MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc World Bank: Mặt trời đang toả nắng ở Việt Nam nhưng bạn nên sửa nhà khi trời đẹp!

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam đã nhắc lại nhận định cách đây ít lâu và bổ sung một số lưu ý cho nền kinh tế 96 triệu dân tại buổi công bố Báo cáo Phát triển Việt Nam 2019 được tổ chức gần đây.

Đại diện World Bank cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng ước tính là 7% trong năm 2019, nhanh hơn gấp ba lần so với mức trung bình toàn cầu.

Theo ông, thành tựu ấn tượng này có được là nhờ hai yếu tố chính: tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhu cầu nội địa từ các hộ gia đình và doanh nghiệp, cho thấy tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Ông Ousmane Dione cũng nhắc lại nhận định đưa ra trong báo cáo Điểm lại được phát hành vào tháng 12/2019:  "Mây đen phủ lên nền kinh tế toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý: "Nhưng người ta cũng thường nói rằng: Bạn nên sửa nhà khi trời tốt."

Để kết nối Việt Nam vì phát triển và thịnh vượng chung cũng như để đảm bảo rằng mặt trời vẫn tiếp tục tỏa sáng ở Việt Nam cho dù mây đen bao phủ kinh tế toàn cầu, ông Ousmane cho rằng cần phải giải quyết 3 vấn đề chính.

Thứ nhất là khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông và cải thiện công tác phối hợp thay vì cạnh tranh lãng phí giữa các địa phương để sở hữu hạ tầng giao thông.  World Bank cho rằng Việt Nam có kết cấu hạ tầng giao thông tương đối tốt nhưng với dư địa tài khóa hạn chế hiện tại cho đầu tư cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần khai thác hợp lý kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đơn cử như hệ thống cảng, song song với việc đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Ngoài ra, cần khuyến khích và đưa ra các sáng kiến phối hợp thay vì cạnh tranh trong việc xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương.

Thứ hai là hoàn thiện quy hoạch giao thông và quy hoạch không gian để hỗ trợ tốt hơn các chuỗi giá trị quan trọng nhằm tăng cường kết nối và hội nhập chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Việt Nam cần hài hòa tốt hơn mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại và tăng cường chuỗi giá trị với các mục tiêu cải thiện kết nối vì hiện tại chưa có chính sách hay chiến lược cụ thể nào về kết nối hướng tới thúc đẩy thương mại và quy hoạch/đầu tư vào giao thông.

Thứ ba là cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các khu vực kém phát triển thông qua kết nối với các trung tâm kinh tế bằng cách ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật số giúp tối đa hóa khả năng tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên