Giáo sư Đại học trọng điểm Trung Quốc đưa ra quan điểm dậy sóng: Bố mẹ đặt nặng vấn đề điểm số là đang lấy con làm công cụ để thoả mãn hư danh
Giáo sư này cho rằng phụ huynh không nên vì mong muốn ích kỉ của bản thân mà để điểm số tạo thành gánh nặng cho con con trẻ.
- 14-05-2022Giáo sư nổi tiếng: Nuôi con trai tránh 3 điều, dạy con gái tránh 4 điều, cha mẹ nên biết!
- 13-05-2022Nghiên cứu của Đại học Harvard: 4 phương pháp không tốn kém để tạo nên những đứa trẻ có chỉ số IQ cao hơn số đông
- 13-05-2022Học ngay 4 CÁCH dạy con của giáo viên, đảm bảo con phát triển vượt bậc: Toàn MẸO đơn giản nhưng phải kiên trì mới làm được
Giáo sư Tiền Văn Trung là giảng viên trường Đại học trọng điểm Phúc Đán, Trung Quốc. Ông cũng nổi tiếng với những phương pháp và quan điểm về giáo dục con cái.
Cách đây vài năm, dư luận xứ Trung cũng đã từng dậy sóng vì một bài diễn thuyết của giáo sư này tại Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3. Bài diễn thuyết đã gạt bỏ sự hô hào mù quáng về hình thức "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất". Từ đó, ông đã chỉ ra rằng, lối dạy dỗ con cái không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc có thể sẽ phá hủy tương lai của xã hội.
Gần đây, những quan điểm của giáo sư này trong chương trình "Hello Dad" cũng thu hút sự quan tâm của người dân Trung Quốc. Dưới đây là những điểm chính được giáo sư Tiền nêu ra:
1. Cha mẹ đừng bao giờ lấy con cái làm công cụ để thoả mãn hư danh
Chia sẻ quan điểm dạy con trong chương trình "Hello Dad", giáo sư Tiền nhấn mạnh việc các bậc cha mẹ thường lấy con cái làm công cụ để thỏa mãn hư danh, đây là một điều hết sức vô lý.
Theo giáo sư này, việc các bậc cha mẹ mong con mình học giỏi, lớn lên thành rồng, thành phượng là điều hết sức bình thường, nhất là với những gia đình không mấy khá giả thì bố mẹ càng mong con học giỏi, bởi đó là con đường ngắn nhất để con "thoát nghèo".
Tuy nhiên, ông cho rằng phụ huynh không nên coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của con mình và để điều đó tạo thành gánh nặng cho con trẻ. Đừng thấy con mình đạt được điểm cao mà cảm thấy tự hào, sau đó lại xấu hổ và mất mặt khi trẻ bị điểm kém. Bởi điểm số không phải là thứ quyết định tất cả.
Các bậc cha mẹ nên suy nghĩ xem họ quan tâm đến điểm số của con mình vì mục đích gì, có phải vì lo lắng cho tương lai của con hay không. Trên thực tế, nếu họ mong con đạt điểm cao một phần để tự hào, để lấp đầy mong muốn ích kỉ của chính họ thì như vậy là đang vì bản thân họ, nhiều hơn vì tương lai của con cái.
2. Tôn trọng sở thích của trẻ
Cũng trong chương trình trên, giáo sư Tiền đã nêu lên quan điểm về vấn đề nghiện game ở trẻ. Ông cho biết con trai ông cũng thích chơi game và lười làm bài tập nhưng ông không hề cấm con.
Theo giáo sư Tiền, trẻ đang ở độ tuổi thích khám phá, hay tò mò và dễ bị thu hút bởi những thứ hay ho mới lạ ở trong game. Nhìn từ góc độ của một đứa trẻ, bố mẹ sẽ hiểu được rằng chúng khó có thể kiểm soát bản thân khỏi game, vì thế nên thay vì cấm đoán, bố mẹ hãy nghĩ cách xem có phương án thay thế không. Với giáo sư Tiền, ông khuyến khích con trai chọn những trò chơi liên quan đến lịch sử, từ đó vừa giúp con giải trí vừa phát triển niềm yêu thích lịch sử ở trẻ khi chơi trò chơi.
Ông cũng đưa ra lời khuyên rằng, trước tiên cha mẹ nên tôn trọng sở thích và cá tính riêng của con cái, sau đó định hướng con làm những điều đúng đắn và để con tự do phát triển.
3. Cha mẹ nên ủng hộ con cái và luôn là bức tường thành vững chãi của trẻ
Giáo sư Tiền cho rằng, cha mẹ nên ủng hộ con cái, đó là điều nên làm. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không phải là để "khuyến khích" trẻ làm bất cứ điều gì chúng muốn mà phải đi kèm những quy tắc tốt trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Đây mới là tình yêu thực sự mà bố mẹ dành cho con.
Ngoài ra, giáo sư này cũng cho rằng giáo dục trẻ em nên có cả hình thức phạt và kỷ luật. "Ủng hộ" và "trách phạt" không mâu thuẫn với nhau, bởi vì cái trước là tôn trọng cá nhân và sự lựa chọn của đứa trẻ, cái sau là để trẻ tồn tại trong xã hội tốt hơn.
Với giáo sư Tiền, giáo dục vui vẻ là điều không khả thi. Theo ông, giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ mà nhất định phải có yếu tố nghiêm khắc và kỷ luật, nếu không khó mà hoàn thành được sứ mệnh.
Với tư cách là đấng sinh thành, dưỡng dục con, cha mẹ hãy là bức tường vững chãi phía sau con bạn, đặc biệt là những người cha. Khi đứa trẻ gặp phải thất bại hoặc khó khăn, biết rằng có ai đó phía sau mình để dựa vào, bức tường đó sẽ tạo cảm giác an toàn cho đứa trẻ và tiếp thêm nghị lực để trẻ đối mặt với những thử thách trước mắt.
Qua những chia sẻ của giáo sư Tiền, có những bài học về cách nuôi dạy con cái được đúc rút mà các phụ huynh nên học hỏi:
Thứ nhất, trẻ em là những cá thể độc lập và không nên là công cụ để thoả mãn hư danh của bố mẹ.
Thứ hai, điểm số của trẻ không nói lên tất cả, vì vậy nên bố mẹ đừng biến điểm số trở thành gánh nặng cho con mình.
Thứ ba, cha mẹ cần tôn trọng cá tính và sở thích của trẻ, đồng thời hãy trở thành "hậu phương" vững chắc của con. Đây là yếu tố cần thiết để nuôi dạy con ngoan và thành công.
Con cái là bản sao của cha mẹ, không chỉ là bản sao từ gen, mà tính cách được hình thành cũng từ gương cha mẹ. Điều đó có nghĩa là cha mẹ nên lớn lên cùng con, đồng hành cùng con với những phương pháp giáo dục đúng đắn. Trên đời này không có đứa trẻ nào sinh ra đã hoàn hảo, điểm khác biệt một phần lớn nằm ở cách giáo dục của cha mẹ.
(Theo 163.com)