MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á

11-07-2023 - 14:40 PM | Tài chính quốc tế

Nhật Bản đang có nguy cơ thua Trung Quốc tại một trong các thị trường trọng điểm của hãng tại Đông Nam Á - Thái Lan.

GIÓ ĐẢO CHIỀU TẠI CÔNG XƯỞNG SỐ 1 ĐÔNG NAM Á

Siam Motors là một nhà sản xuất xe nổi tiếng của Thái Lan. Siam Motors có hợp tác bền chặt với Nissan Motors của Nhật từ năm 1962; họ từng có một nhà máy có công suất 4 xe mỗi ngày, lâu dài đã đi tới một mối quan hệ có thể dựa vào nhau, có lịch sử tới vài chục năm. Có thể nói rằng Nissan Motors đã biến Siam từ một đơn vị chuyên phân phối xe trở thành nhà tiên phong xe tại Thái.

Tuy nhiên, Siam Motors với doanh thu hàng năm lên tới 7 tỷ đô từ mối quan hệ đó lại đang tìm kiếm những cơ hội khác, từ những người khác.

Thực tế, Siam Motors đang đàm phán với nhiều thương hiệu xe Trung Quốc về hợp tác tương lai, cụ thể là với các mẫu xe điện cao cấp. Điều này được phó chủ tịch Sebastien Dupuy tiết lộ trong một buổi phỏng vấn: "Xe điện là một cơ hội phát triển tuyệt vời. Thị trường đã sẵn sàng và chúng tôi muốn nắm bắt được điều đó".

Định hướng của Siam Motors có thể nói là tiêu biểu cho thấy những thay đổi đang xảy ra tại ngành xe Thái Lan. Một điều cũng đáng nhắc đến là từ năm 2020 cho tới nay, các công ty Trung Quốc, trong đó có các tên tuổi lớn như BYD hay Great Wall Motors, đã đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD và đã mở ra một chiến tuyến mà các thương hiệu Nhật lâu nay chiếm lĩnh.

Các hãng xe Nhật Bản hiện nay ngoài đối mặt với khủng hoảng doanh số tại Trung Quốc, giờ phải tiếp tục tìm cách vượt qua cuộc chiến tại một thị trường trọng điểm châu Á. Khó khăn mà các hãng xe Nhật đang gặp phải nhiều phần tới từ sự chậm trễ trong nghiên cứu và phát triển xe điện.

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á - Ảnh 1.

BYD Atto 3 là mẫu xe điện bán chạy nhất tại Thái Lan trong Q1/2023.

Làn sóng xe Trung Quốc đã bắt đầu tái định hình ngành công nghiệp xe Thái Lan khi các thương hiệu xe Trung Quốc không chỉ gia nhập thị trường mà còn mang theo nhà cung cấp của họ, khiến cho các đơn vị nội địa Thái cũng rục rịch tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới. Đáng nói, các đơn vị của Thái đã hợp tác với các thương hiệu Nhật trong thời gian dài, tương tự như Siam Motors.

Hiện tại, Thái Lan được coi là công xưởng sản xuất và cũng là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, ngoài ra còn là thị trường xe lớn thứ 2 toàn khối - sau Indonesia. Các thương hiệu xe Nhật Bản tại Thái Lan được ưa chuộng và phổ biến tới nỗi các hãng xe xứ mặt trời mọc gần như coi Thái Lan là thị trường nội địa nối dài.

Song, năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Thái Lan trở thành quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất. Điều này phải kể tới các khoản đầu tư của BYD cho việc xây dựng nhà máy mới, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024. Các khoản đầu tư của Trung Quốc nói chung và của BYD nói riêng cần đặt trong bối cảnh các quan chức Thái đang cố gắng kêu gọi đầu tư từ các nhà sản xuất của quốc gia tỷ dân.

Một điều không thể không nhắc tới là xu hướng chuyển dịch của các nhà sản xuất Thái có thể "đưa vào sách giáo khoa" cho các nền kinh tế khác tham khảo và rút kinh nghiệm. Đó là bởi hiện nay, các nhà sản xuất xe Trung Quốc đang ra sức xuất khẩu và xây dựng nhà máy tại nước ngoài, một phần vì thị trường xe tại Trung Quốc gần đây trở nên quá cạnh tranh.

Ví dụ tại châu Âu - nơi mà chính sách hỗ trợ sản xuất xe điện vẫn đang trong quá trình thai nghén, các thương hiệu xe Trung Quốc vẫn không ngừng thúc đẩy kể cả tại thị trường mà xe điện chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh số.

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á - Ảnh 2.

"TÔI SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐI XE XĂNG NỮA!"

Pasit Chantharojwong là một giáo viên và cũng là một tài xế công nghệ ở 55 tuổi sống tại thủ đô Băng Cốc, Thái Lan. Vị giáo viên này đã là người dùng trung thành của mẫu xe xăng Toyota Corolla trong 15 năm, và năm nay vừa chuyển sang mẫu Ora Good Cat của Tập đoàn Great Wall. Vị giáo viên này cho biết: "Tôi sẽ không bao giờ đi xe xăng nữa!"

Theo số liệu của cơ quan chính phủ Thái Lan thì trong số gần 850.000 xe đăng ký mới tại Thái Lan năm ngoái, chỉ có khoảng 1% là xe thuần điện. Tuy nhiên, chỉ tính từ tháng 1 đến hết tháng 4 năm nay, con số đã tăng hơn 6%.

Trong tổng 18.481 chiếc xe điện được bán ra từ tháng 1 đến hết tháng 4 năm nay, BYD là thương hiệu số 1 thị trường, theo sau là SAIC, Hozon và Tesla; trong đó, số xe của BYD lên tới hơn 7.300 chiếc. Toyota cũng có một mẫu xe thuần điện đang mở bán là Toyota bZ4X; tính trong năm nay thì mới chỉ có 11 chiếc được đăng ký mới. Nhưng nói về xe xăng, Isuzu cùng với Honda là 2 thương hiệu thống trị thị trường, chiếm gần 70% doanh số xe con và xe bán tải năm ngoái tại Thái.

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á - Ảnh 3.

Toyota bZ4X là mẫu xe điện quốc tế duy nhất của thương hiệu Nhật Bản.

Giám đốc chi nhánh Thái Lan của Viện Nghiên cứu Nomura, ông Hajime Yamamoto, cho rằng trong 10 năm tới, các thương hiệu xe Trung Quốc sẽ lấy đi ít nhất 15% thị phần từ tay các hãng xe Nhật với các mẫu xe điện giá rẻ: "Thương hiệu Nhật chỉ có thể nhắm đến một thị phần nhỏ ở phân khúc hạng sang".

Trong cả thập kỷ qua, Toyota và các công ty thuộc tập đoàn đã đầu tư vào Thái Lan gần 7 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 275.000 người. Trả lời tờ Reuters, Toyota cho biết rằng đang cân nhắc cho sản xuất xe điện tại Thái Lan. Đây cũng là lần đầu tiên Toyota trả lời chính thức về việc này.

Toyota cũng cho biết rằng hãng đang nhận được khoảng 3.356 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện duy nhất bán quốc tế của hãng - mẫu Toyota bZ4X. Mẫu SUV điện cỡ D này bắt đầu bán tại Thái từ năm ngoái. Ngoài ra, Toyota cũng đang lên kế hoạch cho một mẫu xe bán tải điện. Song, giới chuyện gia nhận định rằng Toyota nên cân nhắc mở rộng ra các phân khúc khác nữa.

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á - Ảnh 4.

MỤC TIÊU CỦA THÁI LAN

Thái Lan đặt mục tiêu tới năm 2030, 30% lượng sản xuất hàng năm là xe điện, tương đương khoảng 2,5 triệu chiếc, trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn nhất khu vực. Với mục tiêu này, Thái Lan đang đẩy mạnh tìm kiếm thêm nhà đầu tư.

Những lời mời gọi đầu tư với Trung Quốc của Thái Lan vẫn luôn là ngành công nghiệp phụ trợ mà phần lớn xây dựng cho các thương hiệu Nhật Bản, đồng thời cũng sẵn sàng đưa ra các gói hỗ trợ. Các khoản hỗ trợ có thể kể tới như giảm thuế nhập khẩu với điều kiện được sử dụng để lắp ráp nội địa, và cả giảm thuế để sản xuất xe điện.

Ông Narit Therdsteerasukdi, Tổng Thư ký Hội đồng Đầu tư Thái Lan, cho biết: "Chúng tôi nhận ra rằng để trở thành trung tâm sản xuất xe điện của khu vực, chúng tôi không thể chỉ xây dựng mỗi ngành công nghiệp sản xuất. Chúng tôi cũng cần phải phát triển cả hệ sinh thái dành cho xe điện". Ông Narit Therdsteerasukdi nói ý muốn nhấn mạnh về phát triển đồng thời ngành công nghiệp mà phụ trợ cho sản xuất.

Gió đảo chiều tại công xưởng ô tô số 1 Đông Nam Á - Ảnh 5.

Khi đi vào hoạt động năm 2024, nhà máy BYD tại Thái Lan có công suất ban đầu 150.000 xe mỗi năm.

Tính tới hết tháng 5/2023, Hội đồng Đầu tư Thái Lan đã phê duyệt cho 14 dự án của 13 công ty, có thể tạo ra khoảng 276.640 chiếc xe điện mỗi năm.

Đại diện chi thánh tại Thái Lan của Tập đoàn Great Wall, ông Narong Sritalayon cho biết rằng Great Wall đã lựa chọn Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất xe điện cho khu vực, bởi Thái Lan có cơ sở hạ tầng tốt, nền công nghiệp phụ trợ ổn, nhân công đủ tiêu chuẩn, cùng với đó là tiềm năng phát triển bền vững: "Bạn sẽ muốn thâm nhập vào thị trường mà ở đó có sức mua, có đủ khả năng hỗ trợ kế hoạch phát triển trong tương lai, đặc biệt với một nhóm ngành mới như xe điện".

Theo Minh Đức

Phụ nữ số

Trở lên trên