Giao dịch liên kết: Có thể nới mức khống chế chi phí lãi vay
Bộ Tài chính cho rằng, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30% với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Hiện chi phí lãi vay đang được khống chế ở mức 20%.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 407/TB-VPCP ngày 29/11/2019 của Văn phòng Chính phủ về sửa đổi Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi này.
Qua hai năm thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá Nghị định 20 đã phát huy được kết quả thiết thực nhưng cũng còn những hạn chế nhất định.
Nghị định 20 là văn bản pháp lý đầu tiên ở cấp Nghị định của Chính phủ về chống chuyển giá, quản lý thuế đối với giao dịch liên kết. Quy định này là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc “Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế ... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”.
Đồng thời, nội dung quy định tại Nghị định 20 là không trái với quy định pháp luật hiện hành, trong đó có Luật quản lý thuế và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Việt Nam đã tham gia Diễn đàn hành động đa phương chống xói mòn cơ sở thuế, chống chuyển lợi nhuận từ ngày 22/6/2017, vì vậy, việc ban hành Nghị định 20 không những tạo ra quy định pháp luật để quản lý chống chuyển giá mà còn là cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tham gia Diễn đàn này.
Qua hai năm thực hiện Nghị định 20, theo số liệu thống kê của cơ quan thuế năm 2017 có 11.196 đơn vị kê khai quan hệ liên kết; năm 2018 có 11.970 đơn vị, trong đó tỷ trọng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 64%, các doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 36%.
Trong số các doanh nghiệp kê khai quan hệ liên kết, có 6.604 đơn vị phát sinh giao dịch liên kết trong năm 2017 và 7.785 đơn vị có giao dịch liên kết năm 2018, với tốc độ tăng trưởng 18%, trong đó doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 85%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 15%.
Về kết quả thu thuế, qua thanh tra kiểm tra các đơn vị có liên doanh, liên kết từ năm 2017 đến nay, số thu đã xử lý: 11.089 tỷ đồng, trong đó truy thu, truy hoàn và phạt 2.089 tỷ đồng; giảm khấu trừ bình quân 75 tỷ đồng; giảm lỗ 8.925 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế bình quân 7.732 tỷ đồng mỗi năm. Từ đó đã có sự chuyển biến trong công tác chống chuyển giá, đồng thời cũng góp phần tăng thu cho Ngân sách Nhà nước.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu nói trên, tuy nhiên, theo ý kiến phản ánh của một số doanh nghiệp, việc thực hiện Nghị định 20 cũng có khó khăn vướng mắc.
Cần nghiên cứu để quy định tỷ lệ khống chế phù hợp
Nghị định 20 được căn cứ vào Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có quy định khống chế 20% chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Quy định này cũng là áp dụng theo thông lệ quốc tế (mức khống chế từ 10% – 30% theo OECD) nhưng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định rõ nội dung này. Tuy nhiên theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tư pháp cho rằng quy định này là không trái với quy định pháp luật.
Quy định về việc khống chế chi phí lãi vay nói trên, có ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng đối với các chi phí lãi vay liên kết, không nên áp dụng chung cho tất cả các đơn vị có giao dịch liên kết, theo đó, cần làm rõ phạm vi đối tượng áp dụng Nghị định này. Tuy nhiên, theo OECD, đối tượng áp dụng cần thiết bao gồm tất cả các đơn vị có giao dịch liên kết.
Việc áp dụng quy định khống chế chi phí lãi vay không cho trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, tiền vay cũng có điểm bất cập đối với doanh nghiệp trung chuyển vốn vay – cho vay lại, quản lý quỹ, ký quỹ trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty; mặt khác, quy định xác định chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có thu nhập trước lãi vay và khấu hao âm cần được nghiên cứu cho phù hợp.
Về mức khống chế chi phí lãi vay, theo quy định tại Nghị định 20 là 20%, đây là mức trung bình trong biên độ 10% – 30% theo khuyến nghị của OECD và đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB). Tuy nhiên, đối với điều kiện của Việt Nam mới áp dụng quy định này có thể tạo ra phản ứng trái chiều của các doanh nghiệp, vì vậy cần nghiên cứu để quy định tỷ lệ khống chế phù hợp.
Từ phân tích trên, Bộ Tài chính dự kiến các nội dung chính bổ sung sửa đổi Nghị định 20.
Thứ nhất, nghiên cứu quy định rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Về phạm vi điều chỉnh, cần quy định rõ không bao gồm các giao dịch đã chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước và các dịch vụ công ích, giao dịch hàng hoá, dịch vụ được Thủ tướng Chính phủ cho phép tại các Nghị định, Quyết định, văn bản quy định chi tiết chuyên ngành (ví dụ lĩnh vực điện, than) hoặc các hoạt động vay từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức nhằm mục tiêu nâng cao phúc lợi và hỗ trợ giảm nghèo.
Về đối tượng áp dụng, cần quy định rõ các đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng của quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do thực hiện các hoạt động, dự án mục tiêu, trọng điểm của Nhà nước (trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị thì không phải áp dụng khống chế chi phí lãi vay).
Về khống chế chi phí lãi vay, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các công ty mẹ, công ty quản lý quỹ của các tập đoàn, tổng công ty có chức năng trung chuyển vốn vay, các công ty chứng khoán thực hiện giao dịch ký quỹ, cần thiết quy định áp dụng khống chế chi phí lãi vay thuần, cụ thể chỉ khống chế đối với phần chi phí lãi vay còn lại sau khi đã trừ doanh thu từ lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay.
Đối với các các doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực đặc thù như bất động sản, các doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh thay đổi liên tục (lãi/lỗ) và các doanh nghiệp mới thành lập, cần hướng dẫn áp dụng quy định theo hướng đồng bộ, nhất quán với pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp về xác định lỗ và chuyển lỗ trong thời hạn 05 năm.
Về mức khống chế chi phí lãi vay, trên cơ sở đối chiếu thông lệ quốc tế và đánh giá tác động số thu, có thể nghiên cứu nới mức khống chế chi phí lãi vay thuần lên 25% hoặc 30%, theo đó, cho phép doanh nghiệp nâng mức chi phí được hạch toán trong kỳ phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Trường hợp áp dụng chi phí lãi vay thuần, cần thiết bổ sung hướng dẫn chi tiết các chỉ tiêu tính toán chi phí lãi vay thuần theo thông lệ quốc tế để hạn chế doanh nghiệp lách, né thực hiện quy định và ngăn ngừa hành vi thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế trong xác định chi phí lãi vay được trừ, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát nguồn thu.
Bộ Tài chính trình Chính phủ chủ trương sửa đổi bổ sung Nghị định 20 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Báo Chính phủ