MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám khảo Siêu Trí Tuệ - Kỷ lục gia thế giới lộ quá khứ "bết bát": Tổng kết 2 phẩy, lưu ban lớp 3, thi lại trong 8 năm

10-06-2021 - 13:50 PM | Sống

Giám khảo Siêu Trí Tuệ - Kỷ lục gia thế giới lộ quá khứ "bết bát": Tổng kết 2 phẩy, lưu ban lớp 3, thi lại trong 8 năm

Từ 1 cậu học trò được mệnh danh "siêu dốt", nam giám khảo Siêu Trí Tuệ đã làm cách nào để trở nên thông minh và có trí nhớ tốt như hiện tại?

Dương Anh Vũ là một trong những giám khảo đình đám trong chương trình Siêu Trí Tuệ. Anh được biết đến là trưởng ban cố vấn Khoa học, từng xác lập kỷ lục thế giới khi ghi nhớ được 650.000 trang giấy A4. Đồng thời anh cũng am hiểu sâu rộng kiến thức trên nhiều lĩnh vực: Toán học, Văn học, Địa lý và Ngôn ngữ.

Tuy nhiên, thời đi học của Dương Anh Vũ lại hoàn toàn khác.

Giám khảo Siêu Trí Tuệ - Kỷ lục gia thế giới lộ quá khứ bết bát: Tổng kết 2 phẩy, lưu ban lớp 3, thi lại trong 8 năm - Ảnh 1.

Giám khảo Siêu Trí Tuệ Dương Anh Vũ

Anh từng bị coi là học dốt nhất trong gia đình, hè nào cũng phải chịu trận đòn roi của bố vì thành tích học quá bết bát. Những năm cấp 2, có những lần điểm tổng kết của anh chỉ hơn 2 phẩy - một thành tích được coi khá tệ.

Cứ đến mùa hè, anh lại học lại các môn học, song vẫn phải học lưu ban muộn 1 năm so với các bạn cùng khóa. Điều gì biến 1 chàng trai học siêu dốt trở thành kỷ lục gia thế giới - giám khảo Siêu Trí Tuệ?

Giám khảo Siêu Trí Tuệ - Kỷ lục gia thế giới lộ quá khứ bết bát: Tổng kết 2 phẩy, lưu ban lớp 3, thi lại trong 8 năm - Ảnh 2.

Điểm tổng kết năm lớp 7 của Dương Anh Vũ chỉ toàn 5 phẩy và 6 phẩy


Giám khảo Siêu Trí Tuệ - Kỷ lục gia thế giới lộ quá khứ bết bát: Tổng kết 2 phẩy, lưu ban lớp 3, thi lại trong 8 năm - Ảnh 3.

Đến năm lớp 8, tổng kết môn học thậm chí còn tệ hơn khi môn tiếng Anh chỉ ở mức 2,7

Mới đây, bí quyết thay đổi con người 180 độ đã được nam giám khảo Dương Anh Vũ lý giải trên trang cá nhân:

Tôi tin rằng, bất cứ gia đình nào trên thế giới này đều có những luật lệ và quy tắc ứng xử riêng đối với những hành động đúng hoặc sai của con cái, làm tốt thì sẽ được khen thưởng, còn phạm lỗi thì sẽ bị phạt, tôi thường gọi vui những điều này là "Family constitution". Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, từ lúc anh em tôi còn rất bé, ba đã thường xuyên thực hiện những buổi "tập huấn" về những quy tắc và luật lệ gia đình. Trong đó "luật khen thưởng trong học tập" để lại trong tâm trí tôi nhiều màu sắc nhất, vì năm nào tôi cũng được "thưởng roi" vì tội học dốt.

Ba tôi quy định rằng: Trong tất cả các con cái, cuối năm học đứa nào mà có kết quả học tập xếp loại trung bình trở xuống thì sẽ bị ăn đòn, riêng thằng Vũ, chừng nào xếp loại yếu hoặc ở lại lớp thì mới bị ăn đòn… Dù được ba đặc cách đến tận nóc như thế, nhưng năm nào tôi cũng là thành viên duy nhất trong nhà được thưởng "roi"…

Để hoàn thành xong cấp 1 và 2 thì một học sinh "bình thường" mất 9 năm, nhưng vì là một học sinh "bất thường" nên tôi mất đến 10 năm mới học xong. Tôi lưu ban năm lớp 3, và là học sinh yếu - phải thi lại liên tục trong 8 năm tiếp theo… có nghĩa là dường như năm nào cái mông bé nhỏ, trắng trẻo và xinh xắn của tôi cũng nở đầy hoa. Điều này diễn ra thường xuyên đến mức nó đã trở thành một thói quen, tôi thuộc làu từng câu giáo huấn, từng nhát roi, từng biểu hiện trên gương mặt của ba khi trên tay ông cầm cái sổ liên lạc của tôi. Những giây phút ấy… tôi rất sợ hãi…!

Không có bất cứ đứa trẻ nào mà không lớn lên, tôi cũng thế… Vóc dáng và cảm xúc của tôi lớn lên qua từng năm… khi càng lớn, tôi càng không còn cảm nhận được cơn đau khi ba quất roi vào mông nữa.

Có lẽ vì ba đã già, cũng có lẽ tôi đã quen với những trận đòn…

Nhưng không… Tôi chợt nhận ra rằng, cơn đau chưa bao giờ đến từ những cây roi của ba, nó đến từ cách nhìn của người khác vào tôi… Tôi bị tổn thương khi tình cờ nghe những người hàng xóm chê cười ba mẹ mình vì có một thằng con quanh năm suốt tháng học hành yếu kém, tôi tổn thương khi bị thầy cô bắt quỳ ở cuối lớp, tôi bị tổn thương vì bạn bè coi thường…

Trong suốt thời kỳ bị gắn nhãn học dốt, tôi luôn tự hỏi rằng… Tại sao tất cả những đứa bạn của tôi thời lớp 1, chúng đều biết trước những gì thầy cô sẽ dạy trên lớp, chúng biết đọc bảng chữ cái, chúng biết ghép vần, chúng biết thực hiện các phép tính, chúng biết về tất cả con số… tôi thì không?… Có lẽ nào tất cả chúng đều là siêu nhân, có lẽ nào tôi thực sự dốt bẩm sinh… Giáo viên trong cái lớp 1 ấy, không quan tâm một đứa trẻ chẳng biết gì như tôi, lên lớp 2 tôi dốt hơn một chút nữa, lên lớp 3 tôi ở lại lớp. Sự ngộ nhận bị lặp đi lặp lại quá nhiều lần sẽ trở thành sự thật, và chẳng có bất cứ người lớn nào giúp tôi ngăn chặn cái sự thật đó.

Rồi đến một ngày, tôi tìm ra được câu trả lời, bọn bạn cùng lớp của tôi đã được học lớp 1 trước khi chúng thực sự bước vô lớp 1, còn tôi thì không… Điều đáng sợ nhất trên đời này chính là một sự thật bị giấu kín.

Ngày tôi hạnh phúc nhất, chính là ngày tôi hét lên rằng: Vũ ơi, mày không hề dốt, mày chỉ đang ngộ nhận thôi… Nhưng cái giá phải trả cho sự ngộ nhận đó quá đắt. Tôi đã đánh mất những bức tranh tuổi thơ đầy màu sắc, những mùa hè tung tăng vui chơi, những mối tình thời học sinh, những người bạn… vì bị trầm cảm.

"Chúng ta không thể biết hậu quả của việc cấm đoán tính tự phát của trẻ nhỏ khi nó chỉ mới bắt đầu chủ động. Chúng ta thậm chí có thể bóp nghẹt chính sự sống. Thứ nhân tính bộc lộ bên dưới tất cả những chói lọi huy hoàng của trí tuệ trong suốt tuổi thơ ấu ngọt ngào và dịu dàng nên được tôn trọng đến mức như sùng kính. Nó giống như mặt trời xuất hiện trong buổi bình minh hay đóa hoa mới bắt đầu bừng nở. Giáo dục không thể hữu ích trừ phi nó giúp trẻ nhỏ mở lòng đón nhận cuộc sống". (Nhà giáo dục sư phạm trẻ em: Maria Montessori)

Nguồn: Siêu Trí Tuệ, Facebook nhân vật

Theo Vân Trang

Tổ quốc

Trở lên trên