Giao thương Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời cũng đang đẩy mạnh các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
- 18-08-2024Cước vận tải biển giảm sâu, hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh
- 10-08-2024Bộ Công an: Nổi lên hiện tượng khai thác, xuất khẩu trái phép khoáng sản quý hiếm
- 10-08-2024Kim ngạch xuất khẩu dệt may lần đầu trong năm vượt mốc 4 tỷ USD
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỉ USD - tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường vô cùng lớn
Các nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch lớn gồm: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; xơ, sợi dệt; gỗ và sản phẩm gỗ... Trong khi đó, các nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch lớn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; vải may mặc; sắt thép các loại; sản phẩm từ chất dẻo; nguyên phụ liệu dệt may, da giày; hóa chất…
Với sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, các cơ quan chức năng dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay sẽ tiến sát mốc 200 tỉ USD.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit - người có kinh nghiệm hơn 30 năm xuất khẩu các loại trái cây sấy sang Trung Quốc, xuất khẩu nông sản sang thị trường đông dân thứ nhì thế giới này đang khá thuận lợi. Nông sản, trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc khá nhiều, được người dân nước này ưa chuộng.
"Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà đang có nhiều sự cạnh tranh. Họ không chỉ mở cho thị trường Việt Nam mà còn cho thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia... Hàng hóa của chúng ta chỉ có thể giữ vững được vị thế nếu biết thay đổi cách canh tác, cải thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn" - ông Viên nhìn nhận.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VIETFRUIT), cũng đánh giá rất cao thị trường Trung Quốc. Với hơn 1,4 tỉ dân và GDP đầu người cao, mỗi năm nước này chi đến 16-17 tỉ USD để nhập khẩu rau quả nhiệt đới. Trong khi đó, Việt Nam nắm lợi thế rất lớn khi có cùng biên giới, thuận tiện vận chuyển cả đường bộ, đường sắt lẫn đường biển.
Sau đại dịch COVID-19, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng vượt bậc, nhất là sự đóng góp của ngành hàng mới là sầu riêng. "Ngành rau quả rất kỳ vọng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ giúp có thêm nghị định thư xuất khẩu các mặt hàng mới, như: sầu riêng đông lạnh, dừa tươi…" - ông Nguyên bày tỏ.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), năm 1992, những xe hàng hạt điều đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ đó đến nay, nhiều nông sản Việt Nam, bao gồm hạt điều, đã thâm nhập ngày càng sâu hơn thị trường nước này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã nhập 65.837 tấn hạt điều Việt Nam, tăng tới 63% so với cùng kỳ năm trước và là 1 trong 2 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam (cùng với Mỹ).
Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 5,8-6 tỉ USD hàng dệt may sang Trung Quốc. Việt Nam vẫn có những sản phẩm có thế mạnh riêng ở thị trường này.
Ngược lại, Trung Quốc cũng là cường quốc về dệt may, phục vụ 1,4 tỉ dân của họ và xuất khẩu toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hằng năm, Trung Quốc tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề về thị trường, quản trị và công nghệ, giải pháp trong hội nhập và phát triển, trong đó có những giải pháp cộng hưởng để chia sẻ thế mạnh với các thị trường, bao gồm Việt Nam.
Theo Chủ tịch VITAS, ngày 20-8, Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo đầu tư vào Việt Nam ở Hà Nội với 500 doanh nghiệp nước này tham gia, triển khai những giải pháp đầu tư các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp dệt may. Ngành dệt may đang kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt về nguyên vật liệu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10 tỉ USD nguyên liệu đầu vào ngành dệt may, trong khi Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ, quản trị, thiết bị, máy móc...
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch; triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc về hạ tầng thương mại biên giới.
Đầu tư từ Trung Quốc tăng mạnh
Trong 7 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư 1,65 tỉ USD vào Việt Nam - đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ. Xét về số dự án đầu tư mới, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu khi chiếm 29,7%. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỉ USD, tăng 77,6% so với năm 2022.
Nhận xét về dòng vốn FDI Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các doanh nghiệp nước này có xu hướng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Trong bức tranh chung đó, không ít nhà đầu tư là những tập đoàn lớn trong các lĩnh vực công nghệ, điện tử, năng lượng... đã đăng ký đầu tư vào nước ta.
Người lao động