Giáo sư Việt kiều tại Pháp hiến kế giúp Việt Nam vượt mặt Trung Quốc về phân tích dữ liệu
Về phát triển phân tích dữ liệu, chúng ta vẫn còn có lợi thế hơn so với Trung Quốc, GS. TS Dương Nguyên Vũ (Việt kiều tại Pháp) cho biết tại buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các chuyên gia, trí thức và doanh nhân tiêu biểu Việt Nam ở nước ngoài.
- 13-11-2016Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 1 trong 10 gương mặt cựu sinh viên Kinh tế Quốc dân tiêu biểu
- 12-11-2016Thủ tướng lắng nghe hiến kế của doanh nghiệp, chuyên gia kiều bào
- 10-11-2016Xin ý kiến Thủ tướng vụ xây resort ở Vườn Quốc gia Ba Vì
- 09-11-2016Thủ tướng bổ nhiệm lại nhân sự Phân ban Việt Nam trong các Ủy ban liên Chính phủ
Trong 1 giờ gặp gỡ với các kiều bào mới đây, yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là được nghe những lời nói hết lòng, nói thẳng, nói thật và tâm huyết về những giải pháp để phát triển, quản lý, điều hành nền kinh tế vã xã hội.
Nhiều Việt kiều đã trình bày với Thủ tướng những ý kiến được cho là mới mẻ, thiết thực.
“Chúng ta không phải là nước mạnh trên thế giới, đứng hàng đầu trên thế giới về công nghệ thông tin, nhưng chúng ta có thể là hàng đầu thế giới về cung cấp dữ liệu!”, GS. TS Dương Nguyên Vũ, Việt kiều tại Pháp quả quyết.
Theo đó, ông đề xuất Thủ tướng và Chính phủ trong tương lai sẽ thành lập một tổ nghiên cứu công tác tính khả thi và chiến lực phát triển về vấn đề này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh về việc phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo về ngành phân tích dữ liệu.
“Từ tháng 2 năm 2016, Trung Quốc đã coi đây là quốc sách để tập trung đâu tư cho phát triển phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn lợi thế so với Trung Quốc!”, ông nói.
Còn đối với ông Phạm Đỗ Trí từng là chuyên gia kinh tế cao cấp của IMF (từ 1974 – 2011) thì cho biết ông rất mừng vì Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh về một chính phủ mới kiến tạo, đổi mới lần 2.
Cũng theo ông Trí, điều quan trọng nhất của cải cách thể chế là phải công bằng, bình đẳng về cơ hội tiếp cận của cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Về vấn đề nợ công, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều tại Mỹ góp ý Việt Nam nên hạn chế việc đảo nợ bởi lẽ “Chính phủ khi có nợ tiếp tục đảo nợ, giãn nợ, đàm phán với các bên cho vay để giãn thời hạn đảo nợ sẽ là không thực chất, cuối cùng sẽ là nợ chồng nợ”.
Theo đó, ông đề xuất cần thay vì đặt giới hạn 65% nợ công trên GDP như hiện nay thì nên có một trần nợ công nào đó. Bởi lẽ, nếu cứ như hiện nay, thì việc GDP tăng cũng sẽ khiến nợ công tăng. “Nước lên thuyền lên, chúng ta không bao giờ thoát khỏi cảnh nợ nần vì vậy chúng ta cần có một dư nợ tuyệt đối, một trần nợ công nào đó”, ông nói.
Ghi nhận những góp ý thẳng thắn từ phía các kiều bào, Thủ tướng cho rằng dù đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế nhưng ông cũng tin tưởng rằng đất nước sẽ vượt qua những khó khăn hiện nay, nếu thấy được hết những khuyết điểm hiện tại.
“Chúng ta nhận thức được hết những bất cập này để chúng ta có biện pháp mạnh mẽ hơn, càng khó khăn, chúng ta càng đoàn kết thống nhất ý chí cho sự phát triển, chứ không phải thấy khó khăn mà chùn bước. Dân tộc ta là dân tộc dám vượt khó trong 4000 năm lịch sử!”, Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cũng cho biết thêm ông và Chính phủ sẽ nghiên cứu kỹ những tham luận mà các kiều bào đóng góp.
“Chúng tôi có trong tay tập mà quý vị không diễn đạt hết, chúng tôi sẽ nghiên cứu tập này để có thể hình thành nên 1 số chính sách trước mắt để xử lý 1 số vấn đề đặt ra nhất là đảm bảo kinh tế vĩ mô ổn định phát triển, giữ gìn đc môi trường hoà bình, để người dân và doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân được phát triển kinh tế.”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.