MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất là chưa đủ!

19-07-2017 - 13:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay được xem là tín hiệu vui đối với các DN, giúp đáp ứng nhu cầu về vốn đang ngày càng cao để phục vụ đầu tư phát triển, sản xuất. Tuy nhiên, với nhiều DN, nhất là DN nhỏ và vừa, đây chỉ là “tín hiệu tốt” bởi để nguồn vốn rẻ này đến tay các DN còn rất gian nan.

Trên thực tế, với các DN có lịch sử kinh doanh tốt, phương án kinh doanh thuận lợi, lĩnh vực kinh doanh ưu tiên, các ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng với các DN thông thường, DN mới thành lập thì nguồn vốn vẫn ở “trên cao”, muốn với tới thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định riêng của các ngân hàng thương mại hoặc phải có tài sản thế chấp. Chính vì thế, các DN phải biết chủ động nâng mình lên, nâng cao hiệu quả hoạt động, hướng sản xuất vào lĩnh vực có thể quay vòng vốn nhanh, minh bạch về tài chính…

Tuy nhiên, cùng với sự chủ động từ các DN, các cơ quan quản lý không thể chỉ giảm lãi suất thôi là đủ, mà cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN hoạt động, giúp DN thấy được “tương lai tươi sáng” để sẵn sàng, mạnh dạn vay vốn đầu tư. Nếu như việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó, chi phí đầu vào gia tăng, chi phí “không chính thức” lớn… các DN sẽ khó có thể trả được nợ cũ, chưa nói tới việc đáp ứng điều kiện để vay mới. Theo các chuyên gia, sức chịu đựng của các DN Việt Nam vẫn còn hạn chế, nên hiệu quả kinh doanh không khả quan sẽ khiến các DN “ngại lớn”, hoạt động ở mức “cầm cự”, làm nản lòng nỗ lực tìm vốn để mở rộng sản xuất, tái đầu tư.

Điều đáng mừng là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm đạt tới con số kỷ lục, cao nhất trong 8 năm qua cho thấy các DN đã được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, môi trường kinh doanh cải thiện để DN yên tâm mở rộng đầu tư, sản xuất. Nhưng kết quả này vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa, tăng cường kết nối DN với ngân hàng, giúp nguồn vốn được "hạ" xuống ngang tầm với của các DN. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cần được giảm áp lực về vốn; xử lý nhanh, triệt để khối nợ xấu còn tồn tại để góp phần tăng thanh khoản... giúp hiệu quả giảm lãi suất được bền vững và thực chất. Không những thế, tín dụng tăng nhanh nhưng phải kiểm soát chặt, không thể vì DN cần vốn mà cho vay tùy tiện, nếu không sẽ gây tác động xấu tới nền tài chính quốc gia.

Theo Bình Nam

Báo hải quan

Trở lên trên