Giám sát minh bạch trên TTCK, Nhật Bản sử dụng trí tuệ nhân tạo quét tin trên mạng xã hội để ngăn ngừa làm giá
Sáng 20/6, UBCK và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Chương trình khởi động Dự án Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK cho biết đây là dự án nằm trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng cường tính công bằng và minh bạch, góp phần phát triển bền vững TTCK Việt Nam.
Dự án tập trung nâng cao năng lực của UBCK và các Sở GDCK về 4 mảng: (i) giám sát thị trường bao gồm cả năng lực về thanh tra; (ii) giám sát các trung gian thị trường để bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư một cách công bằng hướng tới đảm bảo tính ổn định của thị trường, (iii) quản lý niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng tập trung vào phương thức dựng sổ (book building) để đảm bảo chất lượng thị trường tốt hơn với các sản phẩm niêm yết phù hợp, (iv) nâng cao nhận thức về "trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư" của các cấp lãnh đạo công ty đại chúng và các đối tượng liên quan.
Chủ tịch UBCK kỳ vọng các cấp các ngành của VN sẽ hợp tác với UBCK và các Sở giao dịch, các chuyên gia của JICA để dự án đạt được các mục tiêu đề ra.
Theo ông Vũ Trí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế UBCK, dự án này bắt đầu từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2022 và được chia làm 3 giai đoạn.
Ông Konaka Tetsuo, trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là NĐT Nhật Bản ngày càng quan tâm đến TTCK Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực thúc đẩy TTCK như sửa đổi Luật Chứng khoán, kế hoạch hợp nhất các Sở GD.. Nhóm tư vấn của JICA hợp tác với UBCK, hai Sở giao dịch trong 3 năm tới nhằm đạt được mục tiêu của Việt Nam là tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến tính minh bạch và công bằng của thị trường chứng khoán.
Kinh nghiệm của Nhật Bản
Phó Chủ tịch cơ quan tài chính Nhật Bản tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia mặt trời mọc trong việc cải thiện và minh bạch TTCK. Trong hơn 20 năm qua, đất nước này đã trải qua 2 cuộc khủng hoảng tài chính. Vào cuối những năm 80 Nhật Bản hình thành kinh tế bong bóng, giá cổ phiếu và giá nhà bị đẩy lên cao kéo theo các giao dịch nội gián, thao túng thị trường nở rộ. Năm 1989 thị trường cổ phiếu sụp đổ và giảm mạnh, thị trường bất động sản cũng giảm mạnh ảnh hưởng đến nợ xấu, dẫn tới nhiều tổ chức tín dụng lớn tại Nhật Bản phá sản. Có 180 ngân hàng Nhật Bản đã bị phá sản trong cuộc khủng hoảng và đất nước này đã phải mất 15 năm để xử lý các vấn đề nợ xấu tại các tổ chức tín dụng. Cách đây 20 năm, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan giám sát tín dụng là tiền thân của JICA hiện nay.
Theo đại diện của JICA, để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường tài chính Nhật Bản những năm 80-90, thì không để tín dụng quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và đầu tư gián tiếp mà phải phát triển thị trường vốn. Thứ hai là phải hoàn thiện tín dụng trực tiếp để duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Để tránh tập trung rủi ro với tín dụng gián tiếp, khi nền kinh tế tập trung chủ yếu vào ngân hàng, các rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế sẽ bị tích tụ ngày càng lớn. Do đó sự phát triển của thị trường cổ phiếu sẽ tác động tương hỗ giúp ổn định thị trường tín dụng. Để có thể hình thành thị trường cổ phiếu có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư thì phải đảm bảo sự công bằng và minh bạch cho thị trường này.
Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường chức năng giám sát thị trường và nâng cao quản trị doanh nghiệp với công ty niêm yết. Năm 1992, Nhật Bản đã thành lập Ủy ban giám sát các giao dịch chứng khoán (gọi tắt là SESC). Ban đầu Ủy ban này kiểm tra các giao dịch chứng khoán và điều tra các giao dịch không lành mạnh để tố giác lên Viện kiểm sát. Năm 2004 Nhật Bản đã sửa đổi Luật nhằm ngăn ngừa các giao dịch nội gián. Để giải quyết tình trạng này, các thông tin không công khai ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của NĐT được liệt kê trong các văn bản pháp luật và làm rõ các đối tượng bị cấm. Việc này đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách linh hoạt. Nếu quy định không rõ ràng thì cơ quan quản lý bỏ ngỏ hành vi vi phạm, tổn hại đến tính công bằng của TTCK làm mất lòng tin của nhà đầu tư.
Nhật Bản cũng tăng mạnh xử phạt liên quan đến giao dịch nội gián, đối với cá nhân trước đây mức phạt 100 triệu đồng nâng lên 100 tỷ.
Để tăng cường chức năng giám sát thị trường, Nhật Bản có các tổ chức tự quản. Bên cạnh việc phát hiện vụ việc thì việc ngăn ngừa rất quan trọng. Tổ chức tự quản Nhật Bản được thành lập chủ động giữa CTCK và Sở GD dựa trên các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm tính công bằng cho các NĐT, bản thân các hiệp hội này đưa ra quy định để đảm bảo vai trò của mình.
Nhật Bản cũng triển khai áp dụng hệ thống giám sát mới như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và áp dụng công nghệ thông tin để phân tích và phát hiện các thông tin đăng tải trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và hành vi bán tháo, góp phần ngăn chặn các hành vi không công bằng trên thị trường.
Các khảo sát ban đầu
12 chuyên gia tư vấn của JICA đã làm các cuộc khảo sát trên TTCK Việt Nam. Chuyên gia của JICA nhận định với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vĩ mô, TTCK VN còn rất phát triển. Sau giai đoạn phát triển về mặt quy mô phải nâng cao chất lượng thị trường. Bản thân Chính phủ Việt nam cũng cải thiện tính minh bạch và công bằng của thị trường cổ phiếu.
Năm nay TTCK Việt nam đón nhận nhiều thông tin quan trọng như quyết định 32 liên quan đến thiết lập Sở GDCK VIệt Nam và 242 liên quan đến tái cấu trúc TTCK, Luật chứng khoán Sửa đổi đều là các văn bản cho thấy TTCK Việt Nam sắp bước vào giai đoạn thay đổi hết sức to lớn.