Giảm lãi suất cho vay trong năm tới bất chấp thách thức nợ xấu hậu Covid-19
Trong năm 2022, dựa trên các cân đối vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát, NHNN sẽ điều hành ổn định mặt bằng lãi suất và chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.
- 05-12-2021TS Trương Văn Phước: Lạm phát còn thấp, có thể giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất 1%
- 19-11-2021Lãi suất tiền gửi tiếp đà giảm, ngân hàng lớn dẫn đầu giảm trước
- 02-11-2021Lãi suất huy động tiếp tục đi xuống dù người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng
Theo ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, xu hướng giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay đã diễn ra từ năm 2020 và tiếp tục duy trì trong năm 2021. Đến tháng 1/2021 mặt bằng lãi suất của thị trường đã giảm 0,82% kể từ đầu năm.
Theo quy định của NHNN, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) không vượt quá 4,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất thực được các TCTD áp dụng chỉ khoảng 4,32%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung lãi suất cho vay của các nước ASEAN+4, so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam như Mông Cổ, Pakistan,....
“Thời gian qua, lạm phát đã được kiểm soát xoay quanh mức 4% nên mức trần lãi suất cho vay 4,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là khá phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, cũng như khi so sánh với bối cảnh các nước khác”, ông Phạm Chí Quang nói.
Về xu hướng điều hành lãi suất trong năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, với áp lực lạm phát trên toàn cầu hiện nay, giá cả các mặt hàng cơ bản đang leo cao. Do vậy áp lực về lạm phát là hiện hữu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong bối cảnh đó, để duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng đã là một áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang. |
Việc duy trì lãi suất ổn định trong giai đoạn tới, khi mặt bằng lãi suất trên thế giới có xu hướng tăng sẽ là áp lực rất lớn cho chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là rất lớn, mong mỏi của người dân và doanh nghiệp được vay vốn giá rẻ luôn là mong mỏi xác đáng.
“Trong năm 2022, dựa trên các cân đối vĩ mô, đặc biệt là diễn biến lạm phát, trong điều kiện cho phép NHNN sẽ điều hành ổn định mặt bằng lãi suất và chỉ đạo các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để nỗ lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế”, ông Phạm Chí Quang nói.
Trong khi đó, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, năm 2021 tín dụng chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên đều đạt tăng trưởng trên hai con số. Cả 5 lĩnh vực này đều là những trụ đỡ và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy định hướng điều hành trong năm 2022 của NHNN sẽ tiếp tục có những giải pháp để nắn dòng tiền chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên.
Nợ xấu sẽ tăng nếu dịch bệnh không được kiểm soát
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, hơn 10 năm trước, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng lên đến 13%, chủ yếu từ bong bóng thị trường bất động sản để lại. Để làm tan “cục máu đông” này phải cần đến Nghị quyết 42 của Quốc hội cùng sự nỗ lực của toàn ngành mới có thể gần đạt mục tiêu. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng lại tăng. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, nợ xấu vẫn có thể tăng, đây là bài toán không nhỏ cho ngành ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu (gồm nợ bán cho VAMC) đã tăng lên 3,79%. Nếu xét đến các tác động của dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2% (cuối năm 2020 là 5,08%).
“Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu, nợ xấu ngân hàng năm 2021 dự báo lên tới 8,2%. Thậm chí tỷ lệ nợ xấu này còn có thể cao hơn nếu dịch bệnh tiếp tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, nền kinh tế trong thời gian tới”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói tại buổi họp báo, đồng thời cho rằng con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng do dịch bệnh Covid-19, chúng ta cần nhìn nhận khách quan để cùng xử lý nợ xấu này.
Nhấn mạnh về vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết đây là một trong những thách thức đối với hệ thống trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Infonet