MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’

13-08-2024 - 08:45 AM | Kinh tế số

Với một công ty chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam, sự thay đổi có diễn ra như trong phim hay không? Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI đã bật mí những điều ít biết về hành trình 10 năm phát triển các sản phẩm AI của Viettel.


Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 1.

10 năm trước, Trung tâm Không gian mạng Viettel được thành lập và cuối năm 2023 chính thức đổi tên thành Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI). 

Quá trình đổi tên gắn liền với việc nhiệm vụ phát triển AI của trung tâm như thế nào?

Thực ra, ngay từ khi thành lập Trung tâm Không gian mạng Viettel chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu một phân ngành của AI rồi, đó là Data Intelligence. Bài toán đầu tiên chúng tôi xử lý thành công là chống tin nhắn rác vào năm 2016. Khi ấy, tin nhắn rác là một vấn nạn của xã hội và Viettel AI đã ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) để tìm ra hành vi phán tán tin nhắn rác của các spammer và thực hiện chặn lọc một cách hiệu quả. Với những kết quả đạt được, sản phẩm Viettel Antispam đã vinh dự được nhận giải vàng IT World Awards.

Bên cạnh đó, là nhà mạng viễn thông, Viettel quản lý cả trăm nghìn trạm BTS tại 11 quốc gia. Để quản lý trải nghiệm khách hàng, chúng tôi đã phát triển hệ thống giám sát chất lượng dịch vụ thoại và dịch vụ mobile internet theo thời gian thực. Khi triển khai công nghệ mới, vùng phủ sóng có thể xuất hiện một số điểm lõm làm người dùng bị rớt cuộc gọi hoặc xem Youtube bị giật...

Chúng tôi cũng phải tìm ra giải pháp giám sát chất lượng dịch vụ khi khách hàng sử dụng, từ đấy phát hiện các điểm lõm để tối ưu mạng lưới.  Trong lĩnh vực viễn thông, những việc kiểu như vậy không thể làm thủ công, bắt buộc phải phát triển các thuật toán phân tích dữ liệu lớn. Hay nói cách khác, bản chất các công việc từ ban đầu của Trung tâm không gian mạng Viettel đã là nghiên cứu AI rồi.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 2.

Đến năm 2019, chúng tôi được giao nhiệm vụ đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho Tập đoàn, chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Cùng với sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel, năm 2023 chúng tôi chính thức đổi tên thành Viettel AI – định vị là đơn vị chủ lực của Tập đoàn Viettel trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, với tầm nhìn năm 2030 trở thành công ty AI hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Xuất thân từ một nhà mạng đem đến cho Viettel AI những thuận lợi gì khi phát triển sản phẩm?

Với đặc thù là một nhà mạng quản lý hơn 50 triệu thuê bao tại Việt Nam và hơn 100 triệu thuê bao trên 11 quốc gia, Viettel bắt buộc phải tìm kiếm các giải pháp quản lý tự động, thông minh và việc nghiên cứu AI là một hướng đi đương nhiên phải làm. Các giải pháp AI sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và tăng hiệu quả vận hành mạng lưới cho Viettel.

Bên cạnh việc quản lý chất lượng mạng lưới, chúng tôi phát triển các chatbot và callbot cho tổng đài viễn thông. Ví dụ như: gói cước của khách hàng ngày mai hết hạn, hệ thống hôm nay sẽ tự động gọi điện nhắc khách hàng nạp tiền, tránh gián đoạn dịch vụ; hay là hệ thống sẽ phân tích nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng để đề xuất gói cước phù hợp hơn.

Tại Viettel, chúng tôi có những bài toán thực tế, cùng với dữ liệu lớn và siêu máy tính, đây là điều mà không có nhiều công ty có được.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 3.

Vậy Viettel AI phát triển ra bên ngoài lĩnh vực viễn thông ra sao?

Thời gian đầu, chúng tôi tập trung vào các bài toán khai phá tri thức từ dữ liệu (Data Intelligence). Lúc đấy chủ yếu nghiên cứu về phân tích dữ liệu lớn để chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, quản lý trải nghiệm dịch vụ của khách hàng trong lĩnh vực viễn thông.

Ở giai đoạn thứ hai, chúng tôi mở rộng lĩnh vực nghiên cứu gồm: xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý hình ảnh, để ứng dụng triển khai các chatbot hay camera thông minh, dịch vụ xác thực và định danh khách hàng điện tử (eKYC)… và cung cấp các giải pháp AI đa dạng cho các bộ nghành, các địa phương và các công ty.

Đến nay, đâu là sản phẩm của Viettel AI được áp dụng rộng rãi cho bên ngoài mà ông cảm thấy có tác động lớn nhất?

Bên cạnh Nền tảng phân tích dữ liệu đã được ứng dụng diện rộng trong nâng cao trải nghiệm khách hàng viễn thông, điều hành thực thi cho các Bộ nghành và chính quyền địa phương. Sản phẩm nổi bật hiện tại của Viettel AI là Trợ lý ảo.

Trong đó, Trợ lý ảo pháp luật đang được sử dụng phổ biến bởi các thẩm phán là ví dụ điển hình. Sau 2 năm triển khai, sản phẩm này đã trở thành một trợ thủ đắc lực cho các thẩm phán. Công cụ này có thể giúp các thẩm phán tra cứu các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời có thể tham khảo các án lệ và hơn 1 triệu bản án đã được công bố, qua đó thẩm phán có đủ thông tin để phân tích các tình huống pháp lý để đưa ra quyết định đúng đắn.

Bên cạnh đó, Trợ lý ảo còn giúp các thẩm phán mã hóa thông tin bản án, công việc vốn mất nhiều giờ trước đây thì bây giờ chỉ mất vài giây. Tới đây, chúng tôi sẽ phát triển phiên bản Trợ lý ảo pháp luật cho người dân, giúp người dân có thể tra cứu, hỏi đáp về các tình huống pháp lý một cách nhanh chóng. Thông qua việc tư vấn pháp luật của Trợ lý ảo, trình độ hiểu biết về pháp luật của người dân sẽ càng ngày được tăng lên.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 4.

Dịch vụ xác thực và định danh điện tử (Viettel eKYC) cũng là một sản phẩm AI nổi bật khác mà chúng tôi đã triển khai tới hàng chục triệu người dùng trên khắp Việt Nam, bao gồm các thuê bao di động của Viettel, các khách hàng dùng Viettel Money hay dịch vụ tài chính ngân hàng... Dịch vụ eKYC của Viettel kết hợp khả năng xác thực dữ liệu đa nguồn và công nghệ AI đạt tiêu chuẩn ISO 30107-3:2023 cấp độ 2 giúp chống giả mạo khuôn mặt 2D, 3D, mặt nạ silicon, deep fake.

Viettel eKYC thực hiện xác thực chéo qua sim di động với mã OTP, thêm một lần qua thẻ căn cước công dân gắn chip kết nối với Bộ Công an, và qua xác thực giọng nói, vân tay, khuôn mặt với công nghệ đều được chúng tôi làm chủ. Nhờ check chéo đa nhân tố như vậy, khả năng giả mạo để lừa đảo qua Viettel eKYC của chúng tôi cực kỳ khó.

Vậy còn sản phẩm quan trọng mà Viettel AI đang phát triển là gì?

Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu thêm nhiều lĩnh vực mới như: Robotics (người máy), Digital Twin (Bản sao số). Nền tảng bản sao số giúp đồng bộ giữa thế giới thực và thế giới số – nền tảng này thu thập thông tin từ thế giới thực, thực hiện phân tích, mô phỏng rồi sau đó tác động lại thế giới thực, qua đó giúp chúng ta quy hoạch, tối ưu vận hành. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển bản sao số cho mạng viễn thông của Viettel trước và còn rất nhiều việc phải làm.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 5.

Bước ngoặt trong phát triển các sản phẩm AI của Viettel trong thời gian gần đây là gì?

Đó là sự xuất hiện của Gen AI (AI tạo sinh) kể từ cuối năm 2022. Nhờ có các hệ thống siêu máy tính mà việc huấn luyện các mô hình AI nhanh hơn trước rất nhiều. Trước đây, việc huấn luyện một mô hình AI phải mất từ 3-6 tháng và một năm chỉ tối ưu được khoảng 2-4 lần, nên công nghệ phát triển rất chậm.

Giờ đây, với Gen AI và siêu máy tính, thời gian huấn luyện giảm còn 3 ngày và một năm có thể tối ưu tới hơn 100 lần. Cũng nhờ đó, Viettel có thể nghiên cứu nhiều mô hình đồng thời và chọn kết quả tốt nhất. Đây là yếu tố thúc đẩy kỹ sư hào hứng nghiên cứu hơn rất nhiều. Đồng thời, trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng thu hút được nhiều người giỏi và có khát vọng tham gia nhiều dự án lớn cấp quốc gia.

Vậy còn những khó khăn khi nghiên cứu thời Gen AI?

Nghiên cứu về AI cần 3 trụ chính: thuật toán (con người), siêu máy tính, và dữ liệu lớn. Ở Viettel, siêu máy tính đã được chúng tôi đầu tư từ sớm, với rất nhiều bài toán cùng lượng dữ liệu khổng lồ rất ít công ty có được, hai điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho các kỹ sư nghiên cứu các mô hình AI đáp ứng nhiều bài toán thực tiễn.

Ở Viettel, điểm đặc biệt khiến cho các mô hình AI tiến hoá rất nhanh là khách hàng sẵn có. Bất cứ một sản phẩm nào khi được triển khai trên những tập khách hàng lên với vài chục triệu người thì sẽ có cơ hội phát triển rất nhanh. Ví dụ như callbot, khi chúng tôi có sản phẩm là có thể ứng dụng trên một tập khách hàng khoảng hơn 50 triệu người dùng viễn thông. Những bài toán thực tế lớn như vậy sẽ làm cho đội phát triển sản phẩm hứng khởi hơn rất nhiều.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 6.

Triết lý của chúng tôi là đưa sản phẩm vào cuộc sống càng sớm càng tốt, điều này sẽ giúp phát triển nhanh hơn. Bởi sản phẩm AI nào khi mới đưa vào thực tế rồi cũng phát sinh vấn đề, và chính phản hồi kèm sức ép liên tục từ khách hàng sẽ khiến mình phải thay đổi nhanh hơn, tối ưu nhanh hơn, tìm ra nhiều giải pháp mới và sáng tạo hơn.

Tuy nhiên, vấn đề là công nghệ Gen AI phát triển quá nhanh. Ngày xưa, một cái framework của ngành phần mềm ra đời và tồn tại khoảng 3-5 năm. Trong khi đó, mô hình Gen AI bây giờ cứ vài tuần lại có một bên công bố mô hình AI mới: nay Facebook, mai Google, rồi lại đến OpenAI hoặc một startup nào đó… Và bên nào có mô hình AI tốt nhất sẽ là người chiến thắng và chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.

Chỉ cách đây hơn 2 năm, việc gán nhãn dữ liệu mất rất nhiều thời gian, còn bây giờ thì chỉ cần mua thật nhiều siêu máy tính là có thể làm nhanh. Tuy nhiên, hiện này Việt Nam chúng ta đang bị Mỹ hạn chế nhập khẩu các siêu máy tính này, muốn mua thì phải xin giấy phép từ 3-6 tháng, điều này gây ra khó khăn cho việc phát triển hệ sinh thái AI trong nước.

Trong khi đó, các Big tech như Facebook, Google, Microsoft… đã có nhiều nhân sự giỏi, dữ liệu siêu khổng lồ, lại còn đầu tư siêu máy tính với hàng trăm nghìn card GPU, giúp cho mô hình AI của họ có quy mô tham số ngày càng lớn, có khả năng ghi nhớ được khối lượng dữ liệu khổng lồ, xử lý được các tác vụ ngày càng phức tạp, suy luận cũng có những bước tiến nhảy vọt.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 7.

Vậy Viettel AI sẽ tìm hướng phát triển ra sao khi không thể cạnh tranh với các Big Tech?

Thực tế, chúng tôi không cạnh tranh mà đang hợp tác với họ. Với các bài toán đặc thù, kiểu như sản phẩm AI trong ngành viễn thông hoặc pháp luật ở Việt Nam thì các Big Tech cũng không làm. Viettel sử dụng các công nghệ nghiên cứu cơ bản của họ để phát triển các mô hình AI cho những bài toán cụ thể như vậy.

Ví dụ làm Trợ lý ảo Pháp luật Việt Nam đòi hỏi phải có nhiều kiến thức pháp luật Việt Nam, phải hiểu các nghị định, thông tư, các văn bản quy phạm, các quy trình thực thi của công chức chẳng hạn. Các Big Tech sẽ không đi triển khai các use case cụ thể, mà Viettel sẽ thực hiện nhiệm vụ đó.

Trong một số ngách nhất định thì vẫn cần những cái riêng, và dữ liệu riêng thì phải có mô hình riêng. Người dùng cần sản phẩm giúp họ xử lý công việc thông minh và đáng tin cậy chứ cũng không cần quan tâm nền tảng công nghệ đằng sau đó là gì. Đó cũng là cách mà Viettel AI tiếp cận.

Hiện tại, AI đang làm thay đổi Viettel như thế nào?

Thực tế, các ứng dụng AI đã len lỏi vào rất nhiều hoạt động điều hành kinh doanh, quản trị ở Viettel từ nhiều năm nay. AI giúp cho chúng tôi vận hành hiệu quả hơn, thấu hiểu khách hàng hơn, mở ra nhiều dịch vụ mới. Ví dụ dễ thấy nhất là hệ thống vận hành viễn thông của Viettel không thể hiệu quả và tốt như hiện tại nếu không có sự hỗ trợ của AI.

Giám đốc Viettel AI: ‘Chúng tôi muốn tạo ra chuyển đổi thông minh cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam!’- Ảnh 8.

Còn nhìn về tương lai, AI sẽ tạo ra một Viettel rất khác. Ví dụ như một nhân viên Viettel muốn xin nghỉ phép thì dù đã chuyển đổi số rồi thì cũng phải vào hệ thống, mở các ứng dụng và bấm mấy lần mới thực hiện được. Còn với trợ lý ảo, người Viettel chỉ cần nói yêu cầu, AI sẽ tự động làm các thủ tục cần thiết và chỉ cần người xin phép xác thực khuôn mặt là xong.

Vận hành mạng lưới viễn thông cũng sẽ có tương lai tương tự, khi người điều hành chỉ cần nói mục tiêu mình cần bằng ngôn ngữ tự nhiên với trợ lý ảo, chứ không cần gõ các lệnh phức tạp và qua nhiều bước. AI sẽ hiểu và tự động triển khai giúp người dùng.

Thậm chí, ngay cả với việc lập trình, AI sẽ hỗ trợ các lập trình viên làm việc hiệu quả hơn rất nhiều thông qua ngôn ngữ tự nhiên. Ví dụ kỹ sư có thể ra lệnh cho AI làm một cái giao diện cho app, chứ không cần phải ngồi lập trình mất nhiều thời gian như trước. Tất nhiên, việc này sẽ còn mất thời gian để huấn luyện mô hình đảm bảo các tiêu chuẩn về lập trình, an toàn thông tin của Viettel.

Cùng với AI, chúng tôi đang chuyển dịch dần từ chuyển đổi số (Digital Transformation) sang chuyển đổi thông minh (Intelligent Transformation) với trọng tâm phát triển các AI Assistant (Trợ lý AI), AI Studio (AI hỗ trợ sáng tạo nội dung số), AI Code Assistant (AI hỗ trợ lập trình). Trong thời đại AI, mỗi người phải biết dùng AI giống như biết dùng word, excel vậy. Sau đó, với kinh nghiệm và mô hình đã được kiểm chứng thành công, Viettel AI tiếp tục ứng dụng cho các bài toán của doanh nghiệp, tổ chức khác.

Viettel AI muốn giúp cho công việc và cuộc sống của người Việt Nam đơn giản và thuận tiện hơn. Còn tầm nhìn của Viettel AI là trở thành công ty số một Việt Nam về trí tuệ nhân tạo, sau đó trở thành công ty AI hàng đầu trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Theo Nguyễn Nam

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên