'Giao nhiệm vụ thấp, chỉ có con ông cháu cha mới vào được'
Cần phải bỏ đi chức năng công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của doanh nghiệp nhà nước, buộc phải theo cơ chế thị trường.
Ngày 23-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với chương trình Aus4Reform tổ chức hội thảo “Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025”.
Các chuyên gia đã có nhiều ý kiến mang tính tổng kết giai đoạn cơ cấu lại DNNN trong 10 năm qua.
TS Nguyễn Đình Cung nói rằng cần phải xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. “Chẳng hạn nói DNNN có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý” - TS Cung nói.
Theo ông Cung, khi DNNN được dùng làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô thì đương nhiên sản phẩm, hàng hóa của DNNN không theo cơ chế của thị trường. Khi giá có xu hướng lên thì DNNN phải kìm giá, còn khi giá xuống thì lại phải đẩy giá lên. “Giá cả cứ bị ổn định như vậy là vô lý, không theo cơ chế thị trường” - TS Cung nói.
TS Nguyễn Đình Cung nói DNNN không hoạt động theo cơ chế thị trường nên bị đè nén, đảo lộn, thua lỗ và gây ra tín hiệu sai lệch của thị trường. Ảnh: CHÂN LUẬN
Điều này, theo TS Cung, chẳng những làm cho DNNN bị “đè nén, đảo lộn” mà tín hiệu thị trường cũng bị sai lệch và DNNN luôn đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. Những khoản thua lỗ đó, thực ra cuối cùng cũng là ngân sách phải bù vào và người tiêu dùng phải gánh.
“Tất cả chỉ làm cho thị trường trở nên méo mó, DNNN trở nên kém năng động” - TS Cung khẳng định và đề nghị bỏ chức năng “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN”.
TS Cung cũng nói rằng cải cách gì thì cải cách nhưng cải cách đầu tiên đối với DNNN là buộc DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không gò bó. Tức là DNNN được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra chứ không nên hành chính hóa hoạt động của DNNN như hiện nay.
Trích dẫn ý kiến của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, TS Cung nói: “Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ đủ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi chỉ giao những nhiệm vụ đủ thấp thì chỉ có con ông cháu cha mới vào được DNNN thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”.
Đồng tình, TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM , nói thực chất DNNN chưa bao giờ kinh doanh theo cơ chế thị trường. “Nếu tới đây, chúng ta buộc tất cả DNNN phải hoạt động, kinh doanh theo cơ chế thị trường thì tất cả vấn đề đều được giải quyết”.
Trình bày báo cáo về DNNN, TS Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM, cũng cho rằng: Trong giai đoạn tới, không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” cũng như sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường.
TS Nguyễn Đức Trung trong báo cáo về DNNN đề nghị bỏ xác định DNNN là lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước. Ảnh: CHÂN LUẬN
Ngoài kiến nghị hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN để đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế, TS Trung còn kiến nghị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, co cấu lại sở hữu, ngành nghề của DNNN.
“Chỉ nên giữ lại hình thức DN 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị như các nhà xuất bản, nhà máy in tiền quốc gia, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm lưu ký chứng khoán” - TS Trung đề xuất.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh