MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm VAT - “Chìa khóa” kích thích tiêu dùng nội địa 2024

Việc giảm thuế VAT được kỳ vọng tiếp tục kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã ký quyết định đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính để trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2024, bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nếu được Quốc hội thông qua, chính sách này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời là động lực để người tiêu dùng tăng chi tiêu, giúp duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh trụ cột xuất khẩu còn nhiều diễn biến khó lường.

Lên Hà Nội học đại học, mỗi tháng Kim Anh dành ra 2 triệu đồng để mua thực phẩm và đồ sinh hoạt cá nhân thiết yếu. Vì là khoản cố định, nên khi thuế giá trị gia tăng giảm, cũng giúp bạn tiết kiệm được một chút tiền nhỏ cho các sinh hoạt của mình.

"Mình thấy có thịt gà lúc nào cũng dao động 30.000 - 40.000, VAT giảm nên giỏ hàng của mình có thể mua thêm nhiều hoa quả hơn, hoặc tiết kiệm tiền đi ăn với bạn bè ở ngoài", Kim Anh chia sẻ.

Người tiêu dùng cũng cho biết, thuế giá trị gia tăng giảm cũng giúp họ xông xênh sử dụng các dịch vụ ăn uống, giải trí bên ngoài hơn.

Chị Nhung, quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: "Giảm nhiều mặt hàng khác như mua sắm, kích cầu ăn uống nên khiến gia đình mình mong muốn chi tiêu nhiều hơn và sử dụng dịch vụ tiện ích nhiều hơn".

Giảm VAT - “Chìa khóa” kích thích tiêu dùng nội địa 2024 - Ảnh 1.

Việc giảm thuế VAT được kỳ vọng tiếp tục kích thích tiêu dùng trong nước, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa.

Theo chia sẻ của Khách sạn Hà Nội Daewoo, trong 3 tháng thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, từ tháng 7 - 9 năm nay, lượng khách tới sử dụng dịch vụ đã tăng trưởng khá và tần suất khách quay trở lại cũng thường xuyên hơn.

Ông Sunny Ghaiee - Quyền Giám Đốc Điều Hành - Khách sạn Hà Nội Daewoo cho biết: "Với khách lẻ, mức giảm sẽ không thấy đáng kể, nhưng với nhóm khách 5 - 6 người thậm chí những tiệc 10 - 20 người, khách hàng của chúng tôi đã thấy ngay được số tiền giảm lớn như thế nào. Điều này cũng khiến tỷ lệ lấp đầy nhà hàng của chúng tôi tăng hơn, giá dịch vụ cạnh tranh hơn".

Theo tính toán của nhóm chuyên gia BIDV, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1% thì GDP có thể tăng thêm 0,2 điểm %, vì thế các chuyên gia cho rằng rất cần thiết để tiếp tục giảm VAT 8% trong 6 tháng đầu năm 2024.

"Thứ nhất sẽ kích cầu tiêu dùng ngay lập tức với người tiêu dùng; thứ hai sẽ tăng bán hàng của đơn vị bán lẻ, qua đó sẽ tăng nguồn thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh; thứ 3 sẽ làm giảm giá hàng hoá, góp phần giảm lạm phát một chút", ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân Hàng BIDV đánh giá.

Dự kiến việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 25.000 tỷ đồng. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng ngân sách nhà nước sẽ được bù đắp khi các doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng tăng sản xuất sản phẩm cung ứng thị trường.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan và địa phương tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Theo PV

VTV

Trở lên trên