Giấy phép xả thải của Formosa có gì?
Tổng xyanua trong nước thải của Formosa không được phép quá 0,585mg/l; công suất xả thải sau xử lý không quá 45.000m3/ngày đêm; 12 thông số và giới hạn nồng độ chất gây ô nhiễm được quy định cụ thể.
- 26-04-2016"Formosa đang có tật giật mình"
- 26-04-2016Khuất tất việc xả thải ở Formosa
- 25-04-2016Formosa giải thích phát ngôn ‘hoặc nhà máy hoặc cá tôm’
Giấy phép cấp ngày 11/12/2013 của Bộ TNMT có thời hạn 10 năm, cho phép công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh được xả thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải.
Theo đó, Formosa Hà Tĩnh được xả nước thải sau khi xử lý vào nguồn nước tại vị trí khu phố Thắng Lợi (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh). Tọa độ vị trí xả nước thải (theo hệ tọa độ VN2000) được giới hạn bởi 4 điểm cụ thể.
Nguồn tiếp nhận nước thải là biển ven bờ vịnh Sơn Dương. Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng.
Lưu lượng nước thải lớn nhất: 45.000m3/ngày đêm.
Tại giấy phép này, Bộ TNMT cũng quy định cụ thể về chất lượng nước thải. Thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải không vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 52:2013/BTNMT.
Cụ thể: Bảng thông số và giới hạn nồng độ chất ô nhiễm trong nước thải bao gồm 12 thành phần, trong đó: nhiệt độ nước xả thải không quá 40 độ C; độ pH từ 5,5-9; chất rắn lơ lửng: 117mg/l; tổng dầu mỡ khoảng 11,7mg/l; tổng phenol: 0,585mg/l; tổng xyanua: 0,585mg/l; ni-tơ: 70,2mg/l; thủy ngân: 0,0117mg/l.
Báo cáo Bộ TNMT trước 15/12 hằng năm
Bộ TNMT cũng yêu cầu Formosa phải thực hiện quan trắc nước thải và nước nguồn tiếp nhận.
Giám đốc Trung tâm an toàn vệ sinh môi trường (tập đoàn Formosa) Hoàng Dật Thuyên khẳng định:
Chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật VN. Ai sai thì phải bị xử lý. Chúng tôi có niềm tin trong công tác xử lý nước thải ra và bảo vệ môi trường, luôn lấy tiêu chuẩn cao nhất để thực hiện.
Về nghi vấn có đường ống khác ngoài đường ống trong thiết kế chạy ngầm, đại diện FHS nói: “Chúng tôi bỏ ra hơn 10 tỷ đô la rồi, chả nhẽ vì cái đường ống xả lén mà đánh đổi tất cả. Và hệ thống xử lý của chúng tôi tới 45 triệu đô, không thể lắp đặt rồi để không đấy”.
Cụ thể: Quan trắc liên tục tự động nước thải tại vị trí đập quan trắc nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công nghiệp công suất 45.000m3/ngày đêm với các thông số quan trắc là: nhiệt độ, pH, COD, SS, tổng ni-tơ và lưu lượng nước thải.
Quan trắc định kỳ theo tần suất 1 tháng/lần lưu lượng, chất lượng nước thải tại vị trí thu gom nước thải đầu vào hệ thống xử lý và nước thải sau xử lý tại vị trí đập quan trắc nước thải trước khi xả ra biển vịnh Sơn Dương với các thông số quy định.
Vị trí quan trắc nước tiếp nhận gồm hai điểm, một điểm cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m về phía bờ; một điểm cách vị trí nước thải sau xử lý 250m ở ngoài khơi.
Tần suất quan trắc được quy định 3 tháng/lần.
Việc thu gom, vận hành hệ thống xử lý nước thải phải theo đúng thiết kế, quy trình nêu trong hồ sơ; đảm bảo các thông số chất lượng nước thải luôn đạt quy định ghi trong giấy phép trước khi xả vào nguồn nước tiếp nhận.
Khi có bất kỳ thông số nào không đạt yêu cầu ghi trong giấy phép, Formosa phải ngưng ngay việc xả nước thải để thực hiện các biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, Formosa chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường ở trung ương và địa phương; chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện cần thiết sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước; đồng thời báo cáo kịp thời về cơ quan cấp phép, cơ quan chức năng địa phương trong trường hợp có sự cố ô nhiễm nguồn nước do việc xả nước thải.
Hàng năm, trước ngày 15/12, Formosa phải tổng hợp báo cáo Bộ TNMT và Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh về tình hình thu gom, xử lý nước thải, xả nước thải và các vấn đề phát sinh trong quá trình xả thải.
Vietnamnet