Giáo sư Nguyễn Mại: Tôi không bao giờ lo về doanh nghiệp Việt, ngay cả với doanh nghiệp 'chết rồi'
GS TSKH Nguyễn Mại cho rằng yếu tố quyết định để thu hút dòng dịch chuyển sản xuất toàn cầu hiện nay là rút ngắn thời gian, thủ tục cho nhà đầu tư.Ông không lo lắng về doanh nghiệp trong nước vì tin rằng ngay cả khi đã 'chết' họ vẫn sẽ tìm cách gia nhập lại thị trường và thành công nhờ kinh nghiệm rút ra.Chuyên gia nhận định làn sóng M&A với vốn Trung Quốc hiện chưa đáng lo bằng việc doanh nghiệp Việt bị núp bóng để mua đất.
- 19-05-2020PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo: Chúng ta đã trả giá rất đắt bằng kinh tế cho chống dịch Covid-19, nhưng điều này xứng đáng!
- 19-05-2020Thủ tướng quyết định ACV đầu tư nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trị giá gần 11.000 tỷ đồng
- 19-05-2020Chủ biên Journal of Innovation Management: Đổi mới sáng tạo đang thăng hoa với tốc độ chóng mặt nhờ COVID-19
- 19-05-2020Chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài: Thật ra mua doanh nghiệp lúc này rất rẻ nhưng chúng tôi không làm vì thất đức!
Trao đổi với Người Đồng Hành, GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) cho biết: “60 doanh nghiệp Mỹ đã tiếp xúc với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để chuẩn bị thực hiện các dự án lớn, doanh nghiệp Nhật Bản đang tự hỏi bây giờ đã phải thời điểm chín muồi để gia nhập thị trường Việt Nam hay chưa? Đây là những chỉ báo cho thấy nhà đầu tư đã nhận ra lợi thế so sánh của Việt Nam và việc còn lại là của chúng ta”.
GS TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE). Ảnh: Ngọc Hà.
- Chính phủ vừa giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu thực hiện chiến lược về thu hút đầu tư nước ngoài mới sau dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, “tổ mới cho đại bàng” ở thời điểm này khác gì so với cuối năm ngoái và những năm trước đây, thưa ông?
- Trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn, chuỗi cung ứng sản xuất, thời gian chính là yếu tố quyết định việc lựa chọn điểm đến chứ không phải chi phí đầu tư là bao nhiêu. Trong kinh doanh, cơ hội là thời gian và thời gian chính là cơ hội. Khi quyết định chuyển dịch, doanh nghiệp thường tính toán đến việc sản xuất mặt hàng gì, xuất đi thị trường nào và bao giờ sẽ xuất khẩu? Ví dụ nhà đầu tư dự tính, tất cả thời gian cho hoạt động này là 6 tháng và tháng thứ 7 sẽ bắt xuất khẩu thì Việt Nam không thể để nhà đầu tư chờ đợi cả năm chỉ để làm mỗi việc xin phép. Chưa kể, khi ấy đơn hàng của họ có thể bị hủy và cơ hội kinh doanh bị tuột mất.
Nghĩa là, thủ tục đầu tư phải được giảm thiểu để đảm bảo từ khi nhà đầu tư đến tìm hiểu, được cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng nhà máy, đi vào hoạt động trong thời gian ngắn nhất có thể. Muốn vậy, các bộ phải ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất thực hiện cấp phép đầu tư. Việt Nam đã từng cấp chủ trương đầu tư cho dự án mới của Samsung tại Bắc Ninh trong thời gian chỉ hơn 1 ngày, sau khi thẩm định dự án và đánh giá năng lực nhà đầu tư.
- Nhưng rõ ràng việc giải phóng mặt bằng, đất đai cho các dự án đầu tư chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng trong thời gian qua?
- Đó là lý do vì sao chúng ta phải thông tin cho nhà đầu tư biết được rằng Việt Nam còn lượng lớn đất sạch trống tại các khu công nghiệp với giá thuê ổn định và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Ví dụ, giá đất tại KCN ở Hà Nội chỉ bằng 40% so với giá thuê tại Bắc Kinh hay Thượng Hải. Trên cả nước hiện có hơn 350 khu công nghiệp, khoảng 18 khu kinh tế, số lượng đất sạch còn trống lên tới 45%.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng rất cần những thông tin về cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện và nước, hệ thống xử lý nước thải... Ví dụ, trước đây, khi tìm hiểu thị trường Việt Nam, Samsung và Intel yêu cầu phải biết được chi tiết thời gian từ vị trí đặt nhà máy ra tới sân bay, bến cảng mất bao lâu và chi phí tạm tính là bao nhiêu? Thời gian cho hoạt động này càng ngắn thì chi phí càng thấp và cho thấy sự thuận tiện trong hệ thống giao thông.
- Sự chuẩn bị về nguồn nhân lực thì sao?
- Hoạt động xúc tiến phải cho nhà đầu tư thấy được Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng dòng chuyển dịch đầu tư của những ông lớn hàng đầu như Apple, Google, Microsoft... Điều này có thể minh chứng qua câu chuyện của nhà đầu tư Hàn Quốc. Samsung đã trở thành cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng, thiết bị gia dụng với khoảng 175.000 lao động trực tiếp và vài chục nghìn lao động gián tiếp.
Tại Bắc Ninh hay Thái Nguyên, ngoại trừ hoạt động điều hành cấp cao, từ cấp trung như quản trị nhà máy, quản lý phân xưởng, kỹ sư điều hành phần lớn đều là người Việt Nam. Samsung đánh giá năng suất của người lao động Việt Nam tương đương công nhân Hàn Quốc tại Seoul, nhưng lương chỉ bằng 1/3. Ít ai biết rằng Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội được mở rộng quy mô sau khi 2 người Việt Nam tạo ra sản phẩm smartphone mới và được triển lãm tại Malaysia vào 2018. Cũng từ đây, trung tâm không chỉ nghiên cứu phát triển sản phẩm mà còn nghiên cứu công nghệ của tương lai như AI, IoT, Big Data, mạng 5G... và trở thành trung tâm R&D lớn nhất của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Khi đi vào hoạt động, trung tâm có đến 3.000 nhà nghiên cứu.
Cuối cùng, quy định về khu chế xuất cần phải khắc phục những tồn tại và sớm hoàn thiện để chuẩn bị đón các doanh nghiệp FDI có mong muốn xuất khẩu 100%. Khi tham gia vào khu công nghiệp chế xuất, doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục thông quan bình thường thay vào đó cơ quan hải quan làm việc tại nhà máy và giám định khi cần thiết.
Đó là những điều chúng ta cần chuẩn bị để biến lợi thế thành cơ hội và đón được dòng dịch chuyển đầu tư lớn.
Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng dòng chuyển dịch đầu tư của những ông lớn hàng đầu như Apple, Google, Microsoft... Ảnh: CNBC. |
- Nhưng sau dịch, doanh nghiệp là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, họ liệu có mất đi vị thế trong cuộc đua định hình chuỗi giá trị mới?
- Tôi không bao giờ lo về doanh nghiệp Việt, ngay cả với doanh nghiệp “chết rồi”, tôi tin họ vẫn sẽ tìm cách gia nhập lại thị trường. Kinh nghiệm thế giới cho thấy đừng sợ doanh nghiệp phá sản vì họ sẽ thành công trong lần thứ hai, do có được kinh nghiệm từ lần thất bại trước.
Việc kỳ thị các doanh nghiệp phá sản là hoàn toàn không đúng và Luật Phá sản cũng chưa đủ dễ dàng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh phá sản và hình thành doanh nghiệp mới.
Tiếp nữa, Việt Nam có hàng chục nghìn doanh nghiệp lớn, hàng nghìn tập đoàn kinh tế như Vingroup, Viettel... hay PVN từ chỗ làm thuê cho nước ngoài giờ đã làm chủ công nghệ. Chưa kể, doanh nghiệp vừa có quy mô từ 300 công nhân, doanh thu 300-400 tỷ hoàn toàn đủ sức làm các dự án mà địa phương đã giao cho nhà đầu tư nước ngoài, với suất đầu tư hơn 2 triệu USD. Vấn đề ở đây là cải thiện tốt mối liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam - FDI, để đôi bên cùng có lợi. Mô hình Samsung cử chuyên gia đến hỗ trợ nhà cung cấp cấp 1 Việt Nam nhằm cải thiện năng lực quản trị, công nghệ và đảm bảo thời gian mua hàng trong thời gian 2-3 tháng, cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Tôi không đồng ý với những nhận định cho rằng năng lực doanh nghiệp Việt Nam kém cỏi mà không thấy việc đổi mới về công nghệ, quản trị của doanh nghiệp trong những năm gầy đây đã thay đổi rất nhiều. Hàng loạt doanh nghiệp mới được ra đời, trong đó có doanh nghiệp startup đã nộp thuế thu nhập lên tới 45-50 tỷ đồng/năm cho thấy hoạt động của khu vực doanh nghiệp đã tốt lên đáng kể.
- Nói như vậy nghĩa là ông hoàn toàn yên tâm với doanh nghiệp?
- Tôi chỉ lo ngại một điều rằng doanh nghiệp không biết thế giới bên ngoài đã thay đổi như thế nào, ngay cả các tập đoàn lớn, đặc biệt bộ phận nghiên cứu chiến lược. Doanh nghiệp phải nghiên cứu về sự thay đổi của thế giới sau dịch, mức độ tác động đối với nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp, từ đó đề ra chiến lược ứng phó phù hợp. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý 3 trục chính là Mỹ, Trung Quốc và EU. Cùng với đó là sự thay đổi của hai con hổ châu Á là Nhật Bản - Hàn Quốc...
Có như vậy, doanh nghiệp mới thích ứng được với nền kinh tế hiện đại sau dịch. Bởi thế giới đã thay đổi rất nhiều.
- Theo ông, thách thức và điểm yếu của doanh nghiệp trong bối cảnh mới là gì?
- Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam, trước sức ép của nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay rõ ràng khu vực này càng bất lợi dù có tính linh hoạt cao.
Nhược điểm thứ hai, Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường chậm hơn so với các nước. Việc khôi phục lại nền kinh tế thị trường là vấn đề không dễ dàng, dù Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới. Đến nay, thể chế, cơ chế, chính sách đều chưa hoàn thiện vì vậy doanh nghiệp chưa có một khung khổ pháp lý để hành động một cách một cách tự chủ. Câu chuyện điều hành xuất khẩu gạo tháng 4 vừa qua là ví vụ điển hình. Việc điều hành giật cục như vậy không thích ứng với cơ chế thị trường.
- Cùng với xu hướng chuyển dịch dòng đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư còn lo ngại hoạt động M&A trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ và doanh nghiệp Việt sẽ bị mua lại với giá rẻ, quan điểm của ông như thế nào?
- Không chỉ Bộ Kế hoạch & Đầu tư mà một số chuyên gia khác cũng lo ngại về vấn đề này nhưng quan điểm của tôi thì không.
M&A là hình thức đầu tư tốt hơn nhiều so với đầu tư mới. Vì hoạt động này còn phải chờ 2-3 năm dòng tiền mới chảy ra thị trường sau khi hoàn thành quy trình đầu tư. Trong khi đó, M&A là “tiền tươi thóc thật”. Khi nhà đầu tư Hàn Quốc mua cổ phần của Vingroup nghĩa là họ thấy doanh nghiệp có thể phát triển được và bằng việc đầu tư, nhà đầu tư hưởng lợi từ kết quả hoạt động kinh doanh tốt.
Bên cạnh đó, khi M&A phát triển nghĩa là Việt Nam có hai thứ, một là thị trường có thứ gì đó để bán. Nhìn lại thời điểm 2011-2012, thị trường Việt Nam khi ấy chưa có gì để bán, những tập đoàn tư nhân lớn bây giờ khi đó vẫn rất nhỏ và doanh nghiệp nhà nước chưa phải triển để thực hiện quá trình cổ phần hóa.
Thứ hai, thị trường chứng khoán hấp dẫn. Năm ngoái, thị trường đã cán mốc hơn 1.000 điểm. Điều này khiến nhà đầu tư ngoại thấy rằng đây là thị trường đầy tiềm năng. Họ sẽ lựa chọn hai cách, mua bán lướt sóng hoặc đầu tư với tỷ lệ nhất định để tham gia vào HĐQT và nắm quyền chi phối doanh nghiệp.
- Ông có thể lấy một ví dụ?
- Thương vụ giữa doanh nghiệp Thái và Sabeco với giá 5,2 tỷ USD là một điển hình M&A gây tranh cãi về việc Việt Nam có lợi hay có hại? Quan điểm của tôi cho rằng chúng ta không bị mất gì mà ngược lại một lúc thu về được 5,2 tỷ USD, con số này lớn lắm. Về thương hiệu, tên sản phẩm không đổi và nhà nước vẫn nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định. Sau đó, nhà đầu tư Thái đã thay đổi toàn bộ ban quản trị để hoạt động điều hành tốt hơn. Chưa kể, lần đầu tiên thương hiệu bia Sài Gòn được quảng cáo tại Anh thông qua câu lạc bộ bóng đá Leicester. Thế giới biết rằng có một thương hiệu bia Sài Gòn tại Việt Nam. Thêm nữa, sản phẩm bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, lên đến 50% việc thu ngân sách cũng có lợi.
Thương vụ giữa doanh nghiệp Thái và Sabeco với giá 5,2 tỷ USD là một điển hình M&A gây tranh cãi về việc Việt Nam có lợi hay có hại. Ảnh: Reuters. |
- Nhiều ý kiến lo ngại M&A có nguồn gốc từ Trung Quốc xuất hiện thời gian gần đây, ý kiến của ông thì sao?
- Một lần nữa tôi cho rằng chưa phải thời điểm để lo. Chúng ta chỉ nên lo lắng khi dòng vốn từ Trung Quốc chiếm 5-6 tỷ USD trên tổng số 10 tỷ USD, còn hiện tại mới chỉ là khoảng 200 triệu USD trên tổng số 2,8 tỷ USD, không có nghĩa lý gì nhiều về mặt thao túng thị trường.
Theo tôi, điều nên đáng ngại bây giờ là việc các doanh nghiệp Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp nội để mua đất tại Đà Nẵng.
Khi hợp tác, làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc cẩn trọng, cảnh giác là cần thiết nhưng không phải sợ đến mức không dám hợp tác, giao thương, theo tôi điều đó là không nên.
NDH