MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gian lận thi cử ở Sơn La: Luật sư đề nghị xem xét khởi tố Giám đốc Sở GD-ĐT 'gửi gắm' 8 thí sinh

26-05-2019 - 10:30 AM | Xã hội

Luật sư cho rằng cần phải xem xét khởi tố ngay Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra dấu hiệu nhận hối lộ khi “gợi ý” cấp dưới nâng điểm cho 8 thí sinh.

Liên quan đến vụ án gian lận thi cử ở Sơn La , theo cơ quan điều tra, bị can Trần Xuân Yến (khi bị bắt là Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La) khai trong số 13 thí sinh ông này nhận nâng điểm, có 8 trường hợp do chính Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức "nhờ vả".

Bình luận về thông tin này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, cần thiết phải xem xét khởi tố Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra.

“Cần phải xem xét điều tra, khởi tố ngay đối với Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra có hay không hành vi nhận hối lộ để thực hiện việc chỉ đạo nâng điểm cho 8 trường hợp.

Vụ việc này gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục và các trường danh giá, làm ảnh hưởng đến tương lai cuộc đời của các cháu nhỏ.

Nếu những bị can này lại nhận một số tiền rất lớn nên mới chấp nhận đánh đổi để thực hiện thì cần phải xử lý nghiêm minh những người đưa, nhận và môi giới hối lộ”, luật sư Bình nói.

Gian lận thi cử ở Sơn La: Luật sư đề nghị xem xét khởi tố Giám đốc Sở GD-ĐT gửi gắm 8 thí sinh - Ảnh 1.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến bị bắt do liên quan đến vụ gian lận thi cử gây chấn động dư luận cả nước.

Ngoài ra, luật sư Bình cho rằng, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điểm a, Khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự là chưa hợp lý.


photo-1

Cần phải xem xét điều tra, khởi tố ngay đối với Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La để điều tra có hay không hành vi nhận hối lộ để thực hiện việc chỉ đạo nâng điểm cho 8 trường hợp.

Luật sư Diệp Năng Bình

“Theo tôi, việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La chuyển hồ sơ sang Viện KSND tỉnh đề nghị truy tố 8 bị can về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là chưa đúng bản chất của vụ việc, chưa đúng với việc định tội danh.

Việc định tội danh này theo Điều 356 là rất có lợi cho các bị can bởi khung hình phạt cho tội danh này chỉ ở mức từ 5 năm đến 10 năm tù, do vậy không đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa chung.

Nếu chứng minh được thì ở đây phải đề nghị truy tố các bị cáo và những người đưa tiền tội danh "đưa và nhận hối lộ" theo Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình khi của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên”, luật sư Bình cho hay.

Theo luật sư Diệp Năng Bình, các hành vi của bị cáo có đầy đủ yếu tố để cấu thành tội danh "đưa và nhận hối lộ". Ở đây không phải ngẫu nhiên mà các thí sính được nâng điểm mà có sự chuẩn bị và nhận tiền để thực hiện hành vi.

“Giá của mỗi trường hợp nâng điểm trung bình là 1 tỷ đồng nên nó không còn là việc lợi dụng chức vụ quyền hạn nữa. Do đó cần phải thay đổi tội danh thì mới đúng tội”, luật sư Bình nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với luật sư Diệp Năng Bình, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ án thể hiện rất rõ dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ.

Liên quan đến thông tin các bị cáo khai "chi phí" để giúp rút bài, sửa nâng điểm trung bình mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng, luật sư Cường cho rằng phải làm rõ ai là người đưa số tiền đó, đưa cho ai và với mục đích gì.

Video: 'Điểm danh' nhiều lãnh đạo Sơn La có con được nâng điểm

Luật sư Đăng Văn Cường phân tích 3 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, người đưa tiền đưa trực tiếp cho người có chức vụ quyền hạn để sửa điểm thì người đưa đó phạm tội đưa hối lộ, còn người nhận tiền có chức vụ quyền hạn để sửa là người nhận hối lộ. Trường hợp này phải khởi tố về tội "đưa và nhận hối lộ", với mức phạt cao nhất có thể lên đến tử hình.

Trường hợp thứ 2, người đưa tiền không đưa cho người có chức vụ quyền hạn mà đưa cho bên trung gian để nhờ can thiệp. Trường hợp này người trung gian sẽ bị xử lý về tội "môi giới hối lộ".

Trường hợp thứ 3, nếu người đưa tiền đưa cho người có chức vụ quyền hạn nhưng người đó không phải là người trực tiếp sửa điểm, không phải là người có chức vụ liên quan đến việc sửa điểm thì người nhận đó sẽ bị xử lý vì tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

“Về nguyên tắc, khi xác định có người nhận tiền và có người đưa tiền thì sẽ phải xem xét tội "đưa và nhận hối lộ". Trong trường hợp chưa xử lý ngay thì buộc phải tách, rút tài liệu để xử ý sau.

Cơ quan tố tụng bắt buộc phải có kết luận động cơ mục đích ở đây là gì. Nếu động cơ là đưa tiền thì tiền đấy là ai đưa, đưa cho ai và phải có kết luận xử lý thế nào đối với việc đưa tiền này”, luật sư Cường cho hay.

Theo Xuân Trường

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên