Gian khó phát triển công nghiệp
Tại một doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Bắc Ninh - Ảnh: THANH HƯƠNG
Sau tuyến bài của Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp và địa phương chia sẻ thêm về nỗ lực cũng như vướng mắc để thúc đẩy công nghiệp vươn lên. Vẫn còn không ít vấn đề chờ giải quyết.
- 08-08-2022Dự kiến đầu tư 2.000 tỷ đồng để làm nhà ga thứ 2 ở sân bay Thọ Xuân
- 08-08-2022Lợi nhuận ngành hàng không: Kẻ cười, người khóc
- 08-08-2022Chính sách tiền lương khi tinh giản biên chế được thực hiện thế nào?
Việc hình thành nên các cụm công nghiệp tạo sự đột phá, thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, mạnh dạn đổ vốn sản xuất là cần thiết.
Bắt tay cải thiện chất lượng
Bắc Ninh trở thành địa chỉ "đỏ" trong thu hút đầu tư vốn FDI khi ghi dấu bằng việc chiếm tới trên 9 tỉ USD vốn đầu tư của Samsung. Mặc dù FDI đóng góp lớn cho ngân sách và tạo nhiều việc làm, nhưng tỉnh này cũng đang đứng trước bài toán nâng cao tính tự chủ của nền công nghiệp địa phương.
Giữa năm 2021, khi cả nước đang căng mình chống dịch COVID-19, hai chuyên gia tư vấn cải tiến của Samsung vẫn đều đặn làm việc toàn thời gian tại 2 doanh nghiệp được lựa chọn tư vấn cải tiến là Công ty CP Hanpo Vina và Công ty sản xuất và kinh doanh Thịnh Vượng. Nội dung cải tiến được tập trung ở quản lý sản xuất, chất lượng, nâng cao năng suất đúc, xây dựng hệ thống giám sát...
Ông Tô Ngọc Phương, giám đốc Công ty Hanpo Vina, cho hay sau khi kết thúc cải tiến, tỉ lệ sản phẩm lỗi từ 7,6% xuống còn 3,6%, việc quản lý chi phí do lỗi sản phẩm cũng giảm 3%...
Tương tự, ông Đàm Việt Hùng - chủ tịch Công ty Thịnh Vượng - cho hay cải tiến đã mang tới những thay đổi cơ bản trong phương pháp tổ chức sản xuất và kiểm soát chất lượng khi năng suất tăng tới 20%, chất lượng cải thiện với tỉ lệ lỗi giảm từ 7,5% xuống còn 0,13%, giảm 50% lỗi trên các công đoạn...
Từ kết quả đạt được trên, năm 2022 Sở Công thương Bắc Ninh đã phối hợp với Samsung triển khai chuyên sâu theo dự án "nhà máy thông minh" tại 7 doanh nghiệp và chương trình đã mang lại kết quả tích cực ban đầu.
Còn tại Hải Phòng, với những lợi thế về hạ tầng, logistics, TP này nhiều thời điểm giành được ngôi quán quân trong thu hút FDI với sự góp mặt các "ông lớn" như LG, Bridgestone... Thế nhưng, sự phát triển èo uột của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang đặt ra thách thức.
Công ty TNHH Nichias Hải Phòng (nhà đầu tư Nhật Bản) nằm trong Khu công nghiệp Nomura chuyên sản xuất các sản phẩm như gioăng đệm, bộ lọc khí, nhựa... cho các thiết bị lọc không khí để xuất khẩu. Thế nhưng, có đến 80% nguồn cung nguyên vật liệu là nhập khẩu.
Ông Masashi Kawasaki, tổng giám đốc Nichias, cho hay dù đã cố gắng tìm kiếm những nhà cung ứng Việt Nam cho những nguyên vật liệu cơ bản là hóa chất, màng lọc công nghệ cao... nhưng như "mò kim đáy bể". Theo ông, doanh nghiệp này đã tìm được 4 nhà cung ứng nội địa và mất khá nhiều thời gian để tư vấn, hỗ trợ để sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của tập đoàn mẹ tại Nhật Bản đặt ra.
Tuy vậy, vị này cho rằng chất lượng vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt. Ông dẫn chứng mặc dù các sản phẩm khung thép đã được Nichias thiết kế rất chi tiết, dựa trên bản vẽ để doanh nghiệp Việt sản xuất nhưng ông "không hiểu lý do tại sao" mà khi sản phẩm nhận lại vẫn có "sai số" so với bản vẽ, nên Nichias phải mất tới gần 2 năm để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chấp nhận hàng bị trả đi trả lại rất nhiều. "Điều đáng mừng là doanh nghiệp Việt tiến bộ từng ngày. Đến nay, doanh nghiệp Việt đã có thể thay thế được nhà cung ứng Nhật Bản và cơ bản không còn hàng lỗi" - ông Masashi Kawasaki nói.
Chính sách có nhưng không hỗ trợ được
Ông Trần Ngọc Thực, giám đốc Sở Công thương Bắc Ninh, cho rằng cùng với việc thu hút FDI thì Bắc Ninh xác định mục tiêu cụ thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, địa phương đẩy mạnh liên kết chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp lắp ráp, thúc đẩy liên kết với các tỉnh có lợi thế phát triển công nghiệp.
Tuy vậy, theo ông Thực, có những khó khăn nhất định. Đơn cử như việc thực hiện các ưu đãi, hỗ trợ trong chương trình phát triển công nghiệp chưa cụ thể. Đến nay chưa thực hiện ưu đãi về tiền thuê đất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuê đất từ chủ đầu tư hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp do thiếu quy định cụ thể.
Ông Thực cũng cho hay các doanh nghiệp hoạt động nhỏ lẻ, thiếu thông tin về thị trường. Vì vậy, trọng tâm của Bắc Ninh trong thời gian tới là xây dựng cơ sở dữ liệu tổng thể về công nghiệp và doanh nghiệp, đẩy nhanh phát triển các cụm công nghiệp. Đặc biệt sẽ triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, nhân rộng các mô hình tư vấn, cải tiến, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh.
Thực tế rà soát năng lực của doanh nghiệp địa phương, ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hải Phòng - cho biết còn rất yếu, quy mô nhỏ và manh mún.
"Cần trao thêm cơ chế cho các cơ quan quản lý công nghiệp ở địa phương để trước hết chúng tôi có thể nắm bắt được thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp, làm nền tảng cho quản lý, từ đó có cơ chế chính sách hỗ trợ cho phù hợp. Muốn tạo ra công nghiệp hỗ trợ thì phải có doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt rồi mới xúc tiến, mời gọi. Doanh nghiệp lớn họ phải tìm đối tác, địa phương phối hợp về đất đai, cơ chế, chính sách để doanh nghiệp phát triển..." - ông Quyền nói.
Công nghiệp hỗ trợ phía Nam sôi động
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đoàn Võ Khang Duy, phó chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM (giám đốc Công ty CP Công nghiệp Ameco), cho biết nếu như trước đây các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ phía Nam chưa phát triển về số lượng và chất lượng nhưng 5 năm trở lại đã có sự thay đổi tốt, hình thành các cụm phát triển ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.
Bản thân ông Duy cũng "rất ngạc nhiên" vì có những doanh nghiệp làm xuất sắc và đầu tư mạnh mẽ. Họ chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng lên thương mại điện tử trong khi các đối tác cũng tìm đến các nhà sản xuất Việt. Ông Duy cho hay kể cả khi các đối tác muốn theo dõi tiến độ đơn hàng thì có nhà máy sẵn sàng lắp camera phát trực tiếp để đối tác ở bất kỳ đâu vẫn xem được nên sự kết nối rất tốt.
Tuy vậy, ông Duy cho rằng các doanh nghiệp Việt cần cải thiện chất lượng, kỹ thuật và cần sự trợ lực về vốn để cải tiến công nghệ, tham gia mạnh hơn vào các chuỗi cung ứng.
"Gần như không có gì"
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - phó trưởng phòng phụ trách Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công thương Hải Phòng - cũng nhìn nhận mặc dù thu hút rất tốt FDI nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ của TP rất yếu và "gần như không có gì".
Đến nay, với việc đầu tư của những tập đoàn lớn như LG và VinFast, Hải Phòng đặt ra định hướng phát triển công nghiệp phụ trợ tập trung cho một số lĩnh vực sản xuất bao gồm linh kiện điện tử, linh kiện ôtô, cơ khí, chế tạo gắn với các ngành công nghiệp truyền thống... song cũng mới chỉ dừng lại ở chương trình khung, chưa có cơ chế chính sách cụ thể.
Thị trường còn rộng lớn cho doanh nghiệp Việt
Tại một doanh nghiệp đã vào chuỗi và là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung - Ảnh: N.AN
Tại Công ty TNHH dầu nhờn Idemitsu Việt Nam, các sản phẩm dầu nhờn được sản xuất chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa, nên việc tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước luôn được chú trọng. Trong đó, chiếc vỏ bao bì nhựa được Idemitsu ưu tiên lựa chọn từ các nhà cung ứng sản xuất vỏ nhựa của Việt Nam. Tuy vậy, ông Đỗ Văn Giang, phó giám đốc chuỗi cung ứng và quản lý chất lượng của Idemitsu, cho hay dù là vỏ nhựa nhưng đây là sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế nên yêu cầu rất cao ngay cả với vỏ bao bì, đến nay Idemitsu cũng mới tìm được một nhà cung ứng nội địa, đáp ứng cho khoảng 50% nhu cầu bao bì.
Theo các chuyên gia, tỉ lệ trên khá phổ biến, có nghĩa thị phần còn khá lớn cho doanh nghiệp Việt. Vấn đề là các bên liên quan tổ chức, thúc đẩy để doanh nghiệp Việt tham gia được vào chuỗi.
Tuổi trẻ