MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám sát tài sản của cán bộ cấp cao: Khó nhưng phải quyết tâm làm

12-06-2017 - 08:28 AM | Xã hội

Người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát tài sản có khó khăn, nhạy cảm nhưng cần quyết tâm làm để giữ uy tín của Đảng với nhân dân.

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định số 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Số lượng cán bộ chịu tác động của quy định khoảng 1.000 người.

Về vấn đề này, chúng tôi phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

PV: Quan điểm của ông như thế nào về quy định mới này?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Tôi hoàn toàn tán thành và ủng hộ quy định mới của Đảng.

Đây là việc làm rất cần thiết, mục đích để quản lý cán bộ tốt hơn, đồng thời cũng đánh giá cán bộ có trung thực với Đảng, Nhà nước không; làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước

Tôi cũng đề nghị hàng năm khi một cán bộ vào giữ trọng trách trong Đảng, Nhà nước phải kê khai tài sản, hàng năm bổ sung những tài sản mới phát sinh và công khai theo quy định.

Bên cạnh đó, cần công khai tài sản của vợ, con của cán bộ, đảng viên. Bởi, có những khối tài sản chuyển dịch sang con cái, bố mẹ, anh em mà không làm rõ nguồn gốc thì làm sao mà xử lý được.

PV: Theo ông, quy định mới này có khắc phục được những bất cập trong việc giám sát kê khai tài sản vốn còn nhiều bất cập trong thực tế không?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Quy định mới này là bước đột phá hết sức quan trọng, có ý nghĩa. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt.

Không có gì tốt hơn bằng việc Đảng giới thiệu những cán bộ ra ứng cử thì phải có điều tra, kết luận tài sản của họ. Trên cơ sở đó mới đánh giá cán bộ có kê khai trung thực hay không.

Nếu không điều tra, không nắm được thì cán bộ chỉ tự nguyện kê khai theo mức lương công vụ mà những khoản thu nhập khác chúng ta không biết được.

Khía cạnh khác, cũng cần có biện pháp để quản lý tốt tài sản, thu nhập của cán bộ và tài sản đó phải công khai, minh bạch.

PV: Thưa ông, người dân rất trông đợi vào kết quả của công tác này, nhưng cũng có ý kiến lo ngại, với người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát sẽ khó khăn, nhạy cảm thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Lo ngại người có chức vụ càng cao thì quá trình kiểm tra, giám sát có khó khăn, nhạy cảm là có cơ sở, nhưng cần quyết tâm làm để giữ uy tín của Đảng đối với nhân dân.

Tôi cho rằng cần có biện pháp để quản lý tài sản của cán bộ cao cấp cho tốt và phải minh bạch. Như Tổng thống Mỹ khi trúng cử đã công khai ông có 3,5 tỷ USD.

Việc công khai như vậy vừa để khẳng định bản thân anh có trung thực, chân chính hay không. Do đó, người đứng đầu phải thực sự trong sạch, gương mẫu, tiên phong cho cấp dưới học tập.

Thực tế thời gian qua có những cán bộ khi còn công tác đã lợi dụng chức vụ để tham nhũng, nhưng họ vẫn bưng bít và cho rằng số tài sản đó là của vợ, con họ.

Việc kê khai tài sản trước, trong quá trình công tác hay khi về hưu đều phải chịu sự giám sát, nếu không công cuộc chống tham nhũng sẽ không thành công.

PV: Với diện kiểm tra, giám sát rộng như vậy, theo ông cần có kế hoạch như thế nào để đạt hiệu quả?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Được biết đây là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được giao nhiệm vụ sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để làm và không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có sự né tránh.

Theo tôi, khoảng 1000 cán bộ thuộc diện kiểm tra, giám sát không phải là con số nhỏ nên cần phải phân cấp để xử lý. Quan trọng nhất là phải tập trung vào những đối tượng có dấu hiệu liên quan đến những vụ việc, những bức xúc mà nhân dân phản ánh.

Tôi tin là những cơ quan được giao trách nhiệm sẽ có kế hoạch khoa học, cụ thể để chúng ta thực hiện vấn đề này một cách khách quan và có hiệu quả.

Khi phát hiện cán bộ kê khai không trung thực thì cần phải có biện pháp xử lý. Tất cả kết quả kiểm tra phải được công khai trong Đảng, trong nhân dân.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị lớn, cán bộ cao cấp thuộc diện quản lý thực sự tự giác thì vấn đề kiểm tra, giám sát kê khai tài sản sẽ đạt kết quả.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Đối với việc kiểm tra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương được quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ được kiểm tra.

Xác minh, kết luận về sự trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai, tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản.

Đối với việc giám sát, ngoài Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt cũng sẽ tham gia giám sát, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản được tiến hành với 3 trường hợp: Khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát; Trường hợp xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ và Khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Theo Kim Anh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên