Gian nan xuất nông sản chính ngạch sang Trung Quốc
Doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn.
- 02-10-2018Thị trường ngày 2/10: Giá dầu tăng vọt qua 85 USD/thùng, các nông sản cũng tăng giá mạnh
- 10-09-2018Tràn lan nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt: Trách nhiệm của ai?
- 08-09-2018Đà Lạt công khai 17 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc
“Chúng ta nói rất nhiều về việc cần xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc (TQ) để có giá trị tăng cao, đảm bảo thanh toán, giảm rủi ro. Nhưng TQ hiện chỉ cho phép cho một số mặt hàng nông sản chính ngạch, còn các mặt hàng khác buộc phải đi đường tiểu ngạch. Vậy thì chúng tôi xuất khẩu như thế nào?”. Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty Việt Á, đặt vấn đề như trên tại hội nghị bàn về cách tiếp cận thị trường TQ vừa diễn ra.
Nhiều ý kiến khác cũng cho hay khoảng 60% hàng hóa nông sản Việt Nam (VN) đi qua con đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng. Vì vậy, cộng đồng DN muốn xuất khẩu chính ngạch sang TQ nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được cấp phép, buộc họ phải bán qua con đường tiểu ngạch.
Không muốn làm thương lái
Đến nay chỉ có tám loại trái cây gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm của VN được xuất khẩu chính ngạch sang TQ. Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP.HCM), cho biết với một thị trường sát vách nước ta như TQ mà VN chỉ đàm phán được tám loại nông sản xuất chính ngạch sang nước này là quá ít.
Chính vì vậy, khi DN muốn xuất những loại nông sản có nhiều thế mạnh của VN như bơ, sầu riêng, dừa, khoai lang… qua con đường chính ngạch đều không thể được.
“Chúng tôi không muốn bán trái cây sang TQ kiểu thương lái theo con đường tiểu ngạch nhiều may rủi. Chúng tôi muốn đường đường chính chính xuất khẩu trái cây, nông sản chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu , hợp đồng, thanh toán đảm bảo nhưng lại không được xuất chính ngạch” - ông Chất than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho hay hiện công ty đang xuất khẩu chính ngạch thanh long, nhãn, vải, chôm chôm sang TQ. Trong khi những mặt hàng trái cây khác như bưởi vẫn chưa xuất khẩu được chính ngạch nên buộc phải bán qua con đường tiểu ngạch dù không muốn.
Nhiều loại trái cây VN muốn xuất khẩu chính ngạch sang TQ nhưng chưa được cấp phép. Ảnh: QUANG HUY
Theo ông Tùng, xuất khẩu tiểu ngạch nhiều bất lợi cho cả DN lẫn nông dân VN. Ví dụ quả bưởi da xanh phải bán tiểu ngạch giá thấp. Chưa kể vận chuyển tiểu ngạch tốn nhiều chi phí vì phải thuê từng xe tải, rủi ro trong thanh toán nếu phía thương lái TQ xù hàng. Thậm chí khi phía thương lái TQ đột ngột dừng nhập tiểu ngạch, mua ít lại là nông sản VN lại chất đống ở biên giới, rơi vào cảnh được mùa mất giá và phải giải cứu.
Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán kinh tế thương mại Tổng lãnh sự quán TQ tại TP.HCM, cũng cho rằng các DN nhỏ và siêu nhỏ thường áp dụng con đường tiểu ngạch. Các thương lái TQ khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Trong khi mua bán tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Mặt khác, hiện TQ rất quan trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản.
Cần học Thái Lan
Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood Đỗ Ngọc Chất phân tích: Lâu nay nông sản VN quen cách buôn bán tiểu ngạch với thương lái TQ, hàng nào cũng có thể bán, không quan trọng mẫu mã, chất lượng ra sao. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng ỷ y, không đàm phán xuất khẩu chính ngạch . Đến khi TQ siết chặt biên mậu, truy xuất nguồn gốc thì muốn xuất khẩu chính ngạch, nhiều loại nông sản gặp khó vì chưa được cấp phép.
Theo Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả TQ-ASEAN, sản lượng nhập khẩu hoa quả của TQ mỗi năm là hơn 4 triệu tấn, tương đương khoảng 100 tỉ nhân dân tệ. Con đường nhập khẩu hoa quả chính ngạch là 80% sản lượng và chỉ có khoảng 20% là nhập qua đường biên mậu (tiểu ngạch). |
Trong khi đó Thái Lan đang làm rất tốt việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản, nhất là trái cây sang TQ mà VN cần học hỏi. Theo đó, mỗi năm Thái Lan đàm phán thành công một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang TQ. Tính đến nay đã có tới 40 loại trái cây Thái Lan xuất vào thị trường rộng lớn này, tức gấp năm lần VN.
“Campuchia dù đi sau VN nhưng cũng đã kịp đàm phán thành công sáu loại trái cây xuất khẩu qua con đường chính ngạch với TQ. Hiện nay nhiều loại trái cây VN như bưởi, vú sữa… có vùng nguyên liệu lớn, trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P., làm tốt kiểm dịch và xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật… Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh đàm phán xúc tiến với các cơ quan chức năng của TQ để họ cấp phép chính ngạch thêm nhiều loại trái cây nữa cho nước ta” - ông Chất góp ý.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay đang tập trung tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật, mở thêm cửa thị trường cho trái cây tươi VN. Riêng thị trường TQ, VN hiện đang đàm phán để mở cửa chính ngạch các loại trái chanh, dừa, măng cụt, mận, bưởi, chanh dây, mãng cầu ta... Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS thuộc Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cũng thừa nhận nhiều nông sản của nước ta chưa thể xuất khẩu chính ngạch vì liên quan đến các vấn đề như đàm phán của chính phủ hai nước về thủ tục, kiểm dịch… “Tới đây, các mặt hàng như bưởi da xanh, khoai lang sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang TQ” - ông Hòa thông tin.
Bỏ kiểu "ăn xổi ở thì"
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho rằng VN cần xác định TQ là thị trường tiềm năng truyền thống nhưng không còn là thị trường dễ tính. Hai chính phủ đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần sang chính ngạch, hạn chế tiểu ngạch và đang từng bước đàm phán tháo gỡ các rào cản nên nông dân, DN cần tìm hiểu và sản xuất theo yêu cầu mới của thị trường.
Hiện nay nhiều mặt hàng như gạo, thủy sản VN để được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang TQ phải thực hiện kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; vùng nguyên liệu phải đảm bảo đủ sản lượng xuất khẩu và trang thiết bị, máy móc, nhà xưởng đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Do đó, phía DN xuất khẩu đi TQ cũng phải xây dựng vùng trồng để kiểm soát tương tự như xuất khẩu đi Mỹ, Nhật… Nếu cứ làm ăn theo kiểu "ăn xổi ở thì", không đầu tư bài bản sẽ trở tay không kịp khi TQ siết chặt nhập khẩu" - TS Mai cảnh báo.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh