Giới sành lan: Lan đột biến không hiếm, muốn là có ngay vạn cây
Lan đột biến hiện không hiếm vì có thể nhân thông thường hoặc cấy ghép mô. Nếu đưa vào phòng thí nghiệm thì 1 tháng sau có cả hàng vạn cây, theo chuyên gia sinh vật cảnh.
- 15-04-2021Quảng cáo giao dịch lan đột biến trăm tỷ: Một tấc đến trời
- 14-04-2021Mù mờ giá trị lan đột biến tiền tỷ, chớ dại lao vào như “thiêu thân”
- 14-04-2021Mua bếp giá 40.000 USD phải đợi cả tháng: Dấu hiệu cho thấy "cơn khát" hàng gia dụng đang lan rộng toàn cầu
Tuần qua dư luận xôn xao về thông tin một chủ vườn lan ở Xóm chợ Định Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hoà, TP Hà Nội ôm 200 tỷ đồng bỏ trốn. Khi PV Infonet đến tận nơi, vườn lan với diện tích hơn 200m2 đang trong tình trạng đóng kín cửa. Bên trong chỉ còn lác đác vài chậu lan. Người dân sinh sống gần đó cho biết có những người từ Cao bằng, Hà Nam về tìm chủ vườn, nhưng không thể gặp vì người này đã thu xếp đồ đạc ra đi từ mấy ngày trước.
Sau gần 1 tuần bặt vô âm tín, chủ vườn lan Hà Thanh tại huyện ứng Hòa đã đến cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Ứng Hòa trình diện. Và bước đầu công an xác định đã có 30 người đã từng giao dịch với vườn lan này với tổng số tiền 30 tỷ đồng. Tất cả giao dịch cũng chỉ thông qua lời nói, mà không có hợp đồng hoặc giấy tờ cụ thể nào.
Tại thời điểm các thương vụ "lan đột biến trăm tỷ" dậy sóng gây chao đảo trên mạng, trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Ngọc Tạo, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng, lan đột biến hiện không hiếm vì có thể nhân thông thường hoặc cấy ghép mô. Nếu đưa vào phòng thí nghiệm thì 1 tháng sau có cả hàng vạn cây.
Ông Tạo cũng khăng định không có mức giá cho lan đột biến vì nó tuỳ từng loại và tuỳ vào giao dịch giữa người mua, người bán với nhau, không có quy định nào cả. Có giao dịch tiền tỷ tuy nhiên thực tế rất ít và không đến mức lên tới cả trăm tỷ, hét giá như vậy nghe rất vô lý. Thông tin lan truyền như thế là ảo, không thể có mức giá “khủng” như vậy.
Giới sành lan: 'Lan đột biến trăm tỷ' muốn là có ngay vạn cây
Cũng theo ông Tạo, do lan đột biến có lai tạo được nên có một số người mua về để nhân giống bán lại. Kỹ thuật lai tạo hiện nay rất dễ, những giò lan đột biến lúc đầu đắt nhưng khi nhân được thì giá rẻ ngay. Một ki lan (mầm cây) có thể bán chục triệu nhưng những trường hợp như vậy không nhiều.
Theo PGS.TS Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Công nghệ Châu Á Thái Bình Dương đồng thời là Chủ tịch Hội Hoa lan Hà Nội, có những dòng lan đột biến đắt vì độ quý hiếm và độc đáo, giao dịch từ vài trăm triệu đến một vài tỷ là có thật. Có nhiều thương vụ 5-6 tỷ nhưng thực tế nói giá lên cho oai chứ không có tiền mặt, chồng vài trăm triệu rồi đổi ki hoặc đổi những thứ khác cho nhau.
Trên báo Dân trí, GS.TS Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cũng khẳng định lan đột biến không phải cái gì quá quý hiếm mà chỉ có yếu tố lạ. Cũng giống như con gà, có con gà mái mơ, có con màu lông mật, có con đuôi dài, có con đuôi ngắn.
GS Hàm nói chúng ta hoàn toàn có thể nhân cấy các giống lan đột biến bằng công nghệ In Vitro. Các nước có nền công nghiệp hoa lan phát triển như Thái Lan, Trung Quốc đều áp dụng công nghệ này. Các phòng nuôi cấy mô của Việt Nam nếu có đơn đặt hàng họ cũng hoàn toàn có thể làm được.
GS Hàm cho tằng lan đột biến chỉ thực sự mang lại giá trị kinh tế khi nhân giống hàng loạt sản xuất công nghiệp để có doanh số lớn như lan hồ điệp, từng bước hình thành nền công nghiệp hoa lan.
Infonet