Giấy đỏ ghi tên cả nhà: Bộ TN&MT xin rút kinh nghiệm
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa khẳng định đây chỉ là “sửa về mặt nghiệp vụ trong ngành”. Do cách diễn đạt nên dư luận đã hiểu sai.
“Giấy đỏ ghi tên cả gia đình” trong Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT ban hành mới đây chỉ là hướng dẫn về cách ghi tên trên giấy đỏ với trường hợp quyền sử dụng đất (QSDĐ) chung của hộ gia đình. Hướng dẫn này áp dụng cho cơ quan chuyên môn, không gây phiền hà cho người dân…”.
Tại cuộc họp báo ngày 27-11, đại diện Bộ TN&MT đã giải thích như trên.
Không có điều chỉnh gì mới so với trước đây
Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT), cho hay vừa qua, Bộ TN&MT ban hành Thông tư 33/2017, trong đó có nội dung về thể hiện thông tin tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp hộ gia đình.
“Thông tư này chỉ điều chỉnh cách ghi tên giấy đỏ cho đối tượng sử dụng thửa đất là hộ gia đình. Tức ai đóng góp vào tài sản đó thì được ghi tên. Ví dụ tài sản tạo lập của vợ và chồng mà người con không cùng đóng góp thì chỉ ghi thông tin tài sản của vợ và chồng thôi” - ông Phấn nói.
Cũng theo ông Phấn, vừa qua người dân và dư luận hiểu rằng giấy đỏ phải ghi toàn bộ các thành viên gia đình có trong hộ khẩu. Đây là cách hiểu không đúng.
“Thành viên không có QSDĐ trong gia đình thì không ghi tên trong giấy đỏ. Đây chỉ là hướng dẫn kỹ thuật về cách ghi tên thôi, không có điều chỉnh gì mới so với trước đây” - ông Phấn nhấn mạnh.
Theo ông Phấn, đối với giấy đỏ hộ gia đình (không phải giấy đỏ của các cặp vợ chồng hoặc đứng tên cá nhân như hiện nay) thì Thông tư 33/2017 cũng đưa ra hai cách giải quyết. Một là các thành viên trong gia đình có QSDĐ cử người đại diện đứng tên giấy đỏ. Hai là tất cả thành viên có QSDĐ cùng đứng tên trên giấy đỏ hộ gia đình.
Các trường hợp giấy đỏ đã cấp cho các hộ gia đình trước đây vẫn có giá trị pháp lý. Nếu các thành viên trong gia đình (có QSDĐ) có nhu cầu ghi tên trong giấy đỏ thì cơ quan chức năng sẽ cập nhật, bổ sung thông tin.
Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cũng khẳng định đây chỉ là “sửa về mặt nghiệp vụ trong ngành”. Do cách diễn đạt nên khiến dư luận có cách hiểu sai. “Chúng tôi làm chuyên môn thì nghe cái hiểu ngay. Tuy nhiên, do cách diễn đạt khiến người dân hiểu lầm. Chúng tôi thấy rằng cần phải rút kinh nghiệm, tiếp thu để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý đất đai” - bà Hoa nói.
Hà Nội đã thực hiện từ lâu
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Hà Nội Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết việc cấp giấy đỏ cho nhóm đối tượng hộ gia đình đã được Hà Nội thực hiện từ lâu theo Nghị định 43/2014. Trong năm 2017, cả Hà Nội chỉ có bốn trường hợp phát sinh tranh chấp đất đai trong hộ gia đình. Nếu thực hiện theo Thông tư 33/2017 thì không có gì thay đổi so với trước vì quy định này đang được thực hiện.
“Ví dụ trước đây hộ gia đình có 10 người thì phải cấp 10 giấy nếu các thành viên trong gia đình có nhu cầu nhưng giờ chỉ phải cấp duy nhất một giấy đỏ. Thay vào đó, cơ quan chức năng sẽ ghi tên 10 người trong hộ gia đình đó vào một giấy” - ông Nghĩa nói.
Sẽ giám sát đặc biệt đối với Formosa
Tại cuộc họp báo, Bộ TN&MT cho biết đang xây dựng đề án kiểm soát đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Hoàng Văn Thức cho hay: “Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ đang cùng các địa phương xây dựng đề án kiểm soát đặc biệt với các cơ sở sản xuất gây hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, 28 cơ sở sản xuất sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, trong đó có Formosa (Hà Tĩnh), bôxit Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim như Núi Pháo (Thái Nguyên)”.
Theo ông Thức, việc đưa các cơ sở sản xuất vào diện kiểm soát đặc biệt về ô nhiễm môi trường dựa vào các tiêu chí như loại hình sản xuất có khả năng gây ô nhiễm cao (thép, xi măng, nhiệt điện, khai khoáng…); có quy mô công suất lớn, gây ảnh hưởng lớn nếu xảy ra sự cố giống như Formosa, vị trí đặt dự án gần khu dân cư, công nghệ sản xuất…
Ngoài 28 dự án đưa vào diện kiểm soát đặc biệt ở cấp trung ương, các tỉnh, thành cũng được giao kiểm soát khoảng 300 dự án, cơ sở sản xuất ở quy mô nhỏ hơn. “Đề án cũng đưa ra thời gian kiểm soát đặc biệt về môi trường đối với các cơ sở sản xuất. Theo đó, đơn vị khắc phục tốt về môi trường, đầu tư công nghệ hiện đại, chất thải xử lý đạt chuẩn sẽ được đưa ra khỏi danh sách kiểm soát đặc biệt sau 2-3 năm theo dõi. Ngược lại, các doanh nghiệp có nguy cơ cao hoặc gây ô nhiễm sẽ bị đưa vào danh sách này” - ông Thức nói.
Không có chuyện “đặc cách” cho Formosa xả thải
Một vấn đề được dư luận đặt ra là có hay không chuyện Bộ TN&MT “đặc cách” cho Formosa xả thải với hàm lượng ôxy tham chiếu lên đến 15% (văn bản ngày 9-1-2014 của Bộ TN&MT) trong khi quy định chung tại bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với ngành thép là 7%.
Phó Tổng Cục trưởng Môi trường Hoàng Văn Thức nói: “Chúng tôi khẳng định không đặc cách, đặc thù cho ai. Quy chuẩn đưa ra áp dụng chung cho một ngành, đứng trên bình diện quốc gia xây dựng cho các doanh nghiệp phát triển bình đẳng chứ không có đặc cách”.
Theo ông Thức, Bộ đang sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với khí thải ngành công nghiệp sản xuất thép. Bất cập của quy chuẩn hiện hành quy định hàm lượng ôxy tham chiếu là 7% nhưng không nêu rõ việc áp dụng cụ thể đối với từng loại công nghệ, công đoạn sản xuất và nhiên liệu sử dụng. Bộ Công Thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị hàm lượng ôxy tham chiếu cho công đoạn thiêu kết là 19%-20% thay cho 7%. Tổ soạn thảo quy chuẩn mới đề xuất áp dụng là 15% cho công đoạn trên, tương tự như quy định của Nhật Bản và Hàn Quốc.