Giáo sư mặc quần đùi giảng dạy: Bộ Giáo dục yêu cầu báo cáo
Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc giáo sư Trương Nguyện Thành mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên.
Trên Facebook của một chuyên gia về khởi nghiệp vừa lan tỏa hình ảnh giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP HCM mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên.
Thông tin nhanh chóng gây ra luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Có ý kiến ủng hộ cách ăn mặc của thầy Trương Nguyện Thành vì ở các nước phương Tây, nhiều giảng viên cũng ăn mặc như vậy khi giảng bài dạy cho sinh viên. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, cách ăn mặc này không phù hợp môi trường giáo dục.
Hình ảnh giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen mặc quần đùi, áo may ô giảng dạy lan truyền trên mạng xã hội gây tranh cãi trong những ngày qua
Trả lời phóng viên VOV.VN ngày 25/4, nhà giáo Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 16 về đạo đức nhà giáo, tiêu chuẩn chức danh giảng viên, đạo đức nghề nghiệp; quy định dành cho giáo sư, phó giáo sư.
Bộ GD-ĐT đã yêu cầu ĐH Hoa Sen báo cáo về việc giáo sư Trương Nguyện Thành mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên. Theo đó, nhà trường phải xác minh xem Giáo sư Trương Nguyện Thành ngồi ở đâu, có mặc quần áo như phản ánh hay không trước khi có kết luận chính thức.
Đề cập cách ăn mặc của giáo sư Trương Nguyện Thành, phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nêu quan điểm, mỗi nước có truyền thống văn hóa và ứng xử khác nhau. Nhà giáo không thể lấy văn hóa phương Tây áp dụng vào Việt Nam. Cách ăn mặc của Giáo sư Trương Nguyện Thành nếu mà đi lễ chùa cũng sẽ bị cấm, chứ đây lại là giảng dạy ở môi trường sư phạm.
Việc giáo sư Trương Nguyện Thành cho rằng, hình ảnh ông mặc áo may ô, quần đùi là minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo thì chỉ là sự ngụy biện. Có nhiều cách để sáng tạo chứ không thể ăn mặc khác người khi giảng dạy là sáng tạo.
Hiện nay, tất cả các trường ĐH, CĐ đều ban hành quy định về văn hóa ứng xử, ăn mặc khi làm việc phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Có trường quy định, nam giới mặc áo vest, nữ giới mặc áo dài hay trang phục phải lịch sự, chứ không thể ăn mặc “lố lăng” như của các nước phương Tây. Điều này sẽ ảnh hưởng tới văn hóa dân tộc.
Giáo sư Trương Nguyện Thành mặc quần đùi khi giảng dạy
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, việc ăn mặc của giáo sư Trương Nguyện Thành là quyền cá nhân. Tuy nhiên, với tư cách là lãnh đạo của một trường ĐH thì việc ăn mặc của Giáo sư Nguyện Thành phải là những gì để khi sinh viên nhìn vào có thể học tập.
Nếu cách ăn mặc của giáo sư Trương Nguyện Thành được chấp thuận thì sẽ có những sinh viên cho rằng, việc ăn mặc hở hang trong môi trường sư phạm là có thể chấp nhận được thì sẽ tạo tiền đề không tốt.
Trước đó, giải thích về cách mặc áo may ô, quần đùi giảng dạy trước sinh viên, giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, TP HCM cho biết, cách ăn mặc như vậy là minh chứng về sáng tạo trong lớp phát triển tư duy sáng tạo ở khóa học Lộ trình sáng tạo diễn ra trong ngày 23 và 24/4.
Giáo sư Nguyện Thành nêu quan điểm, muốn phát triển tư duy sáng tạo thì cần phải bỏ những rào cản về tư tưởng, không có gì giới hạn suy nghĩ của mình. Cần phải nghĩ vượt qua tầm giới hạn trong định kiến xã hội, gò bó trong ý tưởng, những gì chúng ta cho là được và không được… mới có khả năng sáng tạo.
Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961, là tiến sĩ ngành Hóa và Tính toán; có hai bằng sáng chế quốc tế về công nghệ thông tin.
Ông đã xuất bản 180 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành hóa và công nghệ thông tin; xuất bản hơn 150 bài báo trình bày tại các hội thảo chuyên ngành quốc tế.
GS Trương Nguyện Thành từng công tác tại ĐH Utah Mỹ, sống và làm việc 38 năm tại Mỹ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, từ cậu bé bán thuốc lá dạo, cày thuê cuốc mướn nhưng với quyết tâm và nỗ lực của bản thân, ông đã trở thành giảng viên của ĐH nổi tiếng ở Mỹ.
Nói về thành công của bản thân, giáo sư Nguyện Thành cho rằng, bên cạnh khả năng, đam mê, sự quyết tâm và môi trường để phát triển, điều quan trọng là cần nhận thức được cơ hội.
Đúng như tâm nguyện "thành công sẽ về giúp người khác", giáo sư đã trở về Việt Nam, thành lập Viện Khoa học công nghệ tính toán TP HCM hoạt động năm 2009. Ông còn giúp đỡ nhiều sinh viên giỏi từ Việt Nam sang Mỹ du học bằng nguồn từ quỹ nghiên cứu của mình.
Trong suốt 38 năm ở Mỹ và thành danh trên con đường khoa học, giáo sư Trương Nguyện Thành trở về nước, làm hiệu phó điều hành trường ĐH Hoa Sen với tâm nguyện xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế.
VOV