ, VCBS đã định hướng bồi đắp nhân sự có năng lực, nhiệt huyết, củng cố hệ thống công nghệ thông tin, công tác quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, là cầu nối với cơ quan quản lý…

Với sự chuyên nghiệp, bệ đỡ tài chính mạnh, VCBS là đối tác uy tín của các tổ chức tài chính danh tiếng thế giới: Mizuho Bank, CitiBank, Deutsche Bank, Standard Chartered Bank, ANZ Bank, ABN AMRO Bank, BNP Paribas Bank, Calyon Bank, Shinhan Bank,...

Thời gian tới, thị phần bán lẻ được dự báo sẽ ngày càng mở rộng và cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh đó, VCBS đã có kế hoạch hành động gì để tận dụng cơ hội mở rộng thị phần chưa?

Dưới áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán về cả mức độ đa dạng sản phẩm lẫn chất lượng dịch vụ, nhóm các công ty chứng khoán có quy mô lớn đang cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ so với phần còn lại của thị trường về hiệu quả kinh doanh và thị phần.

Nhiều công ty chứng khoán đang triển khai kế hoạch mở rộng nguồn vốn thông qua hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, gia tăng số lượng và chất lượng nhân sự, ... với mục tiêu chiếm lĩnh các mảng thị phần mới cũng như duy trì và mở rộng thị phần hiện tại.

Trước sự cạnh tranh khốc liệt đó, VCBS đã xây dựng chiến lược phối hợp cùng Ngân hàng mẹ - Vietcombank hướng tới cung cấp dịch vụ trọn gói dành cho nhà đầu tư. Cụ thể, ngân hàng đầu tư sẽ là hoạt động cốt lõi để phát triển các dịch vụ khác của công ty như: Mở rộng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ cho khách hàng tổ chức, định chế, và hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng dịch vụ và triển khai các gói sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng bán lẻ; Tập trung nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, từ đó cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm giao dịch tiện ích hiện đại, an toàn và bảo mật. Cùng với đó, chất lượng nhân sự vẫn luôn luôn là một điểm cộng của VCBS từ trước tới nay.

Theo Anh Minh

VnEconomy

Trở lên trên