MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm ùn tắc sân bay: Có nên lập Trung tâm điều hành vận chuyển khách?

Có nên thành lập một trung tâm điều hành thống nhất tất cả các loại hình vận chuyển khách, taxi, bus, xe dịch vụ,… tại các sân bay hay rơi vào điệp khúc đợi chờ… “thất thủ”?

Dự kiến cứ mỗi phút cần 40 taxi phục vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Vấn đề điều phối taxi và phương tiện phục vụ trong các dịp cao điểm ra sao?

Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch, nhưng theo anh Nguyễn Việt Hưng, tài xế lái taxi sân bay, năm nay tình hình giao thông ở các sảnh sân bay của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài không xuất hiện ùn tắc như năm ngoái, hiện tại mới đang bị ùn cục bộ vào một số khung giờ cao điểm ở nhà ga nội địa, còn khu vực nhà ga quốc tế vẫn khá thông thoáng.

Giảm ùn tắc sân bay: Có nên lập Trung tâm điều hành vận chuyển khách? - Ảnh 1.

Dự báo dịp Tết Nguyên đán 2023 mỗi ngày sẽ có 130.000 lượt khách qua sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Hà Khánh)


"Cổng mình trả khách hành khách đi vào thành phố Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm buổi sáng sớm bị ùn rất nhiều. Lực lượng điều phối giao thông ở sân bay quốc tế Nội Bài rất ổn, chỉ có điều nếu mà họ làm được như thu phí tự động tốt hơn thì sẽ không bị ùn tắc bây giờ, mất hơn mười mấy phút mới ra được", anh Hưng nói.

Để hạn chế tình trạng ùn tắc tại cảng hàng không vào dịp Tết Nguyên đán, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã tăng cường lực lượng an ninh điều tiết phương tiện, giải tỏa ách tắc giao thông; phối hợp với Đồn Công an sân bay bay quốc tế Nội Bài, Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện Sóc Sơn và Đội Cảnh sát giao thông số 15 tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên trục đường Võ Nguyên Giáp, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện dừng, đỗ sai quy định.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chia sẻ về kế hoạch nhằm hạn chế ùn tắc giao thông dịp lễ: "Cảng đã đưa vào khai thác bổ sung 02 làn thu phí để kịp đáp ứng phục vụ cao điểm, đảm bảo các phương tiện thoát ly nhanh; Trong các ngày cao điểm, Cảng thực hiện mở tất cả các cửa soát vé làn ra" .

Từ 5/1 đến 6/2/2023, dự kiến có khoảng 120.000 hành khách đi đến sân bay Tân Sơn Nhất mỗi ngày. Theo phương án khai thác dịp Tết, Cảng thực hiện việc điều phối luồng tuyến sảnh A, sảnh B; phân luồng hành khách tại ga đến quốc nội, tăng diện tích cho hành khách ngồi chờ….

Ngoài ra, Cảng cũng đã đề nghị các đơn vị vận tải tăng 20% số lượt vận chuyển so với hiện nay, đồng thời áp dụng thử nghiệm phương án lưu thông của xe Cobus trên đường công vụ.

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức phân tích, nguyên nhân khiến khu vực cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị ùn tắc mỗi dịp cao điểm là do phương án phân luồng cho taxi chưa thực sự hiệu quả.

"Hiện nay TP.HCM làm chưa khoa học. Như taxi truyền thống chẳng hạn, có 2 làn đi vào, mỗi hãng sẽ có một điểm khách đi lên. Người ta bố trí cả một dải 300 mét 250 m, tất cả các xe nằm bên tay phải đều được đón khách, còn bên trái để taxi đi, nhưng vô hình trung, taxi đi vào sau lại chen lên đằng trước và ngáng chân xe phía sau, giảm thiểu công suất của taxi vào đón khách", TS. Vũ Anh Tuấn phân tích.

Giảm ùn tắc sân bay: Có nên lập Trung tâm điều hành vận chuyển khách? - Ảnh 2.

Lượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất ngày càng tăng (Ảnh: Phi Long)

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Tuấn, cần có sự nghiên cứu, đánh giá lượng hành khách sử dụng taxi và hạ tầng hiện hữu, đưa ra những phương án để tối ưu hóa lượng xe taxi có thể đi vào đón khách.

Đơn cử, như tại Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu, tổ chức 2 làn taxi với khoảng 4-6 xe cùng được đón khách một lúc. Sau khi 6 xe di chuyển, các xe taxi tiếp theo mới được vào đón khách. Cách làm này giảm tối đa thời gian hành khách chờ đợi và tăng lượng taxi vào đón khách.

Ông Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, có thể tận dụng những không gian ngày thường đang bỏ trống làm nơi để trung chuyển, hỗ trợ lượng phương tiện tập trung đông tại các sảnh.

Tuy nhiên khâu hướng dẫn giao thông cần chú trọng, ông Tạo nhấn mạnh: "Công tác hướng dẫn giao thông, tổ chức giao thông và điều phối giao thông làm thế nào để cho nó êm thuận và hoạt động nhịp nhàng, gồm cả taxi và phương tiện cá nhân".

Theo ông Bùi Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, cần siết chặt trật tự xe ra vào sân bay, giảm lượng phương tiện cá nhân đưa đón người nhà đến sân bay. Đặc biệt, cần bố trí các vị trí dừng, đỗ phương tiện công cộng thuận tiện cho hành khách đi lại: "Hiện nay công cộng rất ít và chỗ đô ô tô buýt, xe taxi là xa lắm, người ta không thích thú gì với việc đi xe công cộng. Để phục vụ được, xe công cộng phải hoạt động đều được một chút và đỗ sát khu vực cửa ra ga hành khách".

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định và chế tài nghiêm ngặt đối với những trường hợp phương tiện dừng đỗ quá thời gian quy định. Sở Giao thông vận tải các địa phương, Ủy ban ATGT các địa phương và các Cảng hàng không cần sớm xây dựng phương án, kế hoạch về điều phối các phương tiện vận chuyển đưa, tiễn, đón khách để đảm bảo an toàn, tránh ùn tắc dịp cao điểm.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao vào dịp Lễ, Tết đã thành quy luật nhưng tình trạng ùn tắc giao thông tại một số cảng hàng không tại các đô thị lớn vẫn xảy ra.

Bởi vậy, việc chủ động tính toán nhu cầu về phương thức đi lại của hành khách đến cảng hàng không và ngược lại để có phương án bố trí, phân bổ các loại hình phương tiện là điều cần thiết, thay vì lặp lại bài toàn ùn tắc mỗi năm.

Việc Sở GTVT TP.HCM đưa ra được con số ước tính cứ mỗi phút cần 40 taxi phục vụ hành khách ở cảng Tân Sơn Nhất trong dịp cao điểm Tết năm nay, là tín hiệu cho thấy nhu cầu đi lại của người dân đã được tính toán khá kĩ, để lên phương án phục vụ.

Trước đó, một doanh nghiệp vận tải khách cũng từng đề xuất mở 17 tuyến buýt kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất tới 17 khu vực trong thành phố, với hàng trăm xe mỗi ngày, từ 16 chỗ đến 45 chỗ. Để ra được các con số này, chắc chắn, doanh nghiệp cũng đã có sự khảo sát, tính toán nhu cầu đi lại bằng buýt từ sân bay ra vào thành phố.

Tuy vậy, người dân có nhiều lựa chọn giao thông để đến và đi các sân bay. Một tỉ lệ không nhỏ sử dụng xe cá nhân, số khác gọi xe dịch vụ 2 bánh hoặc 4 bánh. Mỗi cảng hàng không lại có đặc điểm khác nhau. Do đó, ước lượng về con số taxi cần có mỗi phút, hoặc ước lượng số xe buýt cần tăng cường, có thể vẫn chênh nhiều so với thực tế.

Cảng hàng không Nội Bài từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đã liên tục phải đưa ra khuyến cáo hạn chế đón tiễn, hạn chế sử dụng xe cá nhân đến sân bay vào mỗi dịp cao điểm. Tuy vậy, trong điều kiện buýt sân bay tần suất chưa đủ dày, ô tô cá nhân thì ngày càng sẵn, cùng với đặc điểm văn hóa, tình cảm của người Việt, khiến cho việc đón tiễn bằng xe cá nhân vẫn phổ biến, và gần như nằm ngoài sự kiểm soát, điều tiết của cơ quan chức năng.

Điều này dẫn tới thực tế, là bước vào mỗi dịp cao điểm, mặc dù xe buýt được tăng cường, kế hoạch chống ùn tắc đã có, nhưng quá tải vẫn diễn ra, từ cảng hàng không đến các tuyến đường lân cận.

Vấn đề đang nằm ở chỗ, thiếu một kịch bản giao thông thống nhất để “chạy chương trình” chung cho toàn bộ cao điểm.

Trong kịch bản này, các phương thức vận chuyển cần được phân vai rất rõ ràng dựa trên năng lực đáp ứng của hạ tầng cảng cũng như giao thông phụ cận: Buýt sân bay phục vụ mấy phần? Taxi – xe công nghệ đảm nhận đến đâu? Xe cá nhân được phép hoạt động ở phạm vi nào?

Kịch bản này là căn cứ để thực hiện đặt hàng số lượng, tần suất đối với từng phương thức vận tải, nhất là giao thông công cộng, nhằm đảm bảo tính toán khớp nối cung-cầu thật nhuần nhuyễn, đồng thời giải tỏa khách nhanh nhất.

Muốn có được kịch bản điều hành, việc khảo sát nhu cầu của hành khách đi máy bay là bắt buộc, để biết được dự định phương án đi lại ở hai đầu chặng bay của họ. Công nghệ cho phép kết hợp khải sát từ khi đặt vé, và dễ dàng cập nhật liên tục trong quá trình phục vụ của doanh nghiệp hàng không, bao gồm cả thay đổi nhu cầu của khách cũng như biến động về lịch trình chuyến bay so với dự kiến.

Có cơ sở dữ liệu đầu vào này, đơn vị điều hành mới chủ động được phương án cho từng loại hình vận tải. Dữ liệu khảo sát cũng đưa ra những cảnh báo sớm về sự quá tải, nếu như một tỉ lệ lớn sử dụng xe cá nhân. Công tác điều hành khi đó sẽ áp dụng kịch bản hạn chế xe cá nhân theo khung giờ, theo khu vực.

Từ quá trình xây dựng kịch bản cho đến vận hành kịch bản và ứng phó với tình huống phát sinh thực tế, rất cần có một trung tâm điều hành thống nhất, với sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, nhất quán của ít nhất 3 bên: Sở GTVT địa phương, Cục hàng không và các hãng bay, trong đó ngành giao thông địa phương đóng vai trò nòng cốt.

Khi tất cả nhu cầu đi lại được quy về một mối để quản, thì sự bị động sẽ được giảm thiểu. Hạ tầng và phương tiện được tối ưu hóa, hành khách được phục vụ tốt nhất và cũng thể hiện được sự chia sẻ trách nhiệm với xã hội trong giải quyết các vấn đề chung, như quá tải giao thông dịp cao điểm.

Ý tưởng về trung tâm điều hành thống nhất giao thông ở cảng hàng không, có thể hơi trễ cho một năm khách tăng trưởng nhanh mà thời gian lại vội như năm nay. Song đó là điều cần cân nhắc nghiêm túc. Bởi khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, các dịp cao điểm sẽ xuất hiện nhiều hơn.

Nếu không chủ động và chuyên nghiệp hóa khâu phục vụ, thì các địa phương, các cảng hàng không sẽ lại rơi vào điệp khúc đợi chờ… “thất thủ”./.

Theo Hải Hà-Kiều Tuyết

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên