Giảm hơn 8.500 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của 4 dự án
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình).
- 10-03-2023Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được nhận chế độ thai sản 2 triệu đồng?
- 10-03-2023Vì sao khách quốc tế đổ xô đến Việt Nam nhưng không... tiêu tiền?
Cụ thể, Chính phủ giao 14.710,315 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức và cơ cấu ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội.
Đồng thời, Chính phủ giao danh mục và mức vốn ngân sách Trung ương bố trí kế hoạch vốn của Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình.
Cùng với đó là điều chỉnh giảm 8.528 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của 4 dự án thuộc Chương trình đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải để bố trí cho các địa phương thực hiện các dự án thành phần theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình, danh mục nhiệm vụ, dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án được giao, thông báo hoặc quyết định giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công chi tiết danh mục nhiệm vụ, dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án, bảo đảm theo đúng quy định.
Khẩn trương phê duyệt quyết định đầu tư dự án theo quy định để bảo đảm đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2023; chịu trách nhiệm giải ngân toàn bộ số vốn được giao từ Chương trình trong năm 2023 theo quy định.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương bảo đảm cân đối đủ vốn cho dự án để hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các dự án có tổng mức đầu tư cao hơn mức vốn ngân sách trung ương bố trí từ Chương trình, các địa phương phải có trách nhiệm bố trí đủ vốn ngân sách địa phương trong giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản và chậm tiến độ do thiếu vốn.
Trong trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án so với tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao vốn từ Chương trình, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động bố trí số vốn còn thiếu từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác do cấp mình quản lý để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022 - 2025.
VTV