MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giãn dân thành phố đi đâu để giảm kẹt xe?

16-03-2017 - 08:59 AM | Xã hội

Các chuyên gia cho rằng giải pháp “vun” và “giãn” dân sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông.

Ngày 15/3, Báo SGGP đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông “vun” và “giãn” dân” với sự tham gia của các chuyên gia về quy hoạch, giao thông.

PGS, TS Nguyễn Trọng Hòa, một trong những chuyên gia góp ý cho về việc “vun” và “giãn” cho biết, giải pháp này là nhằm tổ chức lại không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông. Ví dụ như ngay khi tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa chuẩn bị thực thì đây là cơ hội “vàng” để TP.HCM “vun” dân, chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển bền vững, chống ùn tắc giao thông.

Ông cho rằng, tại mỗi ga của tuyến metro, TP.HCM nên xây dựng một khu dân cư tập trung với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuyến metro sẽ là cầu nối, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực, cũng như đưa những người ở khu vực khác tới đây làm việc và học tập.

Kinh nghiệm phát triển đô thị ở nhiều TP trên thế giới cho thấy, đây là phương thức phát triển đô thị bền vững, bởi gắn kết trong đô thị là hệ thống vận tải hành khách công cộng.

Đường Xa Lộ Hà Nội thường xuyên kẹt xe khi nhiều người ồ ạt đổ về trung tâm làm việc mỗi buổi sáng.
Đường Xa Lộ Hà Nội thường xuyên kẹt xe khi nhiều người ồ ạt đổ về trung tâm làm việc mỗi buổi sáng.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, TP.HCM không giống bất cứ thành phố nào trên thế giới hiện nay. Cấu trúc không gian dàn trải, hệ thống giao thông không đồng bộ, không đủ lượng đường giao thông cần thiết.

Do đó KTS Võ Kim Cương cho rằng, tổ chức không gian để “vun” dân có hiệu quả kinh tế cao hơn giãn dân nhưng phải đảm bảo hạ tầng tại chỗ để “vun” và giao thông đối ngoại của chỗ “vun” với bên ngoài cũng phải bảo đảm. Nếu không, việc “vun” dân sẽ làm đô thị kẹt cứng.

Giãn dân không nên hiểu là tiếp tục phát triển dàn trải bằng các khu dân cư thấp tầng ra ngoại vi thành phố. Việc đưa dân ra ngoài mà không có công việc và dịch vụ đi kèm chỉ làm tăng nhu cầu giao thông và tăng nguy cơ ùn tắc mà thôi.

“Giãn” dân nên hiểu là một quá trình “vun” dân vào những nơi có điều kiện giao thông đối nội và đối ngoại tốt nhất. Đây chính là định hướng phát triển đô thị đa trung tâm theo quy hoạch chung của thành phố. Mỗi một trung tâm là một khu ở hoàn chỉnh về hạ tầng xã hội và được nối kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng khối lớn và các trục đường chính đô thị.

Theo KTS Võ Kim Cương, đối với các khu đô thị cũ không đủ tiêu chuẩn về hạ tầng đô thị, cần có kế hoạch từng bước cải tạo, nâng cấp và theo đúng nguyên tắc hạ tầng đi trước. Khi chưa có điều kiện cải tạo hệ thống hạ tầng thì tuyệt đối không “vun” dân vào các khu vực đó.

Theo PHong Sương

Báo Giao Thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên