MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất điều hành: Một mũi tên trúng nhiều đích

17-09-2019 - 10:49 AM | Tài chính - ngân hàng

NHNN Việt Nam vừa quyết định giảm thêm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, áp dụng từ ngày 16/9/2019. Đâu là lý do để NHNN đưa ra quyết định trên và nó có tác động ra sao đối với thị trường tiền tệ nói riêng, nền kinh tế nói chung. Phóng viên Thời báo Ngân hàng xin trích dẫn ý kiến của ngân hàng, các chuyên gia đánh giá về động thái điều chỉnh trên của NHNN.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
93 bài viết

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Nhiều thị trường được hưởng lợi

Có 3 chỉ báo để NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành. Chỉ báo đầu tiên là từ động thái giảm lãi suất của NHTW các nước, nhất là Mỹ. Về nguyên tắc, khi giảm lãi suất sẽ làm đồng tiền giảm giá, cũng có nghĩa làm tăng tỷ giá hối đoái. Như vậy, giảm lãi suất điều hành tạo ra hành lang cho NHNN điều chỉnh tỷ giá rộng hơn một chút, qua đó tránh ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu cũng như sức cạnh tranh của Việt Nam với đối tác thương mại quan trọng. Nhưng mức giảm 0,25%/năm này cũng tác động rất nhỏ tỷ giá chỉ có thể giúp tỷ giá tăng lên 0,1-0,15%.

Thứ hai là chỉ số lạm phát đang thấp, thậm chí thấp hơn dự kiến đầu năm. Thứ ba, giảm lãi suất đồng nghĩa NHNN sẵn sàng tăng cung tiền, qua đó phát đi tín hiệu tăng khả năng cho vay của NHTM.

Theo tôi, một số thị trường được hưởng lợi khi lãi suất điều hành giảm như thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Thực tế sau quyết định này hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản. Thị trường trái phiếu DN cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, nó cũng giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các DN…

Nhưng tôi cho rằng, mức điều chỉnh vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới NHNN cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, sẽ tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Dẫu sao đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường ngân hàng và cả nền kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB: Không bất ngờ với quyết định điều hành

Tôi cho rằng, quyết định giảm lãi suất là phù hợp với định hướng từ đầu năm của NHNN là thận trọng linh hoạt theo sát tình hình diễn biến chung của cả kinh tế trong nước và thế giới. Đứng trước bối cảnh hàng loạt NHTW các nước trên thế giới cũng áp dụng chính sách nới lỏng, việc NHNN quyết định giảm lãi suất điều hành không có gì bất ngờ.

Lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của NHNN trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của các ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. Còn trên thị trường 2, lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý trước khi có quyết giảm lãi suất điều hành.

Theo tôi, cũng không có lý do gì giảm sâu lãi suất gây sốc cho thị trường. Vì suy cho cùng giảm sâu thì nó cũng không có tác động nhiều đến nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng như tôi đã phân tích ở trên. NHNN không cần phải vội vàng gì điều chỉnh thêm. 

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng: Thời điểm phù hợp để giảm lãi suất điều hành

Tôi rất đồng tình với quyết định giảm lãi suất điều hành lúc này của NHNN. Vì nền kinh tế Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Trung - Mỹ nhất là lĩnh vực xuất khẩu. NHNN giảm lãi suất giúp ngân hàng giảm chi phí vốn cho DN, hỗ trợ cho DN vay vốn, nhất là DN xuất khẩu, từ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát vì với chi phí vốn rẻ sẽ khuyến khích người vay nhiều hơn. Theo đó, tiền được đẩy nhiều vào lưu thông và có thể gây áp lực tăng lạm phát. Bên cạnh đó, giảm lãi suất có khả năng đẩy tỷ giá lên. Song mức độ tăng thế nào có lẽ cũng còn chờ mức độ thẩm thấu chính sách và tác động từ những thông số khác nữa như tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…

Theo tôi giảm lãi suất điều hành lúc này là cần thiết giúp tăng tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu, vì hiện tại xuất khẩu đang yếu hơn so với năm ngoái. Nếu điều kiện cho phép, NHNN có thể điều chỉnh thêm lãi suất điều hành để tác động sâu, mạnh hơn đối với thị trường, và nền kinh tế.

TS. Bùi Quang Tín - Chuyên gia ngân hàng: Mức độ điều chỉnh lãi suất rất phù hợp

Việc giảm lãi suất lần này phù hợp với xu hướng của thế giới khi mà FED, ECB và gần 20 NHTW khác đã giảm lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chậm lại vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Không chỉ phù hợp với xu hướng từ bên ngoài mà NHNN phát đi tín hiệu TCTD có khả năng giảm thêm lãi suất hỗ trợ DN trong nước đúng như cam kết cơ quan này đưa ra từ đầu năm là nỗ lực ổn định lãi suất cho vay, và khi có điều kiện sẽ giảm lãi suất. Ngoài tác nhân từ bên ngoài, ngay cả ở trong nước nhiều yếu tố ủng hộ quyết định này như lạm phát đang ở mức thấp; tỷ giá được điều hành ổn định trong thời gian qua. Đây là cơ sở để NHNN yên tâm hơn khi giảm lãi suất lần này không tạo áp lực lên tỷ giá, và không quá lo sợ ảnh hưởng đến lạm phát mục tiêu.

Tôi thấy có ý kiến đề xuất từ nay đến cuối năm nên điều chỉnh thêm một vài lần lãi suất điều hành để tác động sâu hơn thị trường, nhưng tôi cho rằng, chưa cần thiết trong giai đoạn này. Vì mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang chỉ hơn 3%/năm cho thấy thanh khoản ngân hàng đang ổn. Còn lãi suất huy động trên thị trường 1 chỉ tăng ở kỳ hạn trung, dài hạn và xuất hiện ở ngân hàng nhỏ nên không mang tính đại diện cho cả thị trường được. Mà điều hành lãi suất phải bám theo diễn biến của thị trường. Do đó, tôi cho rằng, thời điểm cũng như mức độ điều chỉnh lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp.

Theo Nhóm PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên