Giới nhà giàu Trung Quốc chi tiêu mạnh tay bất chấp khó khăn của 2022
Các nhà phân tích tại McKinsey and Company cho biết những người Trung Quốc giàu có có xu hướng chi tiêu nhiều hơn trong năm nay trong khi những người nghèo buộc phải cắt giảm chi tiêu.
Điều này trái ngược với năm 2019, thời điểm trước đại dịch, khi mà có rất ít sự khác biệt trong chi tiêu giữa hai nhóm. McKinsey and Company cho biết thước đo về tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc trong năm nay đã tụt xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Các biện pháp phong tỏa để ngăn ngừa Covid-19 lây lan đã tác động nặng nề tới nền kinh tế Trung Quốc, nhất là khi biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự sụt giảm của thị trường bất động sản cũng khiến nền kinh tế đi xuống.
Tuy nhiên, hơn ¼, hay chính xác là 26% những hộ gia đình có thu nhập hàng năm trên 345.000 tệ (50.000 USD), cho biết họ tăng chi tiêu khoảng 5% trở lên so với năm ngoái. Chỉ 14% trong nhóm này cho biết họ giảm đáng kể chi tiêu của mình.
Đối với nhóm người thu nhập thấp, xu hướng hoàn toàn đảo ngược. Với những gia đình chỉ kiếm được 85.000 tệ/năm (khoảng 11.000 USD), chỉ 12% trong số đó tăng chi tiêu so với năm ngoái. 27% cho biết họ buộc phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu để đối phó với tình cảnh khó khăn.
Trong khi đó, cuộc khảo sát còn cho biết khoảng 60% số người được hỏi cho biết chi tiêu của họ không thay đổi nhiều trong năm nay. Trong khi đó, số các gia đình muốn tiết kiệm để đề phòng tình hình khó khăn đã vọt lên 58%, mức cao nhất kể từ năm 2014. Ngoài ra, số người cho rằng thu nhập của gia đình họ sẽ tăng trogn 5 năm tới là 54%, giảm so với con số 59% của năm 2019.
Ngày càng có nhiều người giàu
Về tương lai, McKinsey dự kiến số hộ gia đình thành thị thuộc nhóm thu nhập thấp sẽ giảm trong 3 năm tới. Trong khi đó, hàng triệu hộ gia đình khác sẽ gia nhập hàng ngũ những người giàu có hơn. Người Trung Quốc đang rất kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch. Họ bỏ xa sự kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ, Anh hay Hàn Quốc. Chỉ có người tiêu dùng Ấn Độ và Indonesia là lạc quan hơn người tiêu dùng Trung Quốc.
“Những người có thu nhập cao hơn đang giảm tần suất mua hàng hoặc thay đổi sở thích của họ trong một số danh mục nhất định thay vì chuyển sang các thương hiệu hoặc sản phẩm rẻ hơn. Điều này được tạo điều kiện thuận lợi bởi các thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu trong nước, nâng cấp chính mình với việc đưa ra các sản phẩm đặc biệt hơn”, báo cáo cho biết.
Người tiêu dùng Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát cho biết họ dành trung bình gần 2 giờ/ngày để xem các nội dung trên nền tảng video ngắn như Douyin (phiên bản nội địa Trung Quốc của TikTok). Chính điều này đã biến một nền tảng mạng xã hội trở thành nền tảng thương mại hấp dẫn với người tiêu dùng ở quốc gia 1,4 tỷ dân.
“Để thành công với mạng xã hội không chỉ cần có một người livestream giỏi, một sản phẩm tốt mà còn phải có nội dung để mọi thứ trở nên sôi động. Trong khi các doanh nghiệp địa phương thích nghi nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng mới, các công ty nước ngoài lại đang phải vật lộn để quy trình phê duyệt nội bộ có thể diễn ra nhanh chóng”, Daniel Zipser, đối tác cấp cao tại McKinsey và lãnh đạo bộ phận bán lẻ và tiêu dùng châu Á, cho biết.
Tham khảo: Bloomberg
Nhịp sống Thị trường