MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư nói đề xuất lu nước chống ngập ở TPHCM "không khả thi, dễ bùng phát sốt xuất huyết"

13-07-2019 - 17:29 PM | Xã hội

"Không cần mưa, chỉ cần triều cường lên cũng có thể gây ngập ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, để giải quyết vấn đề triều cường lên, nước không thoát được thì có làm đến hồ, bể chứa cũng không ổn", GS Hồng nói.

Có thể không khả thi nhưng không nên thóa mạ, mạt sát

Đề xuất sáng kiến nên trang bị lu đựng nước cho người dân để chống ngập của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM trong phiên họp HĐND TP Hồ Chí Minh chiều 12/7 đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Trao đổi với PV sáng 13/7, GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cựu Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho hay, cần phải hiểu rõ nguồn nước gây ngập ở TP Hồ Chí Minh không phải chỉ ở một trận mưa mà còn liên quan đến triều cường.

"Nếu như chỉ là nước mưa hoàn toàn có thể làm hồ nước, bể nước công cộng lớn để chứa vào như Hà Nội đã dự kiến làm nhưng ở TP Hồ Chí Minh còn liên quan đến vấn đề triều cường, cụ thể, khi mưa lớn cộng với triều cường thì nước không tháo đi đâu được.

Chưa kể, không cần mưa, chỉ cần triều cường lên cũng có thể gây ngập ở TP Hồ Chí Minh. Do đó, để giải quyết vấn đề triều cường lên, nước không thoát được thì có làm đến hồ, bể chứa cũng không ổn", GS Hồng nói.

Về đề xuất cụ thể, trang bị lu hay xây dựng bể nước khoảng 1m3 cho mỗi hộ dân của PGS Xuân để chống ngập khi mưa lớn, GS Hồng cho hay, đề xuất này nếu nghe ban đầu có thể được nhưng phân tích cụ thể sẽ thấy không khả thi.

Theo ông Hồng, nếu áp dụng đề xuất này chỉ có thể làm trong một khu dân cư nhỏ hoặc vài hộ dân còn làm trong phạm vi toàn thành phố không khả thi bởi vấn đề ngập ở TP Hồ Chí Minh do nhiều nguyên nhân không chỉ là mưa.

Ông nói thêm, nếu áp dụng đề xuất này nếu không làm cẩn thận, thậm chí còn gây nguy hiểm về vấn đề môi trường.

"Khi mùa sốt xuất huyết, các cơ quan y tế luôn yêu cầu người dân phải đậy kỹ các bể chứa nước, tránh hở, vậy mà giờ lại thêm lu nước hay bể nước mưa thì chắc chắn sẽ là mầm mống cho muỗi sinh sôi, phát triển.

Chưa kể, nước này không thể giữ được lâu mà phải thường xuyên lưu thông nên khả năng gây bùng phát sốt xuất huyết là có thể xảy ra", GS Hồng nêu quan điểm.

Cũng nêu ý kiến về đề xuất trên, GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng, Viện KHCN & Quản lý Môi trường, ĐH Công nghiệp TPHCM cho rằng, trước đây, tại trường ĐH ông từng công tác cũng đã có những cán bộ đưa ra đề án xây dựng trên tầng thượng các nhà cao tầng một bể đựng nước mưa giúp hạn chế nước gây ngập và mùa khô sẽ đưa ra sử dụng.

Tuy nhiên, các đề án đó đều không thể thực hiện do người dân không ai muốn xây như vậy.

 Giáo sư nói đề xuất lu nước chống ngập ở TPHCM không khả thi, dễ bùng phát sốt xuất huyết - Ảnh 1.

GS Lê Huy Bá.

"Việc đề xuất mỗi nhà một lu nước hay một bể nước 1m3 để giúp chống ngập tôi nghĩ chỉ có thể áp dụng ở nông thôn còn vùng đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh rất khó có thể thực hiện và người dân không chấp nhận.

Bởi lẽ, ở nông thôn như các tỉnh miền Tây Nam Bộ họ bắt buộc phải trữ nước mưa vào lu để mùa khô có nước sử dụng còn với TP, họ sử dụng nước máy.

Chưa kể, ở TP vẫn coi "tấc đất tấc vàng", đến chỗ ở, để xe còn thiếu nên không ai lại đi đặt cái lu hay xây bể trước nhà mình và còn cả vấn đề thiếu thẩm mỹ, môi trường, phòng dịch sốt xuất huyết...", GS Bá nêu quan điểm.

GS Bá cũng nhấn mạnh, dù đây là đề xuất của một cá nhân, có thể không mang tính khả thi nhưng việc một số người trên mạng xã hội có những chia sẻ, bình luận với nội dung khiếm nhã, xúc phạm danh dự là không nên, thiếu văn hóa.

"Ai có sự nhiệt tình, trí thức một chút đều có quyền đóng góp, nêu đề xuất và chúng ta nên tôn trọng chứ không thể mạt sát, thóa mạ người khác, bởi làm như thế, sẽ không ai dám làm, nêu ý kiến.

Tuy nhiên, trước khi phát biểu cần phải gọt giũa, để sau đó có thể tạo thành ý tưởng hay chứ không nên đưa ra công chúng, trước hội nghị toàn là ý kiến thô...", GS Bá chia sẻ.

Cần giải pháp tổng thể cho việc chống ngập ở TP Hồ Chí Minh

GS Vũ Trọng Hồng cho rằng, hiện nay đã có rất nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện nhằm chống ngập của TP Hồ Chí Minh như dùng bơm mạnh đẩy nước đi, để lại các vùng trữ nước...

"Nguyên nhân cơ bản nhất gây ngập cho TP Hồ Chí Minh là do khu tiêu nước đã bị đô thị hóa hết, ví dụ như quận 2 trước đây là đường thoát nước nhưng giờ đã trở thành các khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng...

Còn để giải quyết vấn đề chống ngập, điều quan trọng nhất cần phương án kỹ thuật tối ưu để đẩy nước đi.

Trong đó, cần khảo sát lại đâu là đường tiêu nước chính và phải giải tỏa để nước đi được. Đồng thời, việc Nhà nước làm các cống lớn để ngăn không cho thủy triều vào chính là giải pháp đồng bộ để giải quyết", GS Hồng nêu.

Còn GS Lê Huy Bá cho hay, cần có một giải pháp tổng thể gồm nhiều giải pháp nhỏ tập trung lại để giải quyết vấn đề ngập ở TP Hồ Chí Minh.

"Ở đây, nếu chỗ nào ở nội thành có thể làm được hồ điều tiết thì cần cố gắng làm. Đồng thời, nên khoan các giếng khoan để có thể bổ cập nước mưa xuống các tầng ngầm và khảo sát, tìm ra các đường tiêu chính rồi xây dựng hoàn thiện.

Ngoài ra, trước mắt nên chia khu vực bị ngập trong nội thành thành các lưu vực để đưa ra biện pháp xử lý triệt để và chỗ nào có thể dùng đê bao chống triều cường thì cần làm chắc chắn để giúp chống ngập tốt hơn", GS Bá đưa ý kiến.

Phát biểu dùng lu nước để chống ngập gây tranh cãi của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân

Theo Hoàng Đan

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên