MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới đầu tư toàn cầu săn đón chứng khoán Trung Quốc bất chấp thị trường giảm điểm

17-02-2022 - 20:10 PM | Tài chính quốc tế

Giới đầu tư toàn cầu săn đón chứng khoán Trung Quốc bất chấp thị trường giảm điểm

Các nhà đầu tư quốc tế đang đổ nhiều tiền hơn vào chứng khoán Trung Quốc, ngay cả khi các nhà đầu tư trong nước vẫn thận trọng với thị trường.

Dòng vốn ngoại đang trở lại Trung Quốc

Theo công ty nghiên cứu EPFR Global, các quỹ chứng khoán của Trung Quốc đại lục đã chứng khiến dòng vốn ròng 16,6 tỷ USD trong tháng Giêng. Đây là lần thứ 4 kể từ khi đại dịch bùng phát mà dòng vốn hàng tháng đổ vào thị trường Trung Quốc vượt 10 tỷ USD. Dữ liệu cũng cho thấy đứng ngay sau đó là dòng vốn ròng 11 tỷ USD vào tháng 12/2021.

Cameron Brandt, giám đốc nghiên cứu của EPFR, nói: "Sự quan tâm của các nhà đầu tư với Trung Quốc đã thực sự tăng vào quý 4 năm ngoái. Tôi nghĩ rằng động lực đó bắt nguồn từ nhận thức của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, rằng trong các thị trường mới nổi, Trung Quốc, với nhiều lý do, là cuộc chơi an toàn trong năm nay".

Theo Brandt, làn sóng mua mới nhất là các nhà đầu tư tổ chức chứ không phải các nhà đầu tư nhỏ lẻ, những người vốn đã giảm bớt sự quan tâm đến thị trường Trung Quốc kể từ đầu năm ngoái. Trong khi đó, các công ty cũng ngày càng đánh giá tích cực hơn với chứng khoán Trung Quốc trong vài tháng qua.

Giới đầu tư toàn cầu săn đón chứng khoán Trung Quốc bất chấp thị trường giảm điểm - Ảnh 1.

Phần khác, các nhà phân tích đang đặt cược rằng Bắc Kinh muốn đảm bảo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022, năm mà Trung Quốc sẽ tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng, bao gồm cả việc chọn các nhà lãnh đạo tiếp theo trong đại hội toàn quốc được tổ chức mùa thu năm nay. Nhiều nhà quan sát dự báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tiếp tục là người lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhiệm kỳ thứ 3, điều chưa từng có trước đây.

Jason Hsu, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Rayliant Global Advisors, cho biết: "Mọi thứ đều cần phải hoàn thiện đến mức hoàn hảo trước một sự kiện quan trọng như vậy. Đối với bất kỳ nhà đầu tư lý trí nào, đây đều là cơ hội khó mà bỏ lỡ".

Bên cạnh đó, ông Hsu cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc thực sự là một thị trường tốt, nhất là khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn kích thích, với những chính sách tiền tệ lỏng lẻo hơn. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đang bắt đầu thắt chặt chính sách.

Sự lạc quan bao trùm

Goldman Sachs và Bernstein lạc quan đến mức họ từng đưa ra các báo cáo dài trong vài tuần qua để khuyến nghị mua cổ phiếu Trung Quốc đại lục, còn được gọi là cổ phiếu A. Những khuyến nghị lạc quan được đưa ra bất chấp những lo lắng về những sự không chắc chắn, có thể tới từ quy định của nhà chức trách nước này.

"Chúng tôi tin rằng cổ phiếu Trung Quốc, những tài sản trị giá 14.000 tỷ USD, đã trở nên đáng đầu tư hơn nhờ các biện pháp tự do hóa và cải cách đang diễn ra trên thị trường vốn Trung Quốc", Kinger Lau, Giám đốc Chiến lược cổ phiếu Trung Quốc của Goldman, nói trong báo cáo hôm 13/2.

Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã tiến hành trấn áp các hành vi được cáo buộc là độc quyền của các công ty Internet và các nhà phát triển bất động sản phụ thuộc nhiều vào nợ và các vấn đề khác. Những thay đổi chính sách, đôi khi diễn ra đột ngột, đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu "trở tay không kịp".

Giới đầu tư toàn cầu săn đón chứng khoán Trung Quốc bất chấp thị trường giảm điểm - Ảnh 2.

Dữ liệu của EPFR cho thấy trong giai đoạn đó, các quỹ của thị trường mới nổi toàn cầu đã chuyển sang Ấn Độ. Các nhà quản lý quỹ cũng ít nhiệt tình hơn với thị trường Trung Quốc so với các thị trường khác. Phân bổ trung bình cho thị trường Trung Quốc đã giảm từ 35% danh mục đầu tư trong quý 3/2020 xuống 27% tính đến 1/1 vừa qua. Trong cùng thời gian, phân bổ ngân sách quỹ đầu tư cho thị trường Ấn Độ đã tăng từ 8,5% lên 12,7%.

Mặc dù thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục là thị trường lớn thứ 2 thế giới tính theo giá trị nhưng nó có sự khác biệt đáng kể so với thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường lớn nhất thế giới. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới là lực lượng thống trị thị trường chứng khoán Trung Quốc chứ không phải các tổ chức. Trong nhiều năm, nó còn được so sánh với "sòng bạc". Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.

Một dấu hiệu cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc đang trưởng thành hơn là việc MSCI đã đưa một số cổ phiếu A của Trung Quốc vào Chỉ số thị trường mới nổi (MSCI Emerging Markets Index) năm 2018. Động thái này buộc các quỹ theo dõi bộ chỉ số này phải mua thêm các cổ phiếu A. Dẫu vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn thống trị thị trường vào thời điểm hiện tại.

Dù một số nhà kinh tế cho biết thời kỳ tồi tệ nhất của việc thắt chặt các biện pháp quản lý của Trung Quốc đã qua nhưng họ cũng khẳng định điều đó không có nghĩa là đảo ngược hay chấm dứt việc đưa ra các quy định mới.

Ông Xuan Wei, chiến lược gia trưởng của China Asset Management, cho biết: "Sẽ mất thời gian để tạo dựng lại niềm tin cho thị trường nhưng cũng không nên quá bi quan vào lúc này". Wei nói thêm rằng có những cơ hội đối với cổ phiếu công nghệ tăng trưởng hoặc các cổ phiếu năng lượng mới.

Trung Quốc mở cửa ngành tài chính cho nước ngoài

Trong khi các nhà phân tích đánh giá hiệu quả hoạt động của chứng khoán Trung Quốc, thị trường Đại lục ngày càng mang lại các cơ hội kinh doanh cho các công ty đầu tư quốc tế. Ngành tài chính là một trong số ít lĩnh vực mà Bắc Kinh đã nới lỏng các hạn chế về quyền sở hữu trong vài năm qua. Những thay đổi về chính sách đã cho phép BlackRock, Goldman Sachs và UBS nằm trong số những tổ chức có thể mua hoàn toàn quyền kiểm soát chứng khoán địa phương hoặc hoạt động quỹ tương hỗ của họ.

Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư của KraneShares, cho biết: "Một trong những lý do vì sao chúng tôi lạc quan chính bởi chúng tôi làm việc trong một lĩnh vực mà Trung Quốc đã thực sự mở cửa một cách mạnh mẽ và rộng lớn".

https://cafef.vn/gioi-dau-tu-toan-cau-san-don-chung-khoan-trung-quoc-bat-chap-thi-truong-giam-diem-20220217191435364.chn

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên