Giới chức Trung Quốc thảo luận việc xả lũ của đập Tam Hiệp
Thông tin đập Tam Hiệp ở Trung Quốc bị vỡ đang lan truyền trên mạng xã hội X. Tuy nhiên, báo The Paper ngày 23-7 khẳng định thông tin đó là sai sự thật.
- 22-07-2024Siêu đập Tam Hiệp chuẩn bị đối mặt mưa lũ đỉnh điểm, ráo riết mở cửa xả lũ tới 41.000 m3/s, quan chức gióng hồi chuông cảnh báo
- 18-07-2024Cơn thịnh nộ của nước: Siêu đập Tam Hiệp xả lũ 11 cửa, người dân than 'như cá nằm trên thớt'
- 14-07-2024Không chỉ có siêu đập Tam Hiệp, Trung Quốc đang bí mật xây 'vua đập' mới: Ở đâu?
Báo The Paper tại TP Thượng Hải (Trung Quốc) đưa tin đoạn video lan truyền trên mạng xã hội X (Twitter) được cho là "Đập Tam Hiệp vỡ, khiến hàng ngàn gia đình phải sơ tán". Tuyên bố này còn kèm theo một đoạn video dài khoảng 30 giây.
Tuy nhiên, đoạn video đó thực ra ghi lại sự cố lũ lụt do mưa lớn ở đường hầm phía Bắc đường cao tốc Bắc Kinh - Quảng Châu ở TP Trịnh Châu (tỉnh Hà nam) vào ngày 20-7-2021.
Theo báo The Paper, vào ngày 21-7-2021, kênh Project Earth trên nền tảng video YouTube đã phát hành một đoạn video có thời lượng là 4 phút 28 giây, trong đó bao gồm các clip từ 32 giây đến 1 phút 01 giây. Video gốc có chú thích "Vào ngày 21-7-2021, Trịnh Châu đã hứng chịu trận mưa ngàn năm mới có một lần". Kênh Project Earth cho biết các clip lấy đến từ các nền tảng xã hội lớn và được biên tập theo ngày, địa điểm.
Theo Tân Hoa Xã, từ ngày 17 đến 23-7-2021, tỉnh Hà Nam gặp phải trận mưa lớn hiếm thấy và hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Đặc biệt vào ngày 20-7-2021, TP Trịnh Châu gánh chịu thương vong nặng nề và thiệt hại về tài sản.
Do Ban quản lý đường hầm Trịnh Châu và các bộ phận liên quan không đóng cửa đường hầm và phân luồng giao thông kịp thời, làm 6 người thiệt mạng và 247 ô tô bị ngập nước.
Đây không phải lần đầu tiên thông tin đập Tam Hiệp ở Trung Quốc bị vỡ lan truyền trên mạng xã hội. Hồi tháng 6-2023, cũng xuất hiện thông tin đập Tam Hiệp của Trung Quốc bị vỡ hoặc cháy. Tờ The Paper cũng tuyên bố thông tin đó là sai sự thật.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 22-7 đưa tin Bộ Thủy lợi đã tổ chức cuộc họp đặc biệt để phân tích, đánh giá tình hình lũ lụt trên sông Dương Tử, sông Hoài Hà, Hắc Long Giang và các lưu vực sông khác.
Khi bước vào giai đoạn quan trọng trong ứng phó lũ lụt, Bộ Thủy lợi Trung Quốc kêu gọi thực hiện loạt biện pháp chủ động ở 8 lưu vực sông lớn để giảm thiểu tác động của lũ lụt.
Bên cạnh đó, giới chức Trung Quốc cũng thảo luận về việc xả lũ đập Tam Hiệp khi dự báo lũ sông Kim Sa, phụ lưu sông Dương Tử, tiếp tục dao động mức 1,5 m so với cảnh báo.
Hiện nay, Bộ Thủy lợi duy trì ứng phó khẩn cấp phòng lũ cấp III đối với tỉnh Hồ Nam và phòng chống lũ cấp IV cho 13 tỉnh và khu vực bao gồm Giang Tô, An Huy, Giang Tây, Sơn Đông, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc, Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Vân Nam.
Văn phòng thủy văn của Ủy ban Thủy lợi Trường Giang (hay còn gọi là sông Dương Tử) đưa ra cảnh báo màu vàng (mức cảnh báo nghiêm trọng thứ 3) từ chiều 22-7 với lũ lụt ở trạm thủy văn dọc sông Kim Sa, tỉnh Vân Nam.
CCTV đưa tin có 50 con sông khắp Trung Quốc lũ lụt trên mức cảnh báo.
Người lao động