Giật mình thức tỉnh sau một năm đại nạn, Trung Quốc liệu có theo vết xe đổ: Rút kinh nghiệm để đấy?
Đường bờ biển trũng thấp bị bão tàn phá, các khu vực nội địa đối mặt sa mạc hoá, sông băng tan và cái nóng khắc nghiệt của mùa hè, Trung Quốc dường như đã “thấm thía” nỗi lo trước biến đổi khí hậu.
- 06-01-2022Dân Trung Quốc ‘rã rời’: 2022 chẳng khác 2020, chỉ có tồi tệ hơn
- 06-01-2022Bị huỷ visa và trục xuất vì không tiêm vắc-xin, Novak Djokovic bỏ lỡ Grand Slam trong làn sóng giận dữ của dân Úc
- 05-01-2022Nghịch lý cay đắng của siêu cường khí đốt: Xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới nhưng để người dân ‘đốt rác sưởi ấm’, hít khói độc sống qua ngày
Trung Quốc thấm thía sau một năm đại nạn
Năm 2019, khi các nhà nghiên cứu xem xét cách công chúng nhìn nhận vấn đề biến đổi khí hậu, người dân Trung Quốc chẳng mấy bận tâm.
Nhưng năm 2021 đã mang đến những thay đổi lớn. Biến đổi khí hậu dần thành chủ đề nóng được đem ra thảo luận tại Trung Quốc. Theo phân tích dữ liệu của Sixth Tone, tần suất đề cập đến các từ khoá liên quan đến biến đổi khí hậu trong các bài báo đã tăng vọt.
Năm 2019, dưới 800.000 bài báo về chủ đề biến đổi khí hậu được đăng trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Con số này đã tăng lên gần 1,5 triệu vào năm 2020 và hơn 3,2 triệu trong năm 2021.
Cụm từ "biến đổi khí hậu" hoặc "khí hậu nóng lên" được đề cập nhiều đột biến trong năm 2021.
Một phần nguyên nhân là do các sự kiện liên quan đến chính trị, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng vào cuối năm 2020. Một năm sau, hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow cũng phủ khắp các mặt báo. Nhưng có lẽ nguyên nhân gây chú ý lớn nhất chính là một năm thời tiết khắc nghiệt hoành hành khắp Trung Quốc.
Những trận mưa lịch sử đã trút xuống tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc vào tháng 7. Thủ phủ Trịnh Châu ghi nhận lượng mưa tương đương trung bình cả năm chỉ trong 3 ngày. Lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 302 người, gây thiệt hại 133 tỷ nhân dân tệ (20,9 tỷ USD) trên toàn tỉnh. Vào tháng 10, tỉnh Sơn Tây ở phía bắc cũng hứng chịu những trận mưa lớn, làm hư hại nhiều công trình kiến trúc lịch sử.
Sự tàn phá của thiên tai nhắc nhở giới chức trên cả nước về những gì đang chờ đợi họ phía trước, đồng thời thúc đẩy họ đánh giá lại mức độ dễ bị tổn thương của các khu tự trị trước các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 8/2021 về biến đổi khí hậu do chính phủ hậu thuẫn, nhiệt độ ở Trung Quốc tăng nhanh hơn mức nhiệt trung bình của toàn cầu. Các nhà nghiên cứu dự đoán các hình thái thời tiết sẽ trở nên cực đoan hơn. Các khu vực rộng lớn của Trung Quốc sẽ có lượng mưa lớn hơn. Mực nước biển có thể dâng cao hơn và hạn hán xảy ra thường xuyên hơn.
Hành động của chính phủ
Kể từ năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một số bước giải quyết các rủi ro khí hậu. Trong đó, chính phủ cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho các dự án cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng và dự án có khả năng chống chịu khí hậu khắc nghiệt.
Các thành phố cũng được giao nhiệm vụ thí điểm thích ứng với khí hậu trong khu vực. Song, tiến độ của các dự án trên còn hạn chế. Chen Aiping, giám đốc Văn phòng Trung Quốc thuộc Trung tâm Thích ứng Toàn cầu cho biết: "Nhận thức về vấn đề thích ứng của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn đầu".
Các thành phố đông dân của Trung Quốc hiếm khi đánh giá rủi ro khí hậu trong các dự án xây dựng, theo báo cáo công bố trong tháng 12 của dự án Đánh giá Rủi ro Biến đổi Khí hậu Trung Quốc – Vương quốc Anh.
Zhang Weijun, người sáng lập công ty tư vấn Công nghệ và Khoa học Môi trường Ewaters, cho rằng việc thiếu cân nhắc như vậy là rất nguy hiểm khi các công trình công cộng quan trọng lại xây dựng sai địa điểm.
Một con phố ngập lụt ở Trịnh Châu, Hà Nam. Ảnh: People Visual.
Bằng cách sử dụng dữ liệu công khai, công ty Ewaters đã mô phỏng lại trận lụt ở Trịnh Châu. Dữ liệu mô phỏng cho thấy nhiều cơ sở quan trọng như tàu điện ngầm, bệnh viện lại nằm ở nhữung điểm yếu dễ bị ngập lụt.
Bệnh viện Tim mạch Trung ương Fuwai, một trong những bệnh viện tốt nhất của thành phố, đã bị ảnh hưởng nặng nề vì nằm ở vùng trũng. Khi xảy ra lũ lụt vào đầu tháng 7, nước nhanh chóng nhấn chìm sảnh bệnh viện, nguồn điện bị cắt, các thiết bị y tế hư hỏng và hơn 5.000 người bị kẹt trong bệnh viện.
Giới chức Trung Quốc cho biết họ muốn cải thiện khả năng chống chịu của các thành phố trước thời tiết khắc nghiệt. Nhưng làm thế nào để thực hiện thì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Zhai Guofang, giáo sư về giảm nhẹ thiên tai tại Trường Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị thuộc Đại học Nam Kinh, cho biết các thành phố khác nên lấy sự việc xảy ra ở Trịnh Châu làm bài học cho mình. Các thành phố nên đầu tư nhiều vào các khu trú ẩn khẩn cấp và khoanh vùng phân chia mức độ quan trọng để lựa chọn chiến lược đối phó với lũ lụt.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng thích ứng với thiên tai. Ví dụ như thành phố bọt biển, sáng kiến thích ứng môi trường nổi tiếng nhất của Trung Quốc, cho phép các khu đô thị hấp thụ và loại bỏ nước mưa thông qua không gian cây xanh, hồ chứa ngầm, kênh đào và hệ thống máy bơm.
Nhưng việc trang bị cho thành phố bọt biển rất tốn kém và chủ yếu dựa vào quỹ của chính phủ. Ngay cả số lượng hạn chế của các dự án hiện tại cũng bị cản trở do thiếu kinh phí.
Hồ chứa nước được xây dựng ở "thành phố bọt biển" Duyệt Lai. Ảnh: Bloomberg.
Tìm kiếm giải pháp linh hoạt
Hiện tại, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các giải pháp thiết kế như đập và đê chắn sóng để ngăn lũ. Nhưng nhiều người ngày càng tỏ ra hoài nghi do tác động của các giải pháp này đến hệ sinh thái. Hơn nữa, chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng không linh hoạt khi đối phó với môi trường khó lường là điều phi thực tế, các kiến trúc sư làm việc với các quan chức chính phủ nói với Sixth Tone.
Do đó, các thành phố ở Trung Quốc đang dần quan tâm đến việc sử dụng các giải pháp chống ngập lụt dựa vào thiên nhiên trong quy hoạch đô thị. Để đối phó tốt hơn với mực nước dâng cao, chính quyền tỉnh Quảng Đông có kế hoạch xây dựng 5.200 km "vành đai sinh thái" dọc theo các bờ sông ở Đồng bằng sông Châu Giang.
Dọc theo "vành đai sinh thái", các kiến trúc sư có thể thiết kế các không gian giải trí đóng vai trò là vùng đất ngập nước trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, Ha Wenmei, người tham gia dự án "vành đai sinh thái" ở Thâm Quyến cho biết.
Bà cho biết quá trình đô thị hoá trong 30-40 năm qua đã bê tông hoá các ao hồ và vùng đất ngập nước tự nhiên. Mặc dù bây giờ không thể quay trở lại quá khứ, nhưng kinh nghiệm trị thuỷ của Hà Lan có thể mang lại cho các thành phố của Trung Quốc nhiều bài học quý báu.
Li Huimin, phó giáo sư về chính sách khí hậu tại Đại học Xây dựng và Kiến trúc Bắc Kinh, cho biết: Khi các nhà quy hoạch đô thị xem xét phương án cải thiện khả năng ứng phó với lũ lụt của họ, điều quan trọng là mỗi thành phố phải làm dựa trên tình hình của địa phương.
Ngoài ra, cách chính phủ và người dân chuẩn bị ứng phó với thiên tai cũng cần được cải thiện. Bài học rút ra từ lũ lụt ở Hà Nam là Trung Quốc nên tăng cường các cơ chế cảnh báo sớm và ứng phó khẩn cấp. Theo Zheng Yan, giáo sư về thích ứng khí hậu tại Đại học Khoa học Xã hội Trung Quốc, người dân cũng nên được giáo dục nâng cao nhận thức về các rủi ro khí hậu.
Mối quan tâm chính đối với giáo sư về rủi ro khí hậu tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh Ye Qian là lũ lụt năm 2021 sẽ bị lãng quên. Giáo sư cho biết sai lầm mà Trung Quốc thường mắc phải là "rút ra bài học kinh nghiệm nhưng không bao giờ áp dụng".
Tham khảo Sixth Tone