MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giày Sài Gòn: Cú trượt dài 8 năm đến điểm tựa ‘đất vàng’

16-06-2018 - 14:07 PM | Doanh nghiệp

Mảng sản xuất kinh doanh giày vải đi vào dĩ vãng, giờ đây giá trị từ đất vàng là niềm hy vọng còn sót lại của SSF.

Tám năm kinh doanh ‘được’ những gì?

Ngày 20/4/2010, Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn (UPCOM: SSF) đặt bước chân đầu tiên lên sàn chứng khoán với những kỳ vọng mới về hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế đã bắt đầu phục hồi từ sau khủng hoảng 2007-2008.

Tuy nhiên, Giày Sài Gòn chỉ có lãi 3 năm đầu lên sàn, sau đó là chuỗi trượt dài thua lỗ trong hoạt động kinh doanh khi xuất hiện lỗ lũy kế năm 2013 và đỉnh điểm lỗ gần 28 tỷ đồng năm 2016 ngay sau SCIC thoái vốn.

Giày Sài Gòn: Cú trượt dài 8 năm đến điểm tựa ‘đất vàng’ - Ảnh 1.

Tại thời điểm kiểm toán cuối năm 2017, SSF đã ngừng sản xuất để tái cơ cấu, tổ chức lại công ty. Doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu 30 tỷ khi bị lỗ lũy kế 69 tỷ đồng.

Có thể nói lợi nhuận của SSF kể từ khi lên sàn là một chuỗi trượt dài đến thua lỗ và khoản lỗ lũy kế cứ ngày một lớn hơn. Một điểm đáng chú ý là SSF bắt đầu rơi vào vòng xoáy khó khăn, mất doanh thu bán hàng kể từ 2016 khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện thoái vốn.

Những tưởng việc cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước sẽ giúp doanh nghiệp phát triển hơn. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã có hơn 500 công nhân bị cho nghỉ việc và hàng loạt hệ lụy khác như người lao động bức xúc, cơ quan thuế cưỡng chế, khách hàng khởi kiện ra tòa, thanh lý máy móc…

Cũng sau vài tháng thoái vốn Nhà nước, SSF bất ngờ công bố thông tin tạm ngưng hoạt động từ 1/2/2016 để tái cấu trúc với lý do các khách hàng truyền thống không tiếp tục tái ký hợp đồng, mặt khác công ty chưa tìm được khách hàng mới.

Bên cạnh đó, khủng hoảng nguồn vốn buộc doanh nghiệp phải tăng mạnh vay nợ từ các tổ chức, cá nhân. Mới đây tại Đại hội thường niên 2018, cổ đông đã thông qua việc HĐQT tìm kiếm gói tài chính 10 tỷ đồng để ứng cứu tài chính khẩn cấp nhằm thực hiện các nghĩa vụ nợ kịp thời.

Việc thoái vốn của SCIC có thể gây khó khăn về khách hàng nhưng việc mất hầu hết đơn hàng và buộc phần lớn công nhân nghỉ việc cũng có phần trách nhiệm không nhỏ từ các đơn vị tiếp quản và cổ đông chi phối mới của công ty.

Đất vàng: từ sai phạm đến điểm tựa cuối cùng

Việc thoái vốn của SCIC không chỉ dẫn đến những hệ lụy về nhân sự, nợ vay, khách hàng mà còn liên quan đến mảnh đất vàng hơn 10.000 m2 tại trụ sở chính của SSF là 419 Lê Hồng Phong, quận 10, TPHCM.

Mặc dù được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm với giá ưu đãi chỉ 100.000 đồng/m2/năm nhưng hồi tháng 3/2017, SSF vẫn bị cưỡng chế thuế số tiền hơn 13 tỷ đồng vì nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp.

Không những thế do lấy một phần đất nhà nước cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách vi phạm quy hoạch sử dụng đất nên Quận 10 đã có văn bản yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép.

Sai phạm là vậy nhưng đất vàng giờ đây lại là cứu cánh duy nhất cho Giày Sài Gòn thực hiện công cuộc tái cấu trúc của mình.

Do hoạt động sản xuất giày vải đã tạm ngưng buộc doanh nghiệp phải chọn mô hình, lĩnh vực mới để tiếp tục hoạt động. Vài năm gần đây, SSF tiếp tục cho thuê mặt bằng trống để gia tăng thu nhập, nhiều khả năng nguồn thu này lại đóng góp quan trọng cho doanh thu 2018.

Tuy nhiên, kế hoạch lớn hơn đã được SSF đưa ra, công ty đang ráo riết thực hiện các thủ tục triển khai xin chuyển đổi công năng khu đất từ sản xuất kinh doanh công nghiệp sạch sang khu đất thương mại dịch vụ và tổ chức kinh doanh các ngành nghề đăng ký mới. Đồng thời, đề nghị gia hạn thời gian thuê đất và chuyển đổi hình thức thuê từ trả tiền hàng năm sang trả tiền thuê một lần cho thời hạn 50 năm.

Theo đó, SSF muốn trở thành chủ đầu tư công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp trị giá 1.000 tỷ đồng sắp triển khai tại khu đất này. Ban lãnh đạo SSF nhận định đây là vấn đề lớn mang tính chất quyết định để công ty tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Để thực hiện công trình này, SSF dự kiến huy động tài chính để tăng vốn điều lệ tối thiểu 250 tỷ đồng để đáp ứng quy định về quy mô vốn tối thiểu. Hiện tại SSF chỉ có vốn điều lệ 32 tỷ đồng và do đó công ty phải giải bài toán huy động tài chính thời gian tới.

Từ hoạt động kinh doanh liên sản xuất giày vải, giờ đây sự tồn tại và phát triển của đại gia giày này lại phụ thuộc lớn giá trị mảnh đất vàng mang lại. Mọi hy vọng của SSF được dồn vào việc có được gia hạn, chuyển đổi hình thức thuê đất, chuyển đổi công năng khu đất hay huy động vốn để phát triển dự án hay không?

Theo Huy Lê

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên