MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất là 'trọng tâm' điều hành chính sách tiền tệ

25-06-2023 - 15:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Điều hành chính sách lãi suất có thêm dư địa. Ảnh: Trọng Hiếu

Điều hành chính sách lãi suất có thêm dư địa. Ảnh: Trọng Hiếu

Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ quan điểm tiếp tục điều hành giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế phục hồi ngay cả trong bối cảnh FED có thể tăng lãi suất trở lại. Trên thị trường, lãi suất cũng đang giảm mạnh.

Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm mạnh.

Dẫn đầu vẫn là nhóm NHTM nhà nước, với mức giảm bình quân 0,5-1 điểm % trong vòng 1 tháng trở lại đây. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng hiện nay đang thấp nhất hệ thống, chỉ còn 3,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và kỳ hạn cao nhất chỉ còn 6,3%/năm (kỳ hạn 12 - 18 tháng).

Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng công bố giảm lãi suất liên tục lãi suất trong vòng chưa đầy 1 tháng, với mức giảm trung bình 0,1-0,3 điểm %/năm/lần tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm gần như đã không còn thấy trên biểu lãi suất của các ngân hàng.

Theo đó, lãi suất huy động đã được điều chỉnh từ 0,1 - 1 điểm %/năm, giảm mạnh ở kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống. Lãi suất niêm yết cao nhất tại một số nhà băng tư nhân lớn hiện chỉ còn quanh ngưỡng 7% một năm, như tại ACB, VIB, TPBank, Sacombank, VPBank (khoản tiền dưới 1 tỷ đồng).

Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7 điểm % so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0 điểm %/năm so với cuối năm 2022).

Dù lãi suất giảm mạnh, tuy nhiên tín dụng nền kinh tế vẫn tăng trưởng rất chậm. Đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, hạn mức tín dụng không thiếu, huy động vốn không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn. Tuy nhiên, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu nên các ngân hàng muốn đẩy vốn ra nền kinh tế nhưng rất khó khăn vì không thể hạ chuẩn cho vay.

Được biết, NHNN đang chuẩn bị họp với các ngân hàng thương mại, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trao đổi về lo ngại tác động của việc FED có thể tăng lãi suất từ nay tới cuối năm lên điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc NHNN nhấn mạnh: "FED đã tăng lãi suất rất nhiều lần. Tuy nhiên, FED tăng là việc của FED, chúng ta có phương pháp, đối sách của Việt Nam. FED tăng ta vẫn giảm được vì kiểm soát được lạm phát, một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép hạ lãi suất điều hành". Điều này cho thấy quyết tâm điều hành giảm lãi suất sẽ là trọng tâm chính sách của NHNN thời gian tới mà không chịu tác động quá nhiều của ngoại cảnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ, trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay thì áp lực tỷ giá lên chính sách tiền tệ là không lớn. FED tạm dừng tăng lãi suất, đồng USD yếu đi là dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất điều hành, từ đó giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Đặc biệt, trong khi lãi suất liên ngân hàng còn cao thì việc NHNN định hướng giảm lãi suất là rất cần thiết. Theo đó, ông Nghĩa khuyến nghị, nên đưa mặt bằng lãi suất cho vay từ nay tới cuối năm về mức 7-8%/năm kỳ hạn 12 tháng - đây là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp khôi phục, nền kinh tế sớm lấy lại đà phát triển.

Theo Đình Vũ

Nhà Đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên