MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gian lận thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly

02-08-2018 - 15:43 PM | Xã hội

Những gian lận thi cử như ở Hà Giang, Sơn La làm mất công bằng trong xã hội, về lâu dài sẽ gây những hệ luỵ không nhỏ.

Gian lận, tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không phải là vụ việc bộc phát đầu tiên của ngành giáo dục, mà những gian lận tiêu cực trong thi cử đã xảy ra nhiều năm qua.

Có thể kể đến vụ thỏa thuận “nâng” điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2011, môn Ngữ văn của 11 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long; vụ gian lận thi cử ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 và những tiêu cực trong quá trình dạy và học như nâng điểm cho học sinh, làm đẹp học bạ...

Gian lận thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Hồng Nga, SN 1967, chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Sơn La, thư ký Ban chỉ đạo, ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm.

Mỗi vụ việc gian lận, tiêu cực trong giáo dục khi bị phanh phui đều khiến xã lội lắng vì đây chính là ngành truyền dạy tri thức, đạo đức, nhân cách sống cho thế hệ trẻ, những nhân lực tương lai của đất nước.

“Đây là việc không ai mong muốn, tuy nhiên nó là một tai nạn khủng khiếp của ngành giáo dục từ xưa đến nay, một việc làm chấn động trong cả nước. Việc làm này không những ảnh hưởng cho các em đã thi, mà còn ảnh hưởng đến những em học và thi trong những năm tới. Nếu việc này không được làm chặt chẽ thì những em này vào đại học, ra ngoài xã hội đi làm có thể để lại những tiêu cực ghê gớm hơn cho xã hội”- Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói.

Với hầu hết các nước, những vụ việc tiêu cực, gian lận trong thi cử sẽ kéo theo những hệ lụy không tốt cho xã hội bởi đây là lĩnh vực chuẩn bị nhân lực trong tương lai. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, bất kỳ kẽ hở nào trong quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách... đều dễ làm nảy sinh những tiêu cực, cộng với “bệnh thành tích” trong xã hội đã khuyến khích cho việc gian lận một cách có hệ thống trong ngành giáo dục.

Những gian lận, tiêu cực trong thi cử kéo dài trong thời gian qua, mà đỉnh điểm là vụ gian lận trong chấm thi THPT quốc gia năm 2018 đã khiến niềm tin của xã hội và học sinh đối với giáo dục bị giảm sút nghiêm trọng. Tuy nhiên, như phân tích của nhiều chuyên gia giáo dục “trong cái rủi có cái may” cũng chính từ sự việc đau xót này để kiên quyết xử lý, cắt bỏ những “ung nhọt” vẫn âm ỉ bấy lâu để lành mạnh hóa giáo dục.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc cấy điểm vào điểm thi, cấy điểm vào học bạ đã làm từ lâu. Sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La vừa qua giống như giọt nước tràn ly.

“Trong khi chúng ta thấy ngành nào cũng đang có những tiêu cực thì người ta hi vọng rằng giáo dục là môi trường đạo đức. Người ta muốn lĩnh vực giáo dục trong sáng hơn thì cũng lại giống những ngành khác, đầy tiêu cực, do đó người ta không chấp nhận được. Nếu trẻ con có sai phạm thì phải giáo dục, răn đe, nhưng đối với người lớn thì phải có xử lý thích đáng, không nên để người lớn nhảy vào làm rồi loạn giáo dục lên”- GS Phạm Tất Dong cho biết.

Gian lận thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La chỉ là giọt nước tràn ly - Ảnh 2.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, sự việc gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La vừa qua giống như giọt nước tràn ly.

Một số chuyên gia nhận định, tiêu cực ở lĩnh vực nào cũng nguy hiểm, nhưng tiêu cực trong giáo dục thì gây ảnh hưởng nặng nề hơn vì tác động đến tâm lý, sự phát triển nhân cách của cả một thế hệ. Các vụ việc tiêu cực vừa qua đã ảnh hưởng đến tâm lý của thế hệ trẻ khi cho rằng thi cử bây giờ không phải là việc của học sinh nữa mà có sự can dự của người lớn.


Khi các em đã mất niềm tin vào giáo dục, vào sự công bằng trong xã hội nói chung thì sẽ khó đào tạo được một thế hệ trẻ có đủ năng lực, có đạo đức, có nhiệt huyết phấn đấu trở thành những người công dân tốt để xây dựng và phát triển của đất nước.

“Chúng ta hình dung một đứa trẻ các cấp học đều được bố mẹ đỡ đần, đều gian lận để đạt thành tích này, kia, ra trường chúng ta cũng căn cứ vào những điểm giỏi ấy, những sai sót đó thì chắc chắn đó không phải người có năng lực. Và người đã không có năng lực mà lại chiếm những vị trí trong công quyền của chúng ta thì làm sao sáng tạo, làm sao mà làm tốt được, lại tiếp tục sai lầm tiếp lại dùng quan hệ, dùng tiền. Đất nước của chúng ta nếu không phát triển bằng tài năng của mỗi con người mà chỉ bằng quan hệ và tiền tệ thì chắc chắn chúng ta không thể phát triển”- Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội nêu ý kiến.

Những tiêu cực, gian lận trong thi cử đã và đang xảy ra với những vụ việc được đánh giá là rất nghiêm trọng, đòi hỏi ngành giáo dục cần có biện pháp để ngăn chặn, chấm dứt các vụ việc tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới. Với các đối tượng vi phạm cũng cần xử phạt thật nghiêm minh theo đúng quy chế thi và các quy định của pháp luật hiện hành để trả lại sự công bằng cho các thí sinh và tạo được niềm tin của học sinh, phụ huynh với giáo dục trước năm học mới./.


Theo Minh Hường

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên