GIẢM GIỜ LÀM XUỐNG DƯỚI 48 GIỜ/TUẦN: Vẫn còn băn khoăn
Việc giảm giờ làm chỉ mang lại hiệu quả thực chất khi đi đôi với ổn định thu nhập cho người lao động
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại 154 nước và vùng lãnh thổ, Việt Nam thuộc nhóm có thời giờ làm việc cao trên thế giới và khu vực.
Chọn thời điểm phù hợp
Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần (từ 48 giờ/tuần trở lên) và số giờ làm việc trung bình năm (khoảng 2.339 giờ) cao nhất thế giới. Về giờ làm thêm, Việt Nam ở mức trung bình của thế giới, nhưng tình trạng vi phạm giờ làm thêm xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, nước ta có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày) và số ngày nghỉ lễ, Tết ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc khảo sát, điều tra đời sống công nhân lao động của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) và một số tổ chức khác cho thấy rõ ảnh hưởng xấu của thời giờ làm việc kéo dài đến cuộc sống của người lao động (NLĐ), từ mất cơ hội tìm bạn đời, thể hiện tình cảm, quan tâm chăm sóc giữa vợ - chồng đến thực hiện trách nhiệm chăm sóc con cái, tác động đặc biệt lớn đến nhóm lao động có con nhỏ. Tiền lương làm thêm giờ đối với phần lớn NLĐ không đủ bù đắp các chi phí xã hội như thuê người đón con, trông con ngoài giờ hoặc tái sản xuất sức lao động…
Mong muốn của Tổng LĐLĐ Việt Nam khi đề nghị xem xét giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ xuống dưới 48 giờ/tuần là không nên đặt hết gánh nặng tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động lên vai NLĐ mà cần đánh giá đúng hơn trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM), ủng hộ đề xuất này. Theo ông An, pháp luật lao động hiện nay đang quy định thời gian làm việc bình thường của NLĐ là 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Đối với những doanh nghiệp (DN) may mặc và giày da thì NLĐ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nóng bức… ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe.
Nếu được rút ngắn thời gian làm việc trong tuần sẽ giúp NLĐ có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Thực tế, việc giảm giờ làm có thể kéo giảm sản lượng sản xuất của DN. Song, khi NLĐ có đủ thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động thì năng suất làm việc sẽ được cải thiện.
Bà Châu Thị Ngọc Liên, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thái Sơn S.P (quận Bình Thạnh, TP HCM), cũng cho rằng giảm giờ làm là cần thiết để tạo sự công bằng giữa NLĐ làm việc tại khu vực công và khu vực DN ngoài nhà nước. Bà Liên dẫn chứng hiện nay các ngày nghỉ lễ, Tết được quyết định theo thời gian làm việc của khu vực công, NLĐ trong khối DN được nghỉ ít hơn do thứ bảy được tính là ngày làm việc bình thường, không được nghỉ bù.
Trường hợp DN cho nghỉ dài ngày theo lịch của nhà nước thì sẽ trừ vào phép năm hoặc tổ chức làm việc bù. Tuy nhiên, bà Liên cũng cho rằng cần xem xét thời điểm áp dụng cho phù hợp, có thể là từ năm 2025 hoặc 2026 vì hiện còn nhiều DN dệt may, da giày đang gặp khó khăn về đơn hàng. Nếu giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần hay 40 giờ/tuần sẽ khiến DN tăng chi phí do tăng thời gian tăng ca.
Phải giúp người lao động ổn định thu nhập
Theo ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), nếu được rút ngắn thời gian làm việc, NLĐ sẽ rất vui vì có thời gian chăm sóc gia đình; có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Tuy nhiên, ông Đại cũng cho rằng đây chưa phải là thời điểm phù hợp để thực hiện vì thời gian qua, DN đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Tại công ty nơi ông làm việc, tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài từ tháng 8-2023 đến 2-2024 và hiện vẫn chưa ổn định, có xưởng chỉ làm 12 ngày công/tháng, thu nhập NLĐ giảm. "Với tình hình thực tế hiện nay, tôi nghĩ NLĐ mong được tăng lương hơn là giảm giờ làm" - ông Đại bày tỏ.
Liên quan đến đề xuất giảm giờ làm, bà Trương Thị Lĩnh, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP HCM), bày tỏ sự băn khoăn. Theo bà Lĩnh, lương của NLĐ hiện đang được trả căn cứ trên thời gian làm việc là 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần nhưng khá thấp vì đa số DN chỉ trả lương bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với mức lương tối thiểu vùng nên NLĐ sống khá chật vật.
Nếu giảm thời giờ làm xuống 40 hay 44 giờ/tuần thì nhiều khả năng DN sẽ phải điều chỉnh giảm tiền lương. Để ổn định lương cho NLĐ thì phải tăng định mức lao động. "Giả sử thời gian làm việc giảm còn 44 giờ/tuần thì mỗi tháng một NLĐ sẽ giảm 2 ngày công, kèm theo đó là ngày nghỉ phép năm tối thiểu 1 ngày/tháng. Như vậy, để duy trì mức lương như khi chưa giảm giờ làm, sản lượng của 3 ngày này sẽ phải chia đều vào các ngày còn lại, tạo nên áp lực không nhỏ cho NLĐ", bà Lĩnh phân tích.
Chị Nguyễn Thị Thơ, công nhân Công ty TNHH S.D (quận Tân Phú, TP HCM), chia sẻ vì hưởng lương sản phẩm nên chị tự nguyện tăng ca mỗi ngày đến 21 giờ. Nếu đơn giá khá, thu nhập mỗi tháng của chị được khoảng 10 triệu đồng/tháng. "Đơn giá sản phẩm thường đến khi nhận lương cuối tháng CN mới được biết. Nếu cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động tại DN, trong đó có việc công khai đơn giá, thì giảm giờ làm đối với CN không có ý nghĩa" - chị Thơ nói.
Nhiều quốc gia linh hoạt giảm giờ làm
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng quy định làm việc 40 giờ/tuần từ lâu và đạt được kết quả tích cực. Chính phủ New Zealand đã khuyến khích các DN thực hiện giảm giờ làm để tăng cường sức khỏe và sự hài lòng của nhân viên. Cụ thể, New Zealand quy định giờ làm việc tối đa 40 giờ mỗi tuần cùng với các yêu cầu về nghỉ phép, nghỉ giải lao và làm thêm giờ. Bên cạnh đó, chính phủ New Zealand cũng khuyến khích các công ty áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, như làm việc tại nhà hoặc làm việc theo ca.
Tương tự, Phần Lan cũng có chính sách giảm giờ làm giúp các nhân viên cảm thấy hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn. Các ngành khác nhau ở nước này có giờ làm việc khác nhau nhưng theo quy định của pháp luật, thời gian làm việc thông thường có thể lên tới 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần. Mức lương tăng ca ngoài 40 giờ/ngày cũng phải ít nhất là 50%.
Bỉ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu ban hành quy định làm việc chỉ 4 ngày/tuần (tức 32 giờ/tuần) nhưng vẫn được bảo đảm đầy đủ lương thưởng. Luật mới có hiệu lực từ ngày 21-11-2023 cho phép NLĐ được tự quyết định làm việc 4 hoặc 5 ngày một tuần (tức 32 giờ/tuần hoặc 40 giờ/tuần). Chính phủ Bỉ hy vọng rằng sự thay đổi này sẽ giúp thị trường lao động của Bỉ trở nên linh hoạt hơn và giúp NLĐ dễ dàng cân bằng thời gian cho gia đình và sự nghiệp.
X.Mai
Người lao động