Giãn cách ngồi ở nhà 'đổ' tiền vào chứng khoán
Chừng nào còn giãn cách xã hội và người dân còn ở nhà, thì dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán vẫn chưa giảm...
- 22-08-2021[Quy tắc đầu tư vàng] Làm cách nào để vượt qua một thị trường biến động phức tạp?
- 22-08-2021Nhóm quỹ ETF bị rút ròng gần 1.300 tỷ đồng trong tuần 16-20/8
- 22-08-2021Tiêu điểm xử phạt tuần qua: Thêm nhiều cá nhân bị UBCKNN phạt
Trong lúc hầu hết các mặt hàng không thiết yếu hạn chế mua bán, hoặc không thể ship, thì có một thứ vẫn mua bán cực kỳ sôi động hàng ngày, giãn cách càng không giảm nhiệt, đó là chứng khoán.
Đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 20/8, một phiên bùng nổ kỷ lục giao dịch với giá trị giao dịch vượt ngưỡng 45 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD trên hai sàn.
Điều thú vị là ngay trong thời điểm giãn cách xã hội, thị trường chứng khoán lại liên tục có những phiên giao dịch thu hút lượng tiền kỷ lục đổ vào, nhìn lại quãng thời gian vừa qua VN-Index cũng đã liên tục lập đỉnh mới.
Lý giải về nguyên nhân này, ông Tống Minh Tuấn, Chuyên gia phân tích chứng khoán, cho rằng, dòng tiền đóng vai trò chính khiến thị trường bất chấp, chứ không hẳn là sức khỏe hay triển vọng gì của doanh nghiệp.
Nói cách khác, khi người dân không biết tiêu tiền vào đâu, người ta sẽ ngồi ở nhà và chơi chứng khoán.
Ông Tuấn dự báo: “Chừng nào còn giãn cách xã hội và người dân còn phải ở nhà, thị trường vẫn chưa giảm. Nhưng khi gỡ bỏ giãn cách cũng là lúc dòng tiền rút dần khỏi chứng khoán, và thị trường sẽ bước vào chu kỳ giảm mạnh. Sau đó, thị trường sẽ cần một thời gian để hồi phục, có lẽ là câu chuyện của năm sau”.
Ông Tống Minh Tuấn. |
Cho đến khi đầu tàu kinh tế của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh hết giãn cách, nền kinh tế được xem như sẽ vận hành trở lại một cách bình thường. Các hoạt động của nền kinh tế được khôi phục, đi kèm với đó là sức cầu về tiền thanh toán cho những hoạt động này gia tăng trở lại.
Tuy nhiên, chuyên gia lĩnh vực chứng khoán Tống Minh Tuấn cũng cho rằng sức khỏe của nền kinh tế sẽ bị hao tổn khá nhiều sau thời gian giãn cách, sẽ có nhiều sự đứt gãy về thanh khoản khiến tổng tài sản và lượng tiền của các chủ thể kinh tế sẽ suy giảm sau đại dịch.
“Tổng lượng tiền của mỗi chủ thể giảm cùng với việc cần tiền để hoạt động trở lại chắc chắn sẽ khiến dòng tiền từ chứng khoán chảy qua, và đó là lúc thị trường chứng khoán sẽ bước vào chu kì giảm”, ông Tống Minh Tuấn nói.
Một lưu ý là thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã tăng khá nhiều trong suốt hơn một năm qua, trong khi nền kinh tế hiện giờ mới bắt đầu “ngấm đòn” vì dịch bệnh. Do vậy, diễn biến của thị trường được dự báo sẽ không mấy tích cực từ nay đến cuối năm.
Sự vênh nhau này khiến thị trường có rủi ro giảm điểm bất cứ lúc nào. Các nhà “cá mập” hiểu rất rõ điều này nên sẽ làm mọi cách bảo vệ thành quả. Theo ông Tuấn, đây là điểm các nhà đầu tư mới nên lưu ý và tập cho mình kĩ thuật lướt sóng.
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, từ 16-20/8, VN-Index giảm 27,62 điểm (2%) xuống 1.329,43 điểm. Tuy nhiên thanh khoản của thị trường tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 18,7% lên 141.420 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 14,2% lên 4,219 tỷ cổ phiếu.
Đặc biệt là trong phiên cuối tuần 20/8, thanh khoản trên hai sàn đạt mức cao kỷ lục mới với 45,40 nghìn tỷ đồng trên hai sàn. Sàn HoSE cũng lập kỷ lục mới với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 tỷ cổ phiếu, cao vượt trội so với phiên liền trước cũng như mức bình quân 20 phiên (651,6 triệu đơn vị).
Việc tăng thêm thời gian giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, qua đó có thể khiến áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh trong những phiên đầu tuần tới. Công ty Chứng khoán Bảo Việt dự báo, VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.280-1.300 điểm trong ngắn hạn.
Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI về xu hướng thị trường tuần tới, VN-Index đã chuyển sang giảm với vùng hỗ trợ 1.320-1.300 điểm, trong khi đó vùng 1.350-1.354 điểm là vùng kháng cự cho các đợt hồi phục ngắn của chỉ số.
Infonet