Gian lận thi cử ở Hòa Bình không phải do Bộ GD-ĐT phát hiện ra
Theo Đại tá Phạm Hồng Tuyến, Giám đốc Công an Hòa Bình, vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình được phát hiện thông qua lá thư nặc danh tố một số học sinh kém nhưng điểm cao...
- 06-08-2018Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Chuyện về hai cán bộ bị bắt
- 03-08-2018Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Khởi tố, bắt 2 cán bộ
- 24-07-2018Trưởng phòng khảo thí gian lận điểm thi vừa bị bắt ở Hà Giang là ai?
- 20-07-2018Từ vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang: Cần chấm lại theo xác suất ở các địa phương
- 20-07-2018Gian lận điểm thi: Hòa Bình, Bạc Liêu cũng bất thường
Thủ đoạn sửa điểm tinh vi và nguy hiểm
Liên quan đến vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT 2018 xảy ra tại tỉnh Hòa Bình, chiều 5/8, nhóm phóng viên VOV.VN đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Hồng Tuyến (Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình).
Đại tá Phạm Hồng Tuyến -Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình |
Đại tá Tuyến cho rằng, hiện vụ việc đang được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chủ trì chỉ đạo phối hợp điều tra cùng Công an tỉnh Hòa Bình. Đến nay, cơ quan chức năng xác định được 2 người có liên quan đến vụ án và đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can.
Theo Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, trong vụ án gian lận điểm thi ở kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình vừa qua, bước đầu xác định một số cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã can thiệp vào kết quả thi. Đây được xem là một trong những thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm, dẫn đến việc gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với kết quả thi của một số học sinh.
Trong hoàn cảnh này, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình mong các phụ huynh và học sinh yên tâm chờ đợi kết quả điều tra. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã và đang có phương án khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện vừa qua để hướng tới đảm bảo công bằng cho các em học sinh.
Quá trình điều tra, Cơ quan công an đã cố gắng làm khách quan nhất và những trường hợp nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Bước đầu xác định, quá trình chấm thi THPT Quốc gia 2018 một số đối tượng đã lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào kết quả bài thi.
Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tích cực làm việc để làm rõ thủ đoạn, phương pháp hoạt động các đối tượng sử dụng để can thiệp vào kết quả bài thi THPT Quốc gia 2018.
Về vấn đề này, Cơ quan công an sẽ nhanh chóng làm rõ và ra bản kết luận điều tra vào thời gian tới.
Gian lận thi cử không phải do Bộ GD-ĐT và Tỉnh phát hiện
Về nguồn gốc phát hiện sự việc, Đại tá Tuyến cho biết, vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 được phát hiện thông qua lá thư nặc danh nói về việc một số học sinh học kém mà điểm thi cao.
Công an khám căn nhà ông Nguyễn Khắc Tuấn thuê tại số 9 (tổ 21, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). |
Đại tá Công an lý giải, ban đầu, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình nhận được một lá đơn liên quan đến kết quả thi. Lúc này, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nội vụ, ngành Công an, Giáo dục. Trong cuộc họp tại văn phòng UBND, Chủ tịch tỉnh đã chỉ đạo bàn giao sự việc cho Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình phối hợp đơn vị nghiệp vụ rà soát kỹ, làm rõ các vấn đề liên quan. Từ đây, những dấu hiệu sai phạm trong việc can thiệp điểm bài thi dần lộ ra và những người liên quan được triệu tập lên làm việc.
Sau khi củng cố tài liệu, sáng 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận hồ sơ và chỉ đạo Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Chiều cùng ngày, Cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với 2 bị can Đỗ Mạnh Tuấn (39 tuổi, Phó hiệu trưởng Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Nguyễn Khắc Tuấn (37 tuổi, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý Chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT tỉnh Hoà Bình) về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự. Đồng thời, Cơ quan An ninh và Viện Kiểm sát đã có mặt tại một ngôi nhà ông Nguyễn Khắc Tuấn thuê ở tổ 21 (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình)
Trước đó, theo phân tích dữ liệu điểm thi của Bộ GD&ĐT cho thấy, số thí sinh đạt điểm Toán từ 9 trở lên của tỉnh Hòa Bình là 27 em, chiếm 4,8% cả nước dù số thí sinh chỉ chiếm chưa đến 1%.
Năm 2018, số lượng bài thi Toán đạt từ 9 trở lên ở Hòa Bình gần tương đương TP. HCM (thí sinh ở TP. HCM nhiều gấp 10 lần Hòa Bình) và gấp đôi Nam Định - tỉnh có số thí sinh dự thi môn Toán gấp đôi Hòa Bình.
Tỷ lệ bài thi Toán đạt từ 9 trở lên tại Hòa Bình đạt 0,3%, gấp mức chung của cả nước 5 lần, gấp Hà Nội 3 lần và TP.HCM 7,5 lần. Hòa Bình đứng thứ hai cả nước, sau Hà Giang (trước khi điều chỉnh điểm), vượt Sơn La - tỉnh cũng có điểm thi bị can thiệp.
Sau khi nhận thông tin về vụ việc, tối 2/8, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT) trao đổi với báo chí, ngày 24/7, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ Công an, đề nghị điều tra làm rõ những bất thường về điểm thi ở tỉnh này. Điều tra bước đầu xác nhận có sự can thiệp vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh để làm tăng điểm số.
VOV